Từ việc duy trì cuộc sống của một gia đình nhỏ, đến quá trình vận hành bộ máy chính trị phức tạp của một quốc gia, tài chính luôn đóng vai trò trung tâm trong những guồng quay ấy. Rắc rối sẽ nảy sinh khi dòng tiền không thể lưu thông một cách đều đặn, khiến cho lợi ích của các bên bị ảnh hưởng.
Chiến tranh tiền tệ của tác giả Song Hong Binh (Tống Hồng Binh) không phải là một cuốn sách về tài chính thông thường. Ngoài các định chế tài chính, tỉ giá hối đoái hay căn nguyên của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách này những câu chuyện lịch sử thú vị được kể từ các ngân hàng.
Người khổng lồ đứng sau ngai vàng
Khi nhắc đến vua chúa, người ta nghĩ ngay đến hai thứ: tiền bạc và quyền lực. Nhưng sự thật đôi khi không phải như vậy. Nếu ngân khố trống rỗng, các ông hoàng sẽ thất thế và mất đi phần lớn quyền uy.
Đồng thời, họ sẽ phải chịu sức ép không nhỏ từ các thương nhân giàu có. Thành thật mà nói, trong tình cảnh đó, vua chúa chẳng khác nào những con nợ bần cùng trong bộ y phục lộng lẫy. Câu chuyện của vua William đệ nhất nước Anh, từ thế kỉ XVII là một ví dụ sống động.
Sách Chiến tranh tiền tệ. |
Vị hoàng đế này lên ngôi trong tình cảnh rất rối ren, quốc khố gần như cạn kiệt, nhưng cuộc chiến với vua Louis XIV của nước Pháp lại tiêu tốn một khoản chiến phí khổng lồ.
Để có tiền trang trải cho quân đội ngoài chiến trường, vị vua mới của nước Anh đã đi vay từ các chủ ngân hàng mà không hề toan tính thiệt hơn. Sau đó, lãi mẹ cứ thế đẻ lãi con, ngân sách quốc gia phải gánh một khoản nợ lớn và không ngừng tăng theo cấp số nhân. Lúc này, chính là thời cơ để đám chủ nợ đưa ra hàng loạt yêu sách với chính phủ. Các ngân hàng tư nhân cứ thế mọc lên như nấm sau mưa.
Nhờ vậy, “đế chế” ngân hàng Rothschild, chủ nợ lớn nhất của vua William đệ nhất lúc bấy giờ, đã bành trướng thế lực của mình ở khắp châu Âu. Trong suốt hơn 200 năm, chiến tranh và sự phát triển của gia tộc Rothschild luôn song hành cùng nhau.
Trước khi kiếm được món hời từ khoản vay khổng lồ, không có khả năng chi trả của vua Anh, đế chế ngân hàng hùng mạnh này đã có được một thương vụ làm ăn lớn từ trận Waterloo nổi tiếng. Không hẹn mà gặp, các ông hoàng sừng sỏ của châu Âu đều tề tựu ở văn phòng của hệ thống ngân hàng Rothschild.
Tân thế giới và cuộc chiến kim tiền nảy lửa
Các sử gia hiện đại đã khẳng định lịch sử nước Mỹ gắn liền với sự can thiệp cùng những mưu mô của các thế lực quốc tế.
Trong đó, thứ làm người ta cảm thấy đáng sợ nhất, chính là sự thâm nhập và âm mưu lật đổ của các thế lực tài chính quốc tế. Nhưng đáng tiếc thay, điều này lại được che đậy trong những góc khuất của lịch sử. Một chính quyền non trẻ và luôn "khát tiền" chính là miếng mồi béo bở để hệ thống các ngân hàng tư nhân châu Âu thời bấy giờ vươn “vòi bạch tuộc” đến.
Phố Wall, kinh đô tài chính của thế giới. |
Những người đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, phần lớn là lao động nghèo. Họ ra đi với hai bàn tay trắng, không có tài sản quý giá hay tiền bạc. Vào thời điểm đó, những mỏ vàng với trữ lượng lớn cũng chưa được khai thác, dẫn đến nguồn tiền tệ lưu thông trên thị trường càng bị thiếu hụt.
Những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng nên nước Mỹ đều nhận thức được mối nguy hại khi bị các ngân hàng của Anh kìm kẹp. Thế nên, việc đầu tiên cần làm là xây dựng cho mình một hệ thống ngân hàng riêng. Và thế là Ngân hàng Quốc tế - ngân hàng đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời.
Đáng tiếc, không lâu sau, mâu thuẫn giữa ngân hàng và chính phủ lại hình thành. Khi dành quá nhiều đặc quyền cho ngành ngân hàng, ngân sách quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Một cuộc chiến mới đầy cam go giữa các nhóm lợi ích lại bắt đầu.
Tổng thống Andrew Jackson đã phải gồng mình lên để đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn về kinh tế. Nhưng cũng chính điều đó đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt các nhà tài phiệt ngành ngân hàng lúc bấy giờ. Họ đã lên kế hoạch ám sát vị thổng thống thứ 7 của Mỹ.
May mắn thay, ông thoát chết trong gang tấc vì cả hai khẩu súng của tên sát thủ đều lép đạn. Mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Lincoln bị ám sát. Đáng tiếc, ông không có được may mắn như người tiền nhiệm của mình. Lần này không có khẩu súng nào bị lép đạn.
Từ thế kỉ XVIII, sự lớn mạnh của tiền Mỹ đã khiến không ít ngân hàng Anh điêu đứng. |
Chiến tranh tiền tệ, tâm điểm của cuốn sách này không phải là những học thuyết kinh tế khô khan. Hơn 400 trang sách sẽ đem đến cho các bạn nhiều câu chuyện lịch sử thú vị về sự phát triển của tiền tệ từ thời cận đại cho đến ngày nay. Từ một vật ngang giá chung trong quá trình trao đổi hàng hóa, tiền tệ đã dần khẳng định sức mạnh của mình trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
Có những cuộc chiến không cần đến thuốc súng và bom đạn nhưng vẫn khiến người ta cảm thấy kinh sợ. Vì chỉ trong chớp mắt, chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh mạng của hàng triệu con người. Đó chính là chiến tranh tiền tệ, cuộc chiến diễn ra thầm lặng bên trong các trụ sở ngân hàng, ở những con phố tấp nập người xe qua lại. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, những cuộc chiến kim tiền này sẽ khốc liệt và tinh vi hơn.