Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi sao tuyên bố nghỉ hưu: Lời từ biệt hay đe dọa?

Brad Pitt hay Angelina Jolie từng úp mở chuyện giã từ sự nghiệp điện ảnh.

Cuối cùng các nghệ sĩ vẫn ở đó, có thể không sáng tác hay hăng say làm phim, nhưng họ vẫn hiện diện. Và công chúng nhận ra “nghỉ hưu” trong nghệ thuật là một khái niệm cực kỳ tương đối, cần đón nhận với thái độ ung dung và linh hoạt.

Từ những lần “nghỉ hưu” của Philip Roth

Roth (tác giả Người phàm, Báo ứng…) là người khổng lồ của văn chương Mỹ, được báo chí kính trọng, tôn vinh. Mỗi lần ông tuyên bố nghỉ hưu, thông tin lại được tô đậm, với tin tức, các bài phỏng vấn trực tiếp, bài ghi nhận cống hiến văn chương.

Năm 2012, hai năm sau khi xuất bản tiểu thuyết Báo ứng, ông tuyên bố đó là tác phẩm sau cuối của mình. Giới văn chương ồ lên. Cơn bão tôn vinh bắt đầu.

Nam ca sĩ 19 tuổi Justin Bieber mới tuyên bố nghỉ hưu nhưng chẳng ai tin.
Nam ca sĩ 19 tuổi Justin Bieber mới tuyên bố nghỉ hưu nhưng chẳng ai tin.

Mọi chuyện tạm khép lại đến gần đây, khi Roth có hành động được ví như tự phá vỡ sự im lặng để một lần nữa khẳng định rằng: “Tôi đang im lặng”. Chính xác, ông nhận lời trả lời phỏng vấn trên truyền hình và nhấn mạnh bản thân sẽ… không bao giờ trả lời phỏng vấn thêm nữa, cả trên mặt báo lẫn lên truyền hình.

Ở tuổi 81, Roth đang chậm rãi bước xuống khỏi sân khấu văn học thế giới, nơi trong suốt những thập kỷ qua ông nắm một trong những vai diễn chính. Đó không phải là văn chương, đó là kiểu của giới giải trí, khi người ta tuyên bố dừng lại cũng dễ như khi họ nuốt lời, mà chẳng ai kêu ca gì về chuyện đó.

Nghỉ hưu kiểu nghệ sĩ khác với nghỉ hưu kiểu thường dân như thế nào? Với thường dân, nghỉ hưu nghĩa là ngừng làm những công việc kiếm cơm hàng ngày để chuyển sang làm việc gì đó mà họ yêu thích, trong đó mục tiêu kiếm cơm đứng đằng sau vệc theo đuổi niềm yêu thích. Chuyện giống như nghỉ việc ở công sở để ở nhà, ngày ngày vẽ tranh, viết lách, chơi nhạc cụ…

Nhưng nghệ sĩ thì khác, vẽ tranh, viết lách, chơi nhạc cụ… là chuyện họ làm hàng ngày và nếu đủ tài giỏi, may mắn thì cũng để kiếm cơm. Vậy khi nghỉ hưu, nghệ sĩ biết làm gì khác ngoài những chuyện đó? Các nghệ sĩ đã biến công việc của họ thành phục vụ nhu cầu thưởng thức, giải trí cho những người khác. Vậy khi tách khỏi công việc họ phải làm sao?

Có lẽ, đến tận giờ trong mắt xã hội, làm nghệ thuật vẫn chưa được tính là một nghề nghiệp thông thường. Mà đã không phải nghề nghiệp thông thường thì làm sao nghỉ hưu? Đó là lý do khó coi chuyện nghỉ hưu của các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, ca sĩ và các ngành nghề sáng tạo khác là nghiêm túc.

Nữ ca sĩ Kate Bush giữ kỷ lục nghỉ hưu lâu nhất trong giới nghệ sĩ với 35 năm từ 1979-2014
Nữ ca sĩ Kate Bush giữ kỷ lục nghỉ hưu lâu nhất trong giới nghệ sĩ với 35 năm từ 1979-2014

Khi ngôi sao “dọa” công chúng

Đại thụ làng nhạc Frank Sinatra là người đặt ra tiền lệ về việc nuốt lời tuyên bố "về hưu" của giới nghệ sĩ. Vào năm 1970, ở tuổi 55, ông cho biết sẽ từ giã cuộc sống của một ngôi sao trước ánh đèn sân khấu.

Nhưng chỉ 3 năm sau đó, nam ca sĩ trở lại với một album và chuyến lưu diễn hoành tráng mang tên Ol’ Blue Eyes Is Back. Sinatra chẳng xấu hổ cũng không lấn cấn chút gì về lời từ giã chẳng chút trọng lượng của mình. Chuyện nghỉ hưu hóa ra chỉ là một kỳ nghỉ phép không hơn không kém.

Cũng từ đó, báo chí trở nên cảnh giác với chiêu trò này, cho đó chỉ là cách để thu hút sự chú ý cho sản phẩm nghệ thuật tiếp theo của nghệ sĩ. Lời từ giã thực chất chỉ là lời đe dọa cho công chúng: tôi là một nghệ sĩ vĩ đại và nếu không kịp tôn thờ tôi thì bạn sẽ nuối tiếc cả đời đấy.

Giới ca sĩ, nhạc sĩ thường có những chiêu trò nghỉ hưu lạ đời nhất. Barbra Streisand, Billy Joel, George Michael và Kate Bush là những siêu sao từng “giả đò” nghỉ hưu rồi thình lình trở lại với những tác phẩm ăn khách.

Nghỉ hưu không liên quan đến tuổi tác. Năm 2010, Lily Allen loan tin nghỉ hát ở nhà làm mẹ, nhưng 2 năm sau đã trở lại phòng thu. Jay-Z tổ chức tiệc chia tay sự nghiệp ở quảng trường Madison năm 2003 ở tuổi 34, nhưng chỉ ít tháng sau đã thấy đi thu âm tiếp. Trường hợp Jay-Z có thể xem là vụ nghỉ hưu hài hước nhất trong âm nhạc tính đến nay.

So với các ca sĩ, các diễn viên cũng bị cám dỗ không kém bởi trò đùa nghỉ hưu, nhất là những người có sự nghiệp đỉnh cao nhờ tài diễn xuất và vẻ đẹp xuất chúng. Brad Pitt, Angelina Jolie và Ryan Gosling là những ngôi sao như thế, họ muốn hướng sức lực và trí não đến công việc đằng sau ống kính.

Nhưng thỉnh thoảng trò đùa này cũng phản tác dụng, chẳng gây chú ý được như các ngôi sao muốn. Đạo diễn kiêm diễn viên kỳ cựu Clint Eastwood từng làm phim Gran Torino năm 2008 và tuyên bố đây là phim cuối cùng của ông. Đó là một phim hay, có thể xem như kết thúc đẹp cho sự nghiệp.

Nhưng đến năm 2012, khi Eastwood trở lại với phim Trouble With the Curve, trong một buổi ra mắt, người ta đón ông bằng câu hỏi: “Không phải ông nói mình đã nghỉ hưu rồi sao?”. Cũng như mọi trò đùa khác, chuyện nghỉ hưu cũng có thể gây nhàm chán nếu quá liều.

 

Nghỉ hưu hay cạn kiệt sức sáng tạo?

“Các nhạc sĩ không bao giờ nghỉ hưu” – nghệ sĩ kèn trumpet vĩ đại Louis Armstrong từng nói - “Họ chỉ dừng lại khi trong họ không còn âm nhạc nữa”. Ca sĩ nhạc rock gạo cội Ozzy Osbourne có nhiều chuyến lưu diễn “hậu nghỉ hưu” đến nỗi ít ai đếm xuể.

Nữ danh ca Tina Turner thì lưu diễn từ biệt công chúng đến… 3 lần: 1990, 2000 và 2008. Ở tuổi 73, Turner vẫn còn nói với tạp chí Vogue: “Tôi đang chờ nguồn cảm hứng”.

Nữ ca sĩ kiêm nhà sản xuất Kate Bush giữ kỷ lục nghỉ hưu được lâu nhất khi bà nghỉ những… 35 năm rồi mới trở lại đi lưu diễn. Còn nữ ca sĩ Sinéad O’Connor lại bị “nhờn thuốc” với chiêu trò nghỉ hưu, đến nỗi chính cô phải thừa nhận: “Tôi phải xin nghỉ hưu khỏi việc nghỉ hưu đây”.

Cuộc đời dài đằng đẵng, những nàng thơ không phải bao giờ cũng xuất hiện. Đó là điều đáng thông cảm cho các nghệ sĩ.

 

 

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khi-nghe-si-tuyen-bo-nghi-huu-loi-tu-biet-hay-loi-de-doa-n20140531075254469.htm

Theo Hạ Huyền/Thể thao & Văn hóa

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm