Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi những đứa trẻ không nói tiếng mẹ đẻ

“Không biết Việt Nam ở đâu, chỉ biết ở đó có ông, bà ngoại mình”. Đó là những câu trả lời bằng tiếng Hàn rất thật của nhiều đứa trẻ gốc Việt và được sinh ra trong gia đình Hàn.

Bảy lần trước, các chương trình về thăm quê ngoại đều hướng tới các chàng rể Hàn Quốc với việc giới thiệu với họ về quê hương vợ.

Còn chương trình lần này lấy các cháu nhỏ làm trung tâm, những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt - Hàn. Trước khi về Việt Nam, các cháu được Ban tổ chức hướng dẫn làm một món quà dành tặng cho ông bà ngoại.

Vợ chồng chị Vũ Thị Phượng (28 tuổi, quê Kiến Thụy, Hải Phòng) và anh Jin Yang Hwan (52 tuổi) là một trong số những gia đình Việt – Hàn điển hình trong số 20 gia đình Hàn Việt được về Việt Nam lần này khi con cái họ (một trai, một gái) không nói được tiếng Việt.

Hai vợ chồng Phượng dồn nhiều công sức vào việc trồng dâu tây ở quê để mưu sinh. Công việc đồng áng choán hết phần lớn thời gian của họ, do đó hai đứa con phải gửi cho bà nội chăm nuôi.

Chị Vũ Thị Phượng - anh Jin Yang Hwan (thứ 3, 4 từ trái sang) và gia đình họ ngoại
Chị Vũ Thị Phượng - anh Jin Yang Hwan (thứ 3, 4 từ trái sang) và gia đình họ ngoại

Chỉ cuối tuần, hai vợ chồng mới về thăm con và tất nhiên, Phượng ít có thời gian nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Trong chuyến về thăm quê ngoại lần đầu tiên này, chị vừa chăm con, vừa đóng vai trò phiên dịch.

Hôm về Hải Phòng, Phượng cho các con đi chợ Cầu Đất và mua cho mỗi đứa con một bộ áo dài truyền thống Việt Nam, chúng thích lắm. Ngày dự tiệc đoàn tụ ở Hà Nội (sự kiện do chương trình tổ chức cho cả 20 gia đình), chúng dậy từ rất sớm và đòi mẹ cho mặc áo dài.

Hiểu và yêu thêm quê mẹ, đó là những gì bọn trẻ thu nhận được sau chuyến về thăm Việt Nam lần này. Tuy nhiên, trong đầu óc non nớt của trẻ nhỏ, chúng chẳng thể nào xác định được cái gì là quan trọng. Người mẹ phải là người đóng vai trò quyết định trong việc con mình có nói được tiếng mẹ đẻ hay không.

Phượng có vẻ hơi ngượng ngùng khi tôi hỏi các cháu có nói được tiếng Việt không. Nhưng cô quyết tâm: “ Khi trở về Hàn Quốc, em sẽ nỗ lực dạy con tiếng Việt để lần sau về thăm quê ngoại có thể nói chuyện trực tiếp được với ông bà ngoại và các cô dì chú bác”.

Trong số những đứa trẻ Việt - Hàn lần đầu về thăm quê ngoại, duy có cô con gái 8 tuổi của vợ chồng Vũ Thị Như Quỳnh (30 tuổi, quê Hạ Long, Quảng Ninh) và anh Park Tae Sun (44 tuổi, Seoul) may mắn hơn cả vì cháu có thể nói và hát được nhiều bài hát tiếng Việt. 

Bà ngoại thích lắm, cứ giục cháu hát các bài hát tiếng Việt cho mọi người nghe, rồi bà bắt nhịp: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm…” cho cháu hát.

Gia đình anh chị Vũ Thị Như Quỳnh - Park Tae Sun cùng bà nội, bà ngoại
Gia đình anh chị Vũ Thị Như Quỳnh - Park Tae Sun cùng bà nội, bà ngoại

Quỳnh có điều kiện đón bà ngoại sang chăm con khi cháu còn nhỏ, giúp cháu học nói tiếng mẹ đẻ ngay từ khi lọt lòng. Dù không nói được tiếng Việt, nhưng chồng Quỳnh, anh Park vui ra mặt khi thấy con nói và hát được bằng tiếng Việt.

Còn Quỳnh thì tiết lộ, cô luôn bắt con nói tiếng Việt khi ở Hàn Quốc vì “chẳng lẽ mình đi dạy tiếng Việt cho người ta, mà lại không dạy được con mình”, cô nói. Hiện, Quỳnh dạy tiếng Việt cho người Hàn.

Tuy nhiên, những gia đình có điều kiện như Quỳnh khá hiếm hoi, đa phần đều bận mưu sinh từ sáng đến tối, mọi việc nuôi dạy trẻ đều “khoán” cho nhà trường và bà nội. Chuyến về thăm quê ngoại lần này sẽ là khởi đầu tốt đẹp giúp các cháu thêm hiểu, thêm yêu quê ngoại.

Đây là mục tiêu nhân văn của các tổ chức xã hội Hàn Quốc, khi mà nhiều gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc hòa nhập xã hội Hàn Quốc khá nhanh nhưng lại dễ quên văn hóa và tiếng nói truyền thống.

Bà Cho Hyoung, Chủ tịch Quỹ Phụ nữ Hàn Quốc cho biết, chương trình năm nay nhằm tăng cường năng lực và củng cố sự tự tin cho các cháu thiếu nhi và phụ huynh.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/khi-nhung-dua-tre-khong-noi-tieng-me-de-759288.tpo

Theo Anh Thi/ Tiền phong

Bạn có thể quan tâm