Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi những cựu vương 'cầm hơi' bằng sự hoài cổ

Cả Nokia lẫn BlackBerry đang cố bấu víu vào ánh hào quang xưa, nhưng chiến thuật đó liệu có giúp họ lấy lại vị thế hay chỉ như que diêm vụt sáng rồi chợt tắt?

Nỗi nhớ luôn chứa đựng sức mạnh kỳ diệu. Đặc biệt, mọi người dễ bị thu hút bởi những kỷ niệm đẹp. Các doanh nghiệp hiểu được nhu cầu đó nên sẵn sàng tận dụng lại thương hiệu hoặc dòng sản phẩm từng gắn bó với một thời xưa cũ.

Xu hướng này thực sự bùng nổ trong năm 2016 và tiếp tục lan sang 2017.

Nokia va BlackBerry tro lai anh 1
BlackBerry vẫn cố “gặm nhắm” những giá trị xưa cũ.

 

Năm ngoái, Kodak gợi nhớ sự hoài cổ khi hồi sinh máy quay phim huyền thoại Super 8. Chúng ta cũng thấy Nintendo phát hành máy chơi game 4 nút Ness Classic Edition với nhiều tựa game tuyệt vời.

Giờ đây, thế giới chứng kiến Nokia và BlackBerry cố gắng bấu víu vào cảm giác hoài cổ của người dùng khi ra mắt Nokia 3310 và KeyOne.

Câu hỏi đặt ra rằng liệu hai “cựu vương” có thể đứng vững bằng năng lực thực sự sau khi các hiệu ứng đã hết tác dụng.

BlackBerry tập trung vào doanh nghiệp

Với Priv, BlackBerry nỗ lực dựa vào những giá trị truyền thống và lượng người hâm mộ trung thành để mở rộng thị phần bằng thiết kế bàn phím trượt chạy Android. Kết quả, nhiều khách hàng đến bởi tò mò, nhưng rồi chán nản vì trải nghiệm không như mong muốn, hoặc thua kém so với đối thủ.

Như một điều tất yếu, BlackBerry quyết định nhượng thương hiệu cho TCL. Bước sang 2017, KeyOne xuất hiện như con bài dưới triều đại mới. Đó là chiếc điện thoại với bàn phím QWERTY chạy Android đánh vào tâm lý hoài niệm, nhưng cũng mang tính thăm dò để đặt cơ sở khai thác thương hiệu BlackBerry của TCL.

Nokia va BlackBerry tro lai anh 2
KeyOne mang tới trải nghiệm hoàn toàn mới trên bàn phím vật lý.

 

Priv hướng tới đông đảo người dùng, nhưng KeyOne lại nhắm vào khối doanh nghiệp và dân văn phòng. Hướng đi này có mang lại thành công hay không?

Chiến lược đã được kích hoạt, nhưng ít ai tin KeyOne sẽ tạo nên thành tích nào đáng giá trên thị trường smartphone vốn đã rất chật chội nay lại sắp đón chào nhiều “siêu phẩm” mới xuất hiện, như Galaxy S8, iPhone 8, thậm chí là Note 8.

Bàn phím trên KeyOne thực sự ấn tượng. Nó cho thấy nỗ lực hoàn thiện mảng nhập liệu từ bàn phím của Dâu đen. Nhưng chỉ dựa vào tính năng bàn phím thôi chưa đủ, bởi nhu cầu khối doanh nghiệp còn nhiều hơn thế.

Chính các phần mềm và dịch vụ mới là thứ đem lại khác biệt. BlackBerry mang tới một số thay đổi đáng giá, nhưng nên nhớ Apple và Samsung đều đã gây dựng được uy tín trên thị trường dành cho doanh nghiệp. Samsung thậm chí tung ra gói bảo mật Knox để tạo thế cạnh tranh trước vô số những nhà sản xuất Android khác.

KeyOne được thiết kế chắc chắn, cùng lợi thế thương hiệu BlackBerry. Tuy nhiên, mức giá 550 USD trở thành rào cản thực sự bởi thông số kỹ thuật của máy chỉ tương đương smartphone Android 300 USD khác.

Các dòng điện thoại BlackBerry của TCL có thể tìm thấy đối tượng khách hàng phù hợp (chưa hẳn đã sinh lời), đặc biệt trong phân khúc doanh nghiệp và dân văn phòng. Nhưng chỉ khi công ty xem lại chính sách về giá và duy trì chiến lược tiếp thị mạnh mẽ để lôi kéo người dùng.

Nokia quay trở lại với sức thu hút lớn

Đó là về BlackBerry, vậy còn HMD Global và “đại gia đình” mới của Nokia thì sao? Rất dễ để thấy, Nokia đang sử dụng cùng một chiêu bài của Dâu đen nhằm thu hút khách hàng. Nokia 3310 nổi bật tại MWC 2017 giữa các dòng smartphone cao cấp khác.

Nokia va BlackBerry tro lai anh 3
Nokia 3310 trở thành cái tên được quan tâm nhất thời gian vừa qua.

 

Cộng đồng người hâm mộ Nokia rất đông và thuộc nhiều quốc gia, đặc biệt ở châu Âu. Điều đó lý giải vì sao màn trở lại của gã khổng lồ Phần Lan tạo được hiệu ứng lớn hơn BlackBerry.

Phần đông như đang nhìn thấy cựu vương Nokia bước ra sân khấu làng di động thế giới để sửa chữa sai lầm lớn nhất của mình: Từng dùng Windows Phone thay vì Android.

HMD Global là công ty Phần Lan giống Nokia nên có phần thuận lợi hơn. Nhưng thương hiệu Nokia mới chưa mang đến điều gì thực sự nổi bật. Công bằng mà nói, Nokia 3, Nokia 5 và Nokia 6 không cho thấy sự đổi mới, cả cấu hình và thậm chí là thiết kế. Điểm nổi bật nhất chính là cái tên Nokia gắn lên sản phẩm.

Nhưng tại sao mọi người vẫn thấy Nokia có nhiều triển vọng? Người hâm mộ Dâu đen đã thay đổi nhiều trong thập kỷ qua, trong khi fan Nokia vẫn còn chưa nguôi những cảm xúc cùng điện thoại đã đi cùng năm tháng.

TCL có nhiều thời gian để lên kế hoạch lâu dài cho BlackBerry và KeyOne. Trong khi đó, dòng sản phẩm mới của Nokia lại tạo hiệu ứng tốt hơn. Với thị trường như Trung Quốc, đôi khi chiến dịch marketing như vậy cũng đủ thu hút đám đông.

Nokia va BlackBerry tro lai anh 4
Cái tên Nokia vẫn còn rất gần gũi với nhiều người.

 

Nếu tập trung đầu tư phát triển, Nokia có thể tìm thấy cơ hội vươn lên trên thị trường Android. Rất ít người tin vào một cuộc hồi sinh vĩ đại, nhưng chí ít họ có thể tiến xa hơn, thậm chí tạo ra khoản lợi nhuận lớn.

Dấu hỏi đặt ra là liệu HMD có thực sự quyết tâm gây dựng lại Nokia hay chỉ làm ăn “hớt váng” để cố thu hồi khoản đầu tư nhờ vào danh tiếng xưa.

Sẽ có nhiều cái tên đi theo Nokia và BlackBerry?

Cả Nokia và BlackBerry đều có cơ hội chen chân vào thị trường di động. Nhưng thời điểm này, họ chưa đủ sức để làm Apple, Samsung và thậm chí là Huawei bận tâm.

Nokia va BlackBerry tro lai anh 5
Sẽ còn nhiều cái tên theo bước Nokia và BlackBerry.

 

TCL sẽ mất nhiều thời gian hơn để giúp công ty sinh lợi nhờ giảm giá thành và đưa chiến lược tiếp thị tốt. Nokia dường như đang đạt được mục đích là đánh đúng tâm lý hoài cổ của những người trung thành.

Không dễ dàng cho cả hai, nhưng Nokia nhiều khả năng được đánh giá cao hơn BlackBerry. Một số chỉ đơn giản cố gắng kiếm tiền như Kodak Ektra. Số khác lại sử dụng nỗi nhớ như công cụ mở ra cánh cửa cho những tham vọng lớn hơn.

Alcatel/TCL hiện đã sở hữu thương hiệu Palm, nên đừng quá bất ngờ nếu thấy cái tên này hiện diện thêm lần nữa.

 

Minh Minh

Bạn có thể quan tâm