Tại Triển lãm Di động Toàn cầu MWC 2017 tổ chức tại Barcelona, cả Nokia và BlackBerry đều cố gắng tái chiếm thị trường bằng việc đưa trở lại các mẫu điện thoại cũ.
Được chống lưng bởi thương hiệu Trung Quốc TCL, BlackBerry đã có màn xuất hiện ấn tượng tại MWC 2017 với sản phẩm BlackBerry KeyOne - smartphone chạy Android có vẻ ngoài hiện đại, với bàn phím QWERTY gần giống phiên bản cập nhật của BlackBerry 9900.
Nokia, nay được điều hành bởi HMD Global, lại đi nước cờ táo bạo hơn khi đưa mẫu điện thoại feature phone “huyền thoại” - Nokia 3310 - trở lại với màn hình màu, camera và tuổi thọ pin đáng nể.
Thay vì phát triển các mẫu smartphone đột phá, những tên tuổi ngày nào dường như đang hy vọng vào kỳ tích xuất hiện ở những “bảo bối” cũ. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, “sự hồi sinh” trong công nghệ thường gắn liền với sự đổi mới.
Một chiếc điện thoại Android với giá 550 USD, sở hữu phần cứng tầm trung, không có tính năng nào nổi trội ngoài bàn phím vật lý và những lời hứa hẹn về khả năng bảo mật chắc chắn không thể đưa người dùng trở lại với BlackBerry. Thậm chí, “Dâu đen” từng thử nghiệm nước cờ này và thất bại với BlackBerry Priv trước đó vào năm 2015.
Lý giải điều này, các chuyên gia công nghệ cho rằng bàn phím vật lý tuy tốt nhưng đã thuộc về quá khứ. Xu hướng công nghệ tương lai là bàn phím ảo, giúp hiển thị video hay văn bản tốt hơn. Số đông người dùng bày tỏ sự thất vọng khi chứng kiến BlackBerry chỉ cố níu kéo những gì đã qua mà không tập trung đổi mới trong cả yếu tố hình thức và nội dung.
Mọi chuyện thậm chí còn tệ hơn với Nokia. Bởi trong suốt thời gian qua, mảng điện thoại phổ thông của hãng vẫn ra mắt đều đặn các sản phẩm mới hàng năm. Những tính năng dù mới trên 3310, song lại quá đỗi quen thuộc với các sản phẩm khác.
Nếu người dùng muốn sở hữu một thiết bị có giá thành rẻ, thiết kế đơn giản, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu thì 3310 cũng vẫn không phải lựa chọn hàng đầu. Quả thực, Nokia đã sai lầm khi mang huyền thoại 3310 trở lại.
Mặc dù đồng thời ra mắt các thiết bị Android song Nokia không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn như Samsung, Huawei… vì phân khúc khách hàng mà các thiết bị này hướng tới chủ yếu ở tầm trung. Về đẳng cấp, chúng chưa thể so sánh với những người đàn anh đi trước như Nokia N8 hay Lumia 920.
Lịch sử từng chứng minh không phải cứ là huyền thoại thì sẽ thành công. Năm 2015, TCL từng nhận trái đắng khi cố làm sống dậy thương hiệu Palm nổi tiếng một thời. Sony cũng thất bại khi cố gắng hồi sinh dòng máy nghe nhạc Walkman trước sự lấn át của iPod.
Dù phải thừa nhận rằng các nhà sản xuất smartphone gần như đã cạn ý tưởng khi những thiết kế tràn viền, màn hình cong, khung kim loại hay khả năng chống nước… đều lần lượt ra đời, song đó không phải là lý do hợp lý để đưa những huyền thoại từ dĩ vãng trở về hiện tại. Giới công nghệ cần tiếp tục di chuyển về phía trước với những nhân tố mới trong hình thức, giao diện và ý tưởng.
Có thể vào thời điểm 10 năm trước, người dùng từng vui mừng, phấn khích khi nhận được chiếc điện thoại Nokia với máy ảnh 2 megapixel hay BlackBerry với bàn phím QWERTY. Nhưng hiện tại, thế giới cần những sản phẩm xuất sắc hơn - một thế hệ điện thoại thông minh khác biệt và hoàn toàn mới.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của cây bút Christina Warren, Gizdomo.