Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khi những cư dân New York giàu có phải chấp nhận việc bị nói 'không'

Khi đại dịch hoành hành thế giới, những cư dân giàu có ở New York cũng phải chấp nhận rằng họ không thể dùng tiền để "miễn nhiễm" với mọi tác động.

Cu dan giau co o New York anh 1

Theo New York Times, hồi đầu tuần, một nhóm cư dân ở Upper West Side (thành phố New York, Mỹ) đã nhận được vài thông tin không mấy hài lòng. Họ là những người đã đứng lên phản đối việc đưa 235 người vô gia cư vào một khách sạn trong khu phố.

Buổi sáng hôm đó đáng lẽ là ngày những người vô gia cư phải di chuyển ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, một thẩm phán đã đưa ra phán quyết rằng họ có thể ở lại.

"Đại dịch làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Nhưng ngày càng nhiều người giàu có nhận ra rằng họ không thể dùng tiền để bẻ cong thế giới theo ý mình", nhà báo Ginia Bellafante của New York Times viết.

Cu dan giau co o New York anh 2

Những người vô gia cư viết lên trước nhà vị luật sư muốn họ rời khỏi khách sạn ở Upper West Side: "Các ông không thể đuổi chúng tôi đi". Ảnh: New York Times.

Không miễn nhiễm

Tháng trước, Thị trưởng Bill de Blasio đã đồng ý đưa 235 người vô gia cư ra khỏi khu phố. Giờ đây, cơn thịnh nộ bùng lên trong một nhóm kín trên Facebook khi các cư dân biết rằng phải mất ít nhất một tháng nữa, những người vô gia cư mới rời khỏi đây.

Trên Facebook, một nữ CEO sống tại Upper West Side lập luận rằng những người vô gia cư sẽ tìm cách ở lại khu phố. Mục đích của họ không phải là sự ổn định mà bởi tại đây "có rất nhiều cửa hàng để ăn cắp vặt" hoặc "hành lang trống để phá hoại".

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng tỷ lệ phạm tội ở khu phố trong tháng qua đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Không có vụ giết người hay xả súng nào xảy ra.

"Sự tức giận bùng lên không chỉ vì các cư dân không nhận được những gì họ muốn. Nguyên nhân còn là nhóm người này đã chi nhiều tiền nhưng mọi việc không theo ý họ", nhà báo Ginia Bellafante của New York Times bình luận. Các cư dân đã thuê một luật sư giúp đỡ. Giờ đây, nhóm người bắt đầu phàn nàn rằng không hiểu vị luật sư này đang ở đâu và đã làm được gì cho họ.

Cuộc mâu thuẫn trên chỉ là một trong những cách mà đại dịch làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Câu chuyện này cũng giống cách phản ứng của những bậc phụ huynh trong các trường học tư. Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 8, nhiều trường học vẫn không thể duy trì chương trình giảng dạy trực tiếp 5 ngày một tuần.

Điều này khiến nhiều phụ huynh tức giận. Họ tin rằng mức học phí cao là "hàng rào" chống lại sự bất tiện trong thời kỳ khủng hoảng.

Cu dan giau co o New York anh 3

235 người vô gia cư được sống tại khách sạn Lucerne ở khu phố Upper West Side trong bối cảnh đại dịch. Ảnh: New York Times.

Một người cha đã gửi email đến hiệu trưởng của trường học mà con mình theo học, chỉ trích thời khóa biểu đề xuất là "một sự thất bại". Anh ta lập luận rằng họ nên miễn nhiễm với việc này bởi số tiền đóng học lên đến 50.000 USD/năm.

Một bài báo mới đây của tờ Atlantic cũng diễn tả nỗi thất vọng của các bậc cha mẹ từ Bethesda (Maryland, Mỹ) đến Newton (Massachusetts). Họ gửi gắm con em đến những khóa học thể thao như bóng quần và đấu kiếm để "bôi trơn" con đường vào các trường đại học thuộc Ivy League.

Khóa học kéo dài 10.000 giờ với huấn luyện viên trực tiếp và các nhà tâm lý học thể thao có thể giúp trẻ đạt được mục tiêu. "Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã giết chết thể thao. Các trường đại học phải đánh giá lại những chương trình thể thao của họ. Khóa học tạm dừng, giấc mơ ở Dartmouth trở thành hiện thực đáng thất vọng tại bang Michigan", nhà báo Bellafante viết.

Khoảng cách giàu nghèo

Trong suốt 7 tháng đại dịch Covid-19 hoành hành, hàng triệu người rơi vào tình trạng khủng hoảng vì thất nghiệp, tuyệt vọng, sợ hãi, nghèo đói và mất chỗ ở. Tuy nhiên, những người giàu vẫn cố gắng kiếm càng nhiều tiền càng tốt.

Nếu thế giới không rơi vào tình trạng hỗn loạn như lúc này, người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến số phận của một tòa nhà chung cư cao cấp trên đường West 66th Street.

Tháng trước, một thẩm phán của Tòa án tối cao bang New York bất ngờ bác bỏ quyết định cho phép xây dựng dự án có thể trở thành tòa nhà cao nhất ở Upper West Side.

Đại dịch làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Nhưng ngày càng nhiều người giàu có nhận ra rằng họ không thể dùng tiền để bẻ cong thế giới theo ý mình.

Công ty phát triển bất động sản Extell đã lên kế hoạch lấp đầy tòa tháp để tạo ra nhiều căn hộ hơn và tăng doanh thu. Tuy nhiên, vị thẩm phán chỉ trích rằng các công ty phát triển bất động sản đã không hề quan tâm đến quy định.

Trong một thời gian ngắn, những người vô gia cư ở Lucerne (khách sạn tại Upper West Side) đã được gửi đến khách sạn Radisson gần Phố Wall. Các cư dân tại đó cũng e ngại trước sự xuất hiện của nhóm người này.

Tại một cuộc họp cư dân cách đây vài tuần, một phụ nữ sống trong tòa nhà có 408 căn hộ ở Phố Pine, lo lắng rằng không thể tránh khỏi việc 235 người đàn ông "làm gia tăng số vụ bạo lực trên khắp khu phố". Một vài người vô gia cư được cho là lạm dụng chất kích thích hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Khi biết rằng những người đàn ông vô gia cư sẽ ở lại Lucerne tại Upper West Side, các cư dân Phố Wall có cảm giác chiến thắng. Nhưng một nhóm người vô gia cư khác có thể sớm đến Radisson và biến nơi đây trở thành chỗ trú lâu dài.

Phố Wall e ngại một vụ sụp đổ trước bầu cử tổng thống Mỹ

Ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng một vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán sẽ diễn ra vì dịch bệnh và cuộc bầu cử. Họ cũng cho rằng cổ phiếu đang được định giá quá cao.

Nhiều người Mỹ sẽ tiếp tục thất nghiệp dù ai lên làm tổng thống

Theo CNN, dù ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng việc làm tại Mỹ vẫn sẽ tiếp tục nghiêm trọng và là vấn đề lớn với chính quyền Washington.

Nhà giàu Mỹ lo thiếu cách né thuế nếu ông Biden đắc cử

Viễn cảnh thuế cao hơn và ít cách né thuế nếu ứng viên Joe Biden và đảng Dân chủ giành chiến thắng trọn vẹn khiến nhiều người giàu Mỹ đau đầu tìm cách giữ tiền.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm