Phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa thường trực Chính phủ và các địa phương chiều 22/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến chiều nay thành phố chỉ còn 2/54 ca nhiễm Covid-19 đang phải điều trị tại bệnh viện.
Thành phố đã trải qua 22 ngày cách ly xã hội với 19 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới. Đây là tiền đề quan trọng để TP.HCM công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới.
Tại cuộc họp, Chủ tịch TP.HCM kiến nghị Thủ tướng 2 nội dung.
Thứ nhất, để thực hiện được mục tiêu kép, TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 23/4. Trong quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh phù hợp trên cơ sở diễn biến tình hình thực tế,
Thứ 2, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng sớm tổ chức hội nghị toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong đó, TP đề xuất quan tâm 2 vấn đề.
Một là chỉ đạo từng địa phương thống kê thiệt hại trong 3 tháng của dịch bệnh, từ đó, ban hành gói hỗ trợ kinh tế đủ mạnh để làm đòn bẩy, vực dậy nền kinh tế.
Hai là đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và phong trào hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Trường hợp cần thiết, thành phố đề xuất Chính phủ xem xét hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được để giúp doanh nghiệp mở rộng trong thị trường nội địa.
Riêng về vấn đề giáo dục, lãnh đạo TP.HCM cho biết hiện chưa nhận được dự thảo các nội dung về phương án đi học cũng như thi tốt nghiệp THPT và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm gửi dự thảo để thành phố nghiên cứu, có ý kiến cụ thể.
TP.HCM đề xuất thực hiện Chỉ thị 15 từ ngày 22/4. Ảnh: HMC. |
Dù đạt được kết quả tích cực trong phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định TP.HCM vẫn còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong phát triển kinh tế. Ông Phong nhận định tác động bên ngoài với nền kinh tế chỉ bắt đầu từ tháng 4 khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu lớn của TP.HCM đã bắt đầu sụt giảm. TP.HCM dự báo dịch bệnh sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế từ quý II.
Để đảm bảo kinh tế phát triển ổn định, thành phố đã chủ động xây dựng chính sách tiến tới nới lỏng giãn cách xã hội từng bước nhưng vẫn kiểm soát dịch.
Cụ thể, thứ nhất, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp dự phòng, giám sát đồng bộ tại các khu vực có nguy cơ. Tái sắp xếp và củng cố điều kiện các khu cách ly tập trung. Đồng thời, tăng đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng.
Thứ 2, để giảm thiểu tác động dịch bệnh, ngoài Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro doanh nghiệp đã triển khai từ ngày 6/4, TP.HCM tiếp tục xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể là bộ chỉ số an toàn với các lĩnh vực: trường học, ngành văn hóa - thể thao, giao thông vận tải, du lịch, công thương, an toàn vệ sinh thực phẩm và khu vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ ban hành trước 30/4.
Ngoài chính sách chung của Chính phủ, thành phố cũng xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho người dân gặp khó khăn, người lao động mất việc, doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế số.
"TP.HCM cho rằng các cơ chế chính sách chậm ngày nào, người dân doanh nghiệp càng khó khăn ngày đó. Chính vì vậy, với tinh thần kiên định thần tốc như thời chiến, TP.HCM đã triển khai đầy đủ đồng bộ các giải pháp nêu trên", lãnh đạo TP.HCM chia sẻ.