Ngày 15/12, Phòng CSGT Công an Hà Nội bắt đầu dán thông báo trên kính ôtô dừng, đỗ trái phép để phạt nguội. Thống kê đến chiều 17/12, đơn vị này đã xử lý 540 trường hợp vi phạm.
Các chuyên gia đánh giá cách làm của CSGT Hà Nội mang tính văn minh, đã được triển khai tại nhiều quốc gia tiên tiến. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải tính toán kỹ lưỡng việc áp dụng hình thức này và bổ sung giải pháp đi kèm để phạt nguội phát huy hiệu quả.
Vẫn cẩu xe nếu dừng, đỗ gây ùn tắc
Trên tuyến đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Phạm Hùng thuộc quận Cầu Giấy, các tổ công tác của Đội 6 của Phòng CSGT, Công an Hà Nội liên tục tuần tra để phát hiện các trường hợp vi phạm.
“Truyền thông đưa tin nhiều về hình thức phạt nguội mới nên tài xế họ có ý thức hơn, số xe vi phạm ít hơn hẳn mấy ngày trước”, một cán bộ tuần tra nói với Zing.
Theo thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ xử lý vi phạm của Đội CSGT số 6, trước đây lực lượng làm nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn để xử phạt các tài xế dừng, đỗ trái phép. Theo chiến sĩ này, khi phương tiện đỗ quá sát nhau hoặc ở những vị trí có mặt bằng nhỏ hẹp, CSGT rất khó để đưa xe vào cẩu, kéo. Nắm bắt được điều đó, nhiều tài xế chống đối bằng cách không ra nhận xe để trốn tránh.
“Có trường hợp, tổ tuần tra phải đợi vài tiếng tài xế mới ra làm việc, thậm chí khi họ ra thì chúng tôi cũng phải chịu nhiều áp lực, có người thì tranh cãi, có người nhờ vả quan hệ. Thời gian kéo dài khiến hiệu quả xử lý không cao”, anh nói.
Phiếu phạt nguội ghi đủ đầy đủ nội dung, thời gian, địa điểm vi phạm... Ảnh: Việt Linh. |
Trước một cửa hàng thời trang trên phố Trung Hòa, tổ công tác phát hiện ôtô 5 chỗ đỗ trái phép. Sau 10 phút không thấy tài xế ra làm việc, CSGT ghi phiếu phạt và dán thông báo lên kính xe.
Bất ngờ với cách xử lý mới nhưng tài xế tỏ ra đồng tình khi chỉ phải đến trụ sở CSGT nộp phạt, thay vì mất thêm chi phí cẩu xe và bị tạm giữ phương tiện. “Hình thức này tạo điều kiện hơn cho những người lỡ vi phạm và tất nhiên mình sẽ rút kinh nghiệm để không có lần sau”, tài xế chia sẻ.
Theo tiến sĩ, thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội, tính đến chiều 17/12, thành phố đã xử lý 540 trường hợp vi phạm. Các đơn vị cơ sở đánh giá ý thức chấp hành của người dân được nâng cao, không có trường hợp chống đối.
Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội cũng khuyến cáo việc dán thông báo phạt nguội chỉ áp dụng đối với xe không gây ùn tắc. Trường hợp ôtô đỗ, dừng gây cản trở giao thông, CSGT vẫn cẩu, kéo về bãi tạm giữ theo quy định.
Khắc phục tình trạng phiếu phạt không đến đúng địa chỉ
Đánh giá về hình thức dán thông báo xử phạt nguội đang được CSGT Hà Nội áp dụng, tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên trường Đại học Việt - Nhật đồng thời là chuyên gia giao thông từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đánh giá đây là hình thức có nhiều ưu điểm, tiệm cận với các quốc gia phát triển.
Theo ông Bình, biện pháp được CSGT Hà Nội không mới, điểm đáng chú ý là hình thức thông báo này tạo được tính răn đe đối với người vi phạm và giúp CSGT nâng cao hiệu quả xử lý.
“Ví dụ trước đây CSGT phải cẩu xe rồi đợi tài xế ra làm việc mất vài giờ. Trong một buổi sáng họ chỉ xử phạt được khoảng 5 xe vi phạm thì nay số lượng xử lý có thể tăng nhiều lần”, ông Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia từ JICA cũng nhấn mạnh quá trình thực thi cần xác định rõ trường hợp không gây ùn tắc giao thông để "được" dán phạt nguội. Những vị trí nhà chức trách cắm biển cấm dừng, đỗ đều là khu vực dễ gây ùn ứ. Nếu CSGT không giải phóng phương tiện mà chỉ dán thông báo thì có thể gây ùn tắc, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Điều này đòi hỏi lực lượng làm nhiệm vụ phải thực sự am hiểu địa bàn và tính toán kỹ.
Chuyên gia cho rằng cần xác định rõ trường hợp không gây ùn tắc giao thông để dán thông báo phạt nguội. Ảnh: Việt Linh. |
Còn ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng trong bối cảnh việc xử phạt nguội gặp khó khăn do ý thức lái xe, thiếu cơ sở dữ liệu chung và tình trạng xe không chính chủ còn phổ biến thì việc dán trực tiếp phiếu phạt lên phương tiện là hình thức thông báo có tính kịp thời.
Phiếu phạt này khắc phục được các nhược điểm của việc gửi giấy phạt qua văn thư trước đây. Có những phiếu phạt không đến đúng địa chỉ và tài xế chỉ có thể biết khi đến kỳ đăng kiểm.
Về lâu dài, để có thể ứng dụng công nghệ trong đảm bảo trật tự ATGT, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung về tài xế và phương tiện.
Ngoài ra, cần đảm bảo các phiếu thông báo phạt được gửi đến đúng người, đúng địa chỉ trong thời gian ngắn nhất. Ý nghĩa của việc răn đe, giáo dục thông qua vi phạm sẽ không kịp thời và hiệu quả nếu phiếu phạt đến chậm trễ hoặc không đến đúng địa chỉ của người vi phạm.
Còn với tài xế, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mức tăng lũy kế nếu tái phạm nhằm tạo tính răn đe, giáo dục.
Đơn giản hóa thủ tục, thời gian sang tên, đổi chủ phương tiện cũng cần được thực hiện. “Người dân không ai muốn cố ý vi phạm, nếu thủ tục đơn giản, thời gian nhanh, tôi tin rằng họ sẽ chấp hành nghiêm. Đây là phương án tối ưu nhất thay vì tăng mức xử phạt”, ông nói thêm.
Trao đổi với Zing, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết việc dán thông báo phạt nguội đối với các xe vi phạm dừng, đỗ là rất cần thiết, đặc biệt trong tình hình giao thông phức tạp vào dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán. Sau thời gian đầu thực hiện, Cục CSGT sẽ sớm có đánh giá về những hiệu quả và nghiên cứu thêm những giải pháp khắc phục hạn chế
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu sao cho việc thu được hình ảnh, chứng cứ có chất lượng tốt hơn với những thiết bị chuyên dụng”, ông Bình nói và cho biết tới đây, nếu không sang tên, đổi chủ khi mua bán, cho, tặng phương tiện, chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm khi xe đó gây tai nạn hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bình luận