Đó là quan điểm được ông Hầu A Lềnh - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ Trung ương, nhấn mạnh khi chia sẻ với Zing về công tác hỗ trợ giúp nhân dân miền Trung ổn định cuộc sống sau trận bão lũ lịch sử vừa qua.
Ông Hầu A Lềnh cũng vừa kết thúc chuyến công tác cùng đoàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến các tỉnh miền Trung để kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân.
Phương pháp hỗ trợ tùy từng giai đoạn
- Công tác cứu trợ ở miền Trung đang được người dân cả nước quan tâm, theo dõi, nhưng vừa qua đã xảy ra một số tình trạng không mong muốn. Theo ông, vào thời điểm này, việc cứu trợ nên được thực hiện thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
- Tấm lòng của mọi tổ chức, cá nhân hướng về miền Trung đều rất đáng trân trọng, đó là truyền thống quý báu của người Việt Nam mà không quốc gia nào có được.
Trong cứu trợ vừa qua cũng có phản ánh như lực lượng chức năng chưa kịp thời, thông tin liên lạc khó khăn, hàng hóa cứu trợ tắc nghẽn, thiếu phương tiện vận chuyển… Nhưng đó đều do nguyên nhân khách quan vì mưa lũ.
Những ngày gần đây, mọi việc thực hiện tốt và quy củ hơn. Việc từ thiện của các tổ chức, cá nhân cũng hiệu quả hơn khi có hướng dẫn và góp sức của địa phương. Dù không có quy định nào yêu cầu cá nhân, tổ chức từ thiện phải liên hệ qua chính quyền hay đoàn thể ở cơ sở, nếu có chính quyền chung sức sẽ giúp hỗ trợ đến đúng địa chỉ.
Ông Hầu A Lềnh - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ Trung ương (giữa) trong chuyến công tác đến vùng lũ Quảng Bình ngày 23/10 vừa qua. Ảnh: Đại Đoàn Kết. |
Đặc biệt, phương pháp vận động và hỗ trợ phải tùy từng giai đoạn để có cách thực hiện hiệu quả. Khi nước lũ dâng cao, mọi người hướng đến miền Trung theo tinh thần ai có gì hỗ trợ nấy là rất đáng quý. Nhưng khi lũ rút, cần bĩnh tĩnh để biết dân đang cần gì và mình cần hỗ trợ gì, tránh ủng hộ những thứ mình có thay vì những thứ người dân cần.
Lúc bão lũ thì cần lương thực, nhu yếu phẩm để chống đói, bảo đảm sinh hoạt, hay thiết bị hỗ trợ như áo phao, đèn pin là cực kỳ quan trọng.
"Khi lũ rút, cần bĩnh tĩnh để biết dân đang cần gì và mình cần hỗ trợ gì, tránh ủng hộ những thứ mình có thay vì những thứ người dân cần"
Khi lũ rút, bà con cần nước sạch để uống hay gạo để ăn, vì lúa gạo dự trữ đã bị ướt hoặc cuốn trôi hết. Thời điểm này không nên gửi quá nhiều mì tôm hay lương khô, vì có thể bà con còn nhiều, không dùng đến.
Các trang thiết bị, máy móc trong nhà cũng cần được hỗ trợ để dân khôi phục cuộc sống. Và dài hơi hơn là hỗ trợ sinh kế. Sau khi ổn định đời sống, người dân cần tiền để khôi phục sản xuất, mua cây giống, con giống, sửa chữa trang thiết bị, máy móc để tiếp tục sản xuất. Học sinh khi quay trở lại trường học sẽ cần hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập.
Đó là những thứ thiết thực mà người dân cần nhất trong giai đoạn này.
- Được coi là trường hợp điển hình trong việc làm từ thiện giúp đồng bào miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên vừa thông báo đã quyên góp được hơn 150 tỷ và kêu gọi bà con ở một số địa bàn đến nhận hỗ trợ. Nhiều người lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra. Ông có góp ý gì cho các cá nhân làm từ thiện như nữ ca sĩ, để việc làm của họ hiệu quả, ý nghĩa và trọn vẹn?
- Việc làm của ca sĩ Thủy Tiên hay các tổ chức, cá nhân khác xuất phát từ tấm lòng nhân ái và sự nhiệt tình, tâm huyết của họ với bà con. Điều đó rất đáng trân trọng.
Quyên góp được nhiều và được đông đảo người ủy thác chứng tỏ uy tín của họ là rất lớn. Trao quà hỗ trợ cho bà con, đó cũng là quyền quyết định của họ và của những người đã tin tưởng, ủy thác cho họ, chúng ta cần tôn trọng.
Nhưng nếu họ có sự phối hợp với địa phương hay các tổ chức cụ thể ở địa bàn để thống nhất về cách thức thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Người dân vùng lũ đang cần nhiều thứ như gạo, nước uống, đồ dùng sinh hoạt, cây giống, con giống để ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Ảnh: Phạm Ngôn - Phạm Trường. |
Chúng tôi không cần cá nhân làm từ thiện phải đóng tiền đó cho cơ quan Nhà nước để cơ quan Nhà nước đi phân bổ. Các cơ quan sẽ giúp những người muốn làm từ thiện bằng cách hướng dẫn, cung cấp thông tin, tư vấn về đối tượng cần hỗ trợ và định mức hỗ trợ một cách chính xác nhất.
Bởi hỗ trợ nếu không cẩn thận sẽ khiến chính người dân thắc mắc, mâu thuẫn, bì tị nhau. Khi có sự hợp tác, tư vấn tốt thì cũng đồng tiền, công sức đó nhưng hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mục đích của cứu trợ là có sự điều tiết để đạt hiệu quả cao nhất, chứ không phải gom vào nhằm lấy số liệu lớn để báo cáo thành tích.
Giám sát chặt để tiền đến được với dân
- Từ ngày 17/10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chính thức phát động phong trào ủng hộ nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Đến nay, kết quả vận động như thế nào, thưa ông?
- Đến nay, ở cấp MTTQ Trung ương đã nhận được hỗ trợ từ hơn 80 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Cùng với đó, các địa phương (trừ 5 địa phương bị bão lũ), đã quyên góp được gần 200 tỷ đồng tiền mặt, chưa kể hỗ trợ về hàng hóa, thực phẩm. Những địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng làm rất tích cực. Điển hình như Hải Phòng vừa vận động và công bố sẽ hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung 120 tỷ đồng.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quyết định chi 20 tỷ đồng từ quỹ cho 5 tỉnh miền Trung. 3 tỉnh nặng nhất gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng trị, Quảng Bình, mỗi nơi 5 tỷ; Hà Tĩnh 2 tỷ và Quảng Nam 3 tỷ. Đó là hỗ trợ để giúp địa phương vượt qua khó khăn trước mắt.
Người dân vùng lũ không còn cần quá nhiều mì tôm và lương khô. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Với số tiền còn lại, chúng tôi sẽ thống nhất với các địa phương để quyết định tập trung hỗ trợ bà con những gì.
Đồng thời với việc triển khai hỗ trợ là tổ chức các đoàn giám sát xem tiền hỗ trợ có đến đúng đối tượng không, tránh trường hợp chậm trễ, hỗ trợ sai địa chỉ, sai đối tượng và sai cách.
Mọi người ủng hộ đều mong tiền đến người dân thực sự cần, giúp dân thực sự hiệu quả, nên công tác giám sát luôn được đặc biệt quan tâm.
- Nhiều người lo ngại quy trình tiếp nhận ủng hộ và phân phối nguồn tiền hỗ trợ từ kênh của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ khiến tiền không kịp thời đến với người dân vào lúc họ cần nhất. Ông có thể nói rõ hơn về quy trình này?
- Khi tiền vào ngân sách hay các quỹ, việc tiêu tiền đều phải tuân theo quy trình, thủ tục. Nhưng đây không phải quy trình quá phức tạp, gây chậm trễ, mà quy trình này giúp đồng tiền đến đúng nơi, đúng địa chỉ.
"Khi tiền vào ngân sách, việc tiêu tiền đều phải tuân theo quy trình. Nhưng đây không phải quy trình quá phức tạp, gây chậm trễ, mà quy trình này giúp đồng tiền đến đúng nơi, đúng địa chỉ"
Chúng tôi đã tối giản mọi thứ. Việc chuyển tiền hỗ trợ từ Trung ương xuống địa phương không cần địa phương lập danh sách rồi trình lên, mà có quyết định là chuyển tiền ngay. Sau đó, địa phương tự phân bổ và chịu trách nhiệm.
Về nguyên tắc, tiền ủng hộ gửi về MTTQ, chúng tôi không thể tự ý mang đi phân phát cho từng gia đình hay người dân. Việc hỗ trợ phải có định mức, tiêu chí, nội dung, đối tượng cụ thể. Ban Công tác mặt trận cùng cán bộ cơ sở là người gần dân nhất sẽ xác nhận những thông tin này, để tiền hỗ trợ được chuyển đúng người.
Sau đó, phải công khai, minh bạch quy trình từ khi tiếp nhận, phân bổ cho đến khi tổ chức thực hiện. Đây đều là việc các cơ quan làm với nhau, không ảnh hưởng gì đến người dân.