Khi 'Kiêu binh' V-League tha hóa
Đến Việt Nam chơi bóng với mong muốn đổi đời, nhưng khi đã tạo được chút danh tiếng và tiền bạc thì một số cầu thủ ngoại trở chứng và tha hóa.
Cái chết của tiền đạo Molina hôm 26/2 do sử dụng ma túy quá liều đã làm rúng động làng bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, nếu lật lại quá khứ thì trường hợp của Molina chỉ được xem là ngoại binh đầu tiên của bóng đá Việt Nam tử vong vì chơi ma túy, còn con số thực tế về những cầu thủ nước ngoài ăn chơi trác táng nổi danh trong giới cầu thủ thì không thể thống kê cụ thể.
Cựu tiền đạo Achilefu (phải) và đàn em Amaobi là những tay ăn chơi khét tiếng trong giới ngoại binh ở V-League. |
Thích vũ trường hơn cầu trường
Trong những năm đầu tiên bóng đá Việt Nam chập chững bước theo mô hình chuyên nghiệp, số lượng cầu thủ ngoại đến thi đấu ở V-League không nhiều. Nhờ vậy mà dù bị gắn mác “chân gỗ” khi đi thử việc ở Nam Định nhưng với tính tình hiền lành, thân thiện và đặc biệt học giao tiếp bằng tiếng Việt khá nhanh nên tiền đạo gốc Nigeria Achilefu nhanh chóng tạo được thiện cảm với người hâm mộ bóng đá Nam Định lẫn ban lãnh đạo đội bóng.
Ở V-League 2003, Achilefu khởi đầu khá chậm chạp nhưng càng về cuối đá càng hay, và không chỉ trở thành cầu thủ ngoại đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam giành danh hiệu vua phá lưới V-League, tiền đạo người Nigeria này còn trở thành niềm tự hào riêng của bóng đá Nam Định và được hưởng nhiều đặc quyền cả về tiền bạc lẫn sinh hoạt. Tuy nhiên, đó cũng là lúc Lê Phu (tên gọi trìu mến mà CĐV Nam Định gọi Achilefu) bắt đầu trở chứng.
Dù Achilefu thừa hiểu nhất cử nhất động của một cầu thủ gốc Phi như anh khó lòng qua được tai mắt của lãnh đạo đội bóng, nhưng anh vẫn lao vào các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng bất chấp lời cảnh cáo từ ban huấn luyện. Đỉnh điểm là trong đợt tập trung đầu tiên chuẩn bị cho V-League 2004, Achilefu ngang nhiên rủ rê hai đồng đội Esele và Saliu ngay trước mắt HLV người Pháp Renard Herve rồi cùng nhau đón xe lên Hà Nội đi vũ trường suốt ba ngày liền, cắt đứt mọi liên lạc với đội bóng chủ quản.
Hành động đó như giọt nước tràn ly, Achilefu bị Nam Định bán thẳng sang CLB Hàng không Việt Nam, nhưng chỉ được 2 tháng, đội bóng sau này đổi tên thành Hà Nội ACB cũng chịu không nổi sự ngỗ ngược của vua phá lưới kiêm “siêu quậy” này nên đã bán vội cho Đà Nẵng. Tưởng như Lê Phu sẽ tu tâm dưỡng tính ở mảnh đất miền Trung vốn trọng tài năng bóng đá này, thế nhưng chỉ vì quá nghiện âm thanh xé tai của vũ trường hơn thích sự sôi động của cầu trường mà rốt cục chưa đầy một năm, Achilefu lại bị sa thải và sự nghiệp của vua phá lưới “ít tài nhiều tật” cũng kết thúc ở tuổi 33.
“Siêu quậy” nổi loạn
Ngay sau khi Achilefu ra đi, bóng đá Nam Định chào đón một ngôi sao khác cũng đến từ Nigeria là Amaobi Uzowuru. Không chỉ trẻ trung và có trình độ chuyên môn cao hơn Achilefu, Amaobi còn vượt qua đàn anh ở khoản ăn chơi, quậy phá.
Sau khi giành ngôi vua phá lưới V-League 2004 trong màu áo Nam Định, Amaobi không thể cưỡng lại lời mời hấp dẫn từ Đà Nẵng nên thẳng thừng rời bỏ thành Nam bất chấp sự chỉ trích từ người hâm mộ. Với mức lương 4.000 USD/tháng cùng khoản lót tay thuộc hàng kỷ lục ở thời điểm năm 2005 là 30.000 USD, Amaobi mặc sức tung hoành tại các sàn nhảy danh tiếng ở Đà Nẵng. Có đêm, Amaobi bỏ ra hơn chục triệu đồng bao bạn bè “bù khú” hết ở vũ trường đến khách sạn, nhờ thế mà tiếng tăm chịu chơi của Amaobi nổi như cồn trong giới ngoại binh Việt Nam ở thời điểm đó. Tuy nhiên, kết cục là dù vẫn có đóng góp nhiều cho bóng đá Đà Nẵng nhưng Amaobi không được lòng HLV Lê Huỳnh Đức, nên sau sự kiện tiền đạo người Nigeria này bị phát hiện lén lút ký hợp đồng đá thuê cho đội bóng Rio Aver của Bồ Đào Nha, ban huấn luyện đội bóng sông Hàn quyết định kỷ luật nặng Amaobi.
Cũng chẳng vừa, Amaobi quay sang bêu xấu đội Đà Nẵng khi rêu rao rằng HLV Lê Huỳnh Đức đã cố tình “đì” anh, không trả lương và thậm chí không cho... ăn cơm. Đồng thời, Amaobi cũng tố cáo cựu giám đốc kỹ thuật Trần Vũ ăn chặn tiền lót tay khi Amaobi chuyển từ Nam Định sang Đà Nẵng. Trước thái độ nổi loạn đầy bất trị của vua phá lưới V-League 2004, Đà Nẵng vội vàng chấm dứt hợp đồng để Amaobi được chuyển đến đá cho B.Bình Dương. Dù tiếng tăm và sự nghiệp của Amaobi ít nhiều được cứu vãn khi đến B.Bình Dương, nhưng chính đội bóng chủ quản cũng nhiều lần phải khổ sở trước những trò quậy phá của Amaobi nên mùa giải 2009, B.Bình Dương phải bán Amaobi lại cho chính Nam Định, nơi “phát tiết” cả tài lẫn tật của Amaobi 5 năm trước và nay trở lại đá cho B. Bình Dương.
Sang Việt Nam chơi bóng với mong muốn được đổi đời, nhiều cầu thủ ngoại do thành danh quá nhanh kiểu như Achilefu hay Amaobi đã không thể làm chủ được bản thân trước danh tiếng và đồng tiền. Họ dễ dàng sa ngã vào những cuộc ăn chơi trác táng, và không ít người sau này phải trả giá đắt bằng tính mạng mà tiền đạo Molina của B.Bình Dương là một ví dụ điển hình.
“Sát gái” chết vì... gái
Bóng đá Việt Nam chỉ ghi nhận 3 trường hợp ngoại binh tử vong do đột quỵ là cầu thủ gốc Cameroon Atangana Clement khi khoác áo Quân khu 4, nhồi máu cơ tim của Vedaste khi khoác áo Đồng Nai và sử dụng ma túy quá liều của Molina trong màu áo B.Bình Dương. Tuy nhiên, cũng đã có 4 trường hợp những ngoại binh V-League nổi tiếng “sát gái” là Blessing (gốc Nigeria từng đá cho đội Bình Định), Majid Musisi, Iddi Batambuze và Lulenti (gốc Uganda và cùng đá cho đội Đà Nẵng năm 2005) đã tử vong ở quê hương do bị AIDS. Họ đều là những tay chơi có tiếng trong giới ngoại binh bóng đá Việt Nam và là khách hàng quen thuộc của nhiều vũ trường ở Đà Nẵng cũng như phố Tây Phạm Ngũ Lão. Chính lối sống ăn chơi trác táng khiến các cầu thủ này nhiễm căn bệnh thế kỷ để rồi sớm từ giã cuộc đời trong hối tiếc.
Theo Người Lao Động