Việc đương kim Miss Universe Harnaaz Sandhu tăng cân không kiểm soát trở thành đề tài bàn tán những ngày qua. Người đẹp Ấn Độ đối mặt những bình luận chê bai, miệt thị ngoại hình từ người hâm mộ cuộc thi sắc đẹp.
Song, việc một phụ nữ đối mặt những bình luận miệt thị chỉ vì cân nặng cho thấy công chúng đang có cái nhìn quá khắt khe. Harnaaz Sandhu đang thực hiện tốt nhiệm kỳ hoa hậu, đi nhiều nơi truyền cảm hứng bằng vẻ đẹp học thức, những bài phát biểu bênh vực phụ nữ.
Hơn nữa, lý do thực sự Harnaaz Sandhu tăng cân là bệnh tật. Theo những nghiên cứu trước đó, miệt thị ngoại hình không khiến người khác tốt hơn. Những lời chê bai đôi khi đẩy người khác vào bờ vực trầm cảm, rối loạn ăn uống.
Vẻ ngoài của Harnaaz Sandhu tại cuộc thi Miss Universe 2021. Ảnh: Getty. |
"Vận hạn" của hoa hậu sinh năm 2000
Tham gia sự kiện Phụ nữ và Doanh nghiệp truyền cảm hứng ngày 5/3, Harnaaz Sandhu - đương kim Miss Universe - xuất hiện với vẻ ngoài rạng rỡ. Song, cô bị đánh giá là tăng cân hơn so với thời điểm dự thi Miss Universe hồi tháng 12/2021.
Ngoại hình của người đẹp 22 tuổi lập tức trở thành tâm điểm của sự bàn tán. Nhiều người cho rằng cô đang tăng cân một cách quá mức sau ba tháng đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ.
"Hoa hậu Hoàn vũ nổi tiếng với những nàng hậu có ngoại hình nóng bỏng, Sandhu đang đánh mất điều đó", khán giả bình luận.
Vài ngày sau, Harnaaz Sandhu "tự dìm" bản thân khi quyết định diện lại chiếc váy trong đêm đăng quang. Song, cô không thể mặc vừa chiếc váy, dấu hiệu của việc tăng cân không kiểm soát.
Ngay sau đó, người đẹp phải lên tiếng giải thích khi nhận những lời miệt thị, sự thất vọng từ người hâm mộ.
Harnaaz Sandhu tăng cân do uống kháng sinh trị bệnh. Ảnh: Getty, Harnaaz Sandhu. |
Harnaaz Sandhu biết cô tăng cân không kiểm soát do mắc căn bệnh hiếm gặp tên Celiac. Đây là căn bệnh về đường ruột khiến cơ thể không dung nạp gluten. Trước thềm cuộc thi sắc đẹp danh giá nhất hành tinh, người đẹp sinh năm 2000 phải nằm viện ba ngày, liên tục dùng kháng sinh.
Thời gian gần đây, Sandhu tiếp tục dùng kháng sinh để trị bệnh. Điều đó khiến cơ thể, gương mặt cô bị tích nước và trở nên mũm mĩm hơn bình thường.
Ngoài ra, từ ngày đến Mỹ, lịch làm việc dày đặc buộc Sandhu phải dùng nhiều đồ ăn. Sở thích ăn đồ ngọt như chocolate, kẹo... cũng khiến người đẹp tăng cân.
Sau khi nhận hàng loạt bình luận miệt thị ngoại hình, Harnaaz Sandhu được đơn vị tổ chức Miss Universe lên tiếng bênh vực.
"Chúng tôi không chấp nhận việc miệt thị người khác ở bất cứ hình thức nào. Miss Universe là cộng đồng được xây dựng để ủng hộ, khuyến khích và thúc đẩy lẫn nhau. Ở đây không có chỗ cho sự ghét bỏ", Miss Universe tuyên bố.
Miss Universe 2018 Catriona Gray cũng lên tiếng bảo vệ người đẹp sinh năm 2000.
"Thật đáng tiếc khi phải nghe, đọc những bình luận vùi dập phụ nữ thế này. Chúng tôi tích cực tuyên truyền thông điệp rằng một đại diện nhan sắc nào đó hoặc Miss Universe sẽ làm được nhiều việc hơn là xây dựng hình ảnh. Cô ấy sẽ không bị giới hạn vì vóc dáng của mình", Gray trả lời phỏng vấn.
Theo lời cựu Hoa hậu Hoàn vũ, điều quan trọng nhất của hoa hậu là truyền cảm hứng bằng những câu nói, hành động thiết thực. Cô cho rằng Sandhu đang làm tốt điều đó và xứng đáng được tôn vinh, ủng hộ thay vì phải chịu những lời lẽ body shaming.
"Khi thế hệ trẻ đọc những bình luận đó rồi tự so sánh với bản thân thì sao? Chuyện đó chẳng có gì hay ho cả. Vậy nên đừng dùng những từ ngữ xúc phạm, thay vào đó hãy tôn vinh phụ nữ. Tháng này là dành cho phụ nữ đấy", cô chia sẻ.
Hệ lụy về ám ảnh luôn gầy của phụ nữ
Theo Pacific Standard, ngành công nghiệp sắc đẹp đã làm sai lệch nhận thức của nhiều người. Trong cuốn sách Nỗi ám ảnh về ngoại hình ảnh hưởng đến phụ nữ, giáo sư tâm lý học Renee Engeln của ĐH Northwestern cho rằng nỗi ám ảnh về ngoại hình đang biến tướng thành căn bệnh tâm lý của toàn xã hội.
Nghiên cứu của Renee Engeln cho thấy phụ nữ và trẻ em gái ám ảnh về ngoại hình thường mắc chứng rối loạn ăn uống, tăng triệu chứng trầm cảm và mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ nhiều hơn những người khác.
Trong nghiên cứu, Engeln phát hiện 82% cô gái đang học đại học so sánh cơ thể của họ không chuẩn mẫu, 70% phụ nữ trẻ tuổi tin rằng họ sẽ được đối xử tốt hơn nếu mang vẻ đẹp của một hoa hậu.
Đối với những người hâm mộ cuộc thi sắc đẹp hay người mẫu cũng vậy. Việc họ kỳ vọng quá nhiều về ngoại hình của thần tượng, sau đó cảm thấy thất vọng được gọi là "chứng bệnh làm đẹp".
Catriona Gray - Miss Universe 2018, người thường xuyên đối mặt với miệt thị ngoại hình - lên tiếng bênh vực hoa hậu người Ấn Độ. |
Theo lý giải của giáo sư Renee Engeln, bệnh làm đẹp được định nghĩa là việc một người quá lo lắng về vẻ ngoài của mình đến mức dành toàn bộ thời gian, sự chú ý và cảm xúc của mình về "cái đẹp", bỏ ngoài tai những góp ý so với tiêu chuẩn mà họ đang tin tưởng.
"Với tôi, vẻ đẹp của phái đẹp là khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghe rất nhiều phụ nữ nói rằng vẻ ngoài đầy đặn ngăn cản họ làm nhiều thứ. Bệnh làm đẹp là vấn đề văn hóa và bị biến tướng đến mức khó kiểm soát", giáo sư nói.
Cô cho rằng cách tốt nhất để thay đổi điều này là ngừng việc chê bai ngoại hình, đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. "Nếu nghiêm túc với điều đó, bạn nên hướng cuộc hội thoại đến cuộc sống, thành tựu, trí tuệ và hạnh phúc của một người phụ nữ thay vì vẻ ngoài của họ", Renee Engeln nói với Pacific Standard.
Ngoài ra, việc miệt thị ngoại hình khiến người khác đối mặt với trạng thái tiêu cực. Nghiên cứu của các giáo sư từ Đại học Bucknell (Mỹ) cho rằng phụ nữ bị body shaming thường bị trầm cảm nhiều hơn, sức khỏe suy sụp, làm việc kém hiệu quả.
Trong cuốn sách The Diet-Free Revolution, chuyên gia tâm lý học Alexis Conason cho rằng các cô gái có xu hướng nghĩ rằng họ trông thật xinh đẹp khi có vẻ ngoài gầy gò.
"Thực tế thì không phải ai cũng thấy hạnh phúc khi gầy gò. Bất cứ ai cũng vật lộn với chứng miệt thị ngoại hình. Những bình luận tập trung vào cân nặng có thể khiến người khác bị rối loạn ăn uống", Conason viết.
Chuyên gia cũng cho rằng phụ nữ gầy, béo không phải lỗi của họ. Vấn đề là văn hóa chế giễu, miệt thị tàn nhẫn. "Cơ thể của bạn không phải là thứ để người khác miệt thị. Khi ai đó nhận xét ngoại hình của bạn, đó chỉ phản ánh sự ganh tỵ, khát vọng của họ mà thôi", tác giả Conason khẳng định.