Đầu năm 2021, Lindsay Myeni quyết định cùng chồng chuyển từ bang Colorado về quê nhà Hawaii, với hy vọng có thể an toàn nuôi dạy hai người con da màu của mình. Ba tháng sau, chồng cô là Lindani Myeni, 29 tuổi, người Nam Phi, bị cảnh sát Honolulu bắn chết.
Bị gọi 911 vì vào nhầm nhà
Vợ chồng Myeni rời thành phố Denver thuộc Colorado - nơi tập trung chủ yếu người da trắng, để chuyển đến Honolulu vào tháng 1.
“Chúng tôi rất vui khi được trở lại môi trường đa dạng như thế này”, cô Myeni nói. Cặp đôi cảm thấy dễ dàng hòa nhập ở Hawaii, nơi người da trắng không chiếm đa số và có nhiều người đa sắc tộc cùng sinh sống.
Tuy nhiên, sự hào hứng đó sớm tắt, khi chồng cô bị cảnh sát địa phương bắn chết vào tháng 4.
Gia đình Myeni. Ảnh: AP. |
Theo lời kể của cảnh sát, anh Myeni bước vào nhà của một phụ nữ gốc Á, sau đó ngồi xuống và cởi giày. Điều này khiến chủ nhà sợ hãi và gọi 911.
Anh Myeni sau đó bị cảnh sát yêu cầu quỳ gối xuống đất. Tuy nhiên, người đàn ông 29 tuổi bị cáo buộc kháng lệnh. Cũng theo phía cảnh sát, anh Myeni tấn công lực lượng chức năng và làm một sĩ quan bị thương.
Cảnh sát công bố 2 đoạn clip ngắn ghi lại sự việc. Tuy nhiên, vì cuộc chạm trán diễn ra vào buổi tối nên các đoạn băng chỉ bao gồm âm thanh của ba phát súng vang lên và sau đó một sĩ quan hô to: “Cảnh sát!”.
Cô Lindsay đã đệ đơn kiện oan sai với cáo buộc rằng cảnh sát Honolulu “có động cơ phân biệt chủng tộc với người gốc Phi”. Cô cho rằng người phụ nữ gốc Á gọi 911 cảm thấy anh Myeni “là một mối đe dọa” chỉ vì anh là người da đen.
Cựu cảnh sát Chief Susan Ballard cho rằng lực lượng chức năng chỉ đơn thuần phản ứng lại với hành vi của ông Myeni, chứ không nổ súng vì nguồn gốc chủng tộc của ông. “Anh ta khiến các sĩ quan bị thương và đe dọa tính mạng của họ”, cô Ballard nói.
Cựu cảnh sát Chief Susan Ballard. Ảnh: Honolulu Star-Advertiser. |
Trong khi đó, cô Myeni cho rằng chồng mình đã nhầm giữa ngôi nhà của người phụ nữ gốc Á với ngôi đền Hare Krishna bên cạnh. Theo lời kể của cô, trước đó hai vợ chồng ghé thăm nhiều địa điểm văn hóa ở bờ biển phía bắc Oahu.
Vì thấy chồng có biểu hiện căng thẳng, cô Myeni khuyên anh cố gắng tìm một địa điểm sinh hoạt tâm linh trong khu phố mà cả hai vừa chuyển đến.
Không lâu trước khi bị cảnh sát bắn, anh Myeni nói chuyện với vợ qua điện thoại. Thời điểm đó, anh đang trên đường về với gia đình, cách đó khoảng 5 dãy nhà.
Khi bị bắn, anh Myeni mang chiếc băng đầu umqhele truyền thống của người Zulu. Theo lời cô Myeni, việc đeo chiếc băng đầu này và bỏ giày ở cửa được xem là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng khi bước vào nhà.
“Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng những chuyện như thế này sẽ xảy ra ở Hawaii”, cô Myeni nói với AP.
Đối với một số người, cái chết của ông Myeni và phản ứng im lặng của cư dân trong vùng như một lời nhắc rằng Hawaii không còn là thiên đường hòa hợp giữa các sắc tộc như trước đây.
Không biểu tình
Theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ, trong 1,5 triệu dân cư trú ở Hawaii, chỉ 3,6% là người gốc Phi.
Chỉ riêng ở Honolulu, 7% trong số những đối tượng bị cảnh sát dùng vũ lực khống chế là người da màu.
Dù một số nhóm nhỏ tụ tập biểu tình về cái chết của ông Myeni, vụ việc này không tạo ra làn sóng đòi công bằng cho người da màu như trường hợp của George Floyd hay Jacob Blake.
Giáo sư Kenneth Lawson thuộc Đại học Hawaii cho rằng cái chết của anh Myeni “sẽ khơi mào cho nhiều cuộc biểu tình quy mô, nếu vụ việc này xảy ra ở bất kỳ thành phố nào khác của Mỹ”.
“Khi người ta nói bạn đang sống trong thiên đường về sự hòa hợp sắc tộc, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu bạn nhận ra thực tế không phải vậy”, ông Lawson nói.
Giáo sư Lawson đồng thời nhận định rằng người dân Honolulu không cảm thấy phẫn nộ sau cái chết của anh Myeni vì cảnh sát không công bố toàn bộ chi tiết vụ việc. “Họ chỉ tiết lộ những thứ họ muốn”, ông Lawson nói.
Vào năm 2020, sau khi người đàn ông da màu George Floyd bị một cảnh sát da trắng ở Minnesota ghì cổ gây tử vong, làn sóng Black Lives Matter đã lan rộng trên khắp nước Mỹ trong nhiều tháng liền. Ảnh: AP. |
Daphne Barbee-Wooten, cựu chủ tịch Hiệp hội Luật sư người Mỹ gốc Phi ở Hawaii, cho rằng việc gia đình Myeni mới chuyển đến Hawaii cũng là một yếu tố lý giải tại sao công chúng bang này không thể hiện sự phẫn nộ sau cái chết của anh Myeni.
“Nếu đây là một người mà ai cũng quen biết, là hàng xóm của họ trong thời gian dài, tuần nào cũng dự lễ nhà thờ với họ, thì có lẽ người ta đã rất phẫn nộ”, bà Barbee-Wooten nói.
“Và tôi nghĩ rất nhiều người Mỹ gốc Phi bị miệt thị về chủng tộc khi sống ở Hawaii, nhưng họ có xuống đường vì chuyện đó không? Không hẳn”, bà Barbee-Wooten nói thêm.
Theo lời cô Myeni, trước khi bị bắn chết, chồng cô chưa từng bị phân biệt chủng tộc trong khoảng thời gian sống ở Hawaii.
Cô kể lại rằng anh Myeni từng cảm ơn vợ vì đã đưa anh đến Hawaii.
“Mọi người rất ấm áp, thân thiện và hướng ngoại”, cô Myeni nói. “Hawaii có đầy đủ những thứ mà anh ấy (Myeni) thích khi còn ở Nam Phi”.
Tuy nhiên, sau khi chồng bị bắn chết, cô Myeni chuyển đến Nam Phi và cố gắng gia hạn visa để không phải trở lại Hawaii.
“Hawaii là nhà của tôi, nhưng giờ đây tôi cảm thấy như thể mình đang từ bỏ quê hương của chính mình”, cô Myeni nói. “Có thể một ngày nào đó tôi sẽ trở lại, nhưng bây giờ thì chưa thể nói trước được gì”.