Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khi Djokovic chen vào cuộc đua giữa Federer và Nadal

Chiến tích của Djokovic tại Pháp Mở rộng 2021 sẽ còn được nhắc tới nhiều, bởi anh trở thành tay vợt đầu tiên trong Kỷ nguyên Mở giành được ít nhất 2 danh hiệu ở cả 4 Grand Slam.

Bình luận

Djokovic vo dich anh 1

Anh đứng đó giữa buổi chiều tà của thành phố Paris, khi những tia nắng vẫn còn nhảy múa trên những hàng ghế khán giả. Xung quanh anh, những tràng vỗ tay đầy thán phục vang lên không ngớt. Chiếc cúp được anh giơ cao với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đã hằn những nếp nhăn của tuổi tác. Lần thứ 19 cho Nole! Lần thứ 19 cho nhà vua của làng quần vợt!

Djokovic vo dich anh 2

Grand Slam thứ 19 cho Djokovic. Ảnh: Reuters.

Djokovic kiên cường

Khi thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 qua đi, người ta đã tìm thấy 2 biểu tượng vĩ đại của quần vợt, Roger Federer và Rafael Nadal. Đó là 2 con người với lối chơi hoàn toàn trái ngược nhau, một người kiêu hãnh và quý phái, một người can trường và bền bỉ. Cả hai đã phân chia các cổ động viên làm 2 phe, cho đến khi Djokovic xuất hiện.

Xuất phát muộn hơn và cũng chật vật hơn, tới tận năm 23 tuổi, Nole vẫn chỉ có đúng một Grand Slam khá may mắn. Thậm chí, anh từng phàn nàn mình sinh nhầm thời đại. Djokovic đã sinh nhầm thời đại. Nếu anh sinh sớm hay muộn hơn chừng 10 năm, có thể anh sẽ gặt hái thành công nhanh hơn và được khán giả yêu mến nhiều hơn.

Tuy nhiên, con người đâu phải cứ muốn là có thể được đáp ứng theo nguyện vọng. Và vì thế, Nole đã quyết định tạo nên thời đại khác, thời đại của riêng anh.

Ở tuổi 23, anh bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống, tập luyện cật lực theo những giáo án nặng nhất để biến mình thành một siêu nhân về thể chất. Và suốt hơn 10 năm qua, anh không ngừng tự hoàn thiện mọi kỹ thuật để trở thành một bậc thầy của lối chơi all-court.

Người ta thấy anh chạy khắp sân để phòng thủ. Ở đó, người ta thấy anh nhẫn nại trong những loạt rally. Người ta thấy anh tung ra những cú backhand mẫu mực. Người ta thấy anh khi thì kéo đối phương lên cao bằng những cú drop-shot điệu nghệ, khi lạnh lùng kết liễu bằng cú forehand đầy ma thuật.

Nadal là tay vợt có ý chí vô song. Federer chơi tennis như múa ballet trên sân khấu. Còn Djokovic, anh bao hàm cả 2 yếu tố ấy và tạo nên chuẩn mực mới cho làng quần vợt: Sự hoàn hảo.

Djokovic vo dich anh 3

Djokovic ngược dòng ấn tượng trước Tsitsipas. Ảnh: Reuters.

Trên sân Philippe Chatrier, trong trận chung kết Roland Garros thứ 6 của mình, Nole đã phải đối mặt với một tài năng trẻ, người kém anh tới 11 tuổi và đang bắt đầu bước vào phong độ đỉnh cao. Trước đó 9 tháng, Tsitsipas đã tiến vào vòng bán kết Roland Garros 2020 và cũng quần cho Djokovic mệt lả sau 5 set đấu đầy căng thẳng.

Còn bây giờ, chàng trai người Hy Lạp đã có một Grand Slam gần như hoàn hảo. Anh đánh bại Alexander Zverev trong trận bán kết kinh điển giữa hai tay vợt thuộc thế hệ “Next Gen” và chơi thứ tennis không thể tin nổi trong 2 set đầu của chung kết.

Sau 107 phút, Tsitsipas đã dẫn trước Djokovic 2-0. Anh chỉ cần một set thắng nữa để ghi tên mình vào bảng vàng của giải đấu, đồng thời trở thành tay vợt thứ 9 trong Kỷ nguyên Mở (từ năm 1968) đánh bại 2 hạt giống hàng đầu tại một giải Grand Slam.

Trong quãng thời gian đầu trận đấu, Tsitsipas đã chứng minh anh sẽ là đối thủ đáng gờm với bất kỳ ai ở tương lai. Dù đó là trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, tay vợt người Hy Lạp đã không hề tỏ ra lo lắng hay sợ hãi. Anh thi đấu sòng phẳng với số một thế giới và thậm chí thể hiện sự vững vàng về mặt tâm lý khi mất break ở game thứ 11 và đối mặt với việc thua 5-7 trong set 1.

Khi ấy, Tsitsipas đã chơi táo bạo hẳn lên, không hề giấu giếm việc đánh cược vào số phận và san bằng tỷ số 6-6 để đưa set đấu vào loạt tie-break. Một lần nữa, anh lại phải đối mặt với set-point và một lần nữa, anh lại vượt qua để giành chiến thắng với tỷ số 7-6. Có lẽ, chính chiến thắng ấy thúc đẩy tinh thần của chàng trai người Hy Lạp.

Nole chùng xuống bất ngờ trong set 2 trong khi Tsitsipas tấn công như vũ bão. Anh 2 lần bẻ game và kết thúc set đấu với tỷ số 6-2. Mọi thông số khi đó chỉ ra sự áp đảo của hạt giống số 5, anh hơn tới 10 điểm trong set đấu, giành winner nhiều hơn và mắc ít lỗi hơn hẳn. Đến lúc này, nhiều người đã bắt đầu nghĩ tới những mỹ từ dành cho Tsitsipas để ca ngợi sự đăng quang của một “Next Gen”.

Tuy nhiên, Nole của tuổi 34 không phải là Nole của tuổi 22. 12 năm trước, khi tình thế bất lợi cho mình, Djokovic có thể chán nản mà bỏ cuộc. 12 năm sau, anh đã là nhà vô địch. Nhà vô địch ấy không hề hoảng sợ khi bị dẫn trước 2-0 và bắt đầu chơi thứ tennis điềm tĩnh nhất có thể.

Chúng ta cần chú ý một chi tiết rất nhỏ nhưng cho thấy tầm của Djokovic. Khi bị dẫn sâu ở set 2, tay vợt số một thế giới bắt đầu giảm dần cường độ chạy. Anh không còn cố gắng nhiều nữa và có dấu hiệu buông xuôi. Lúc Tsitsipas có set-point và giao bóng, Nole hầu như không để ý và cảm giác anh chỉ muốn mau chóng kết thúc game đấu để nghỉ ngơi.

Thái độ này có thể hiểu theo 2 cách, hoặc Nole đã không còn ý chí chiến đấu, hoặc với anh, mọi thứ sẽ chỉ bắt đầu từ set 3. Diễn biến sau đó đã nói lên, cách hiểu nào là đúng.

Djokovic vo dich anh 4

Djokovic thay áo đổi vận. Ảnh: Reuters.

Djokovic hướng tới xô đổ các kỷ lục

Khi Djokovic bước ra khỏi phòng tắm và mang trên mình chiếc áo đỏ, anh như biến thành con người hoàn toàn khác. Năm phút trước, Nole vẫn còn tỏ ra mệt mỏi. Năm phút sau, anh bắt đầu điều khiển hoàn toàn trận đấu.

Djokovic đã chuyển trạng thái rất nhanh, từ việc chủ động tấn công nhưng dễ mắc sai lầm sang thế trận an toàn để khiến đối thủ phải lộ dần sơ hở. Bước ngoặt đến vào game thứ 4 của set đấu thứ 3. Nhận thấy “khoảng trống của sự tập trung” ngắn ngủi mà Tsitsipas bộc lộ, Djokovic bất ngờ tăng tốc và đẩy đối thủ phải cứu liên tiếp các break-point.

Tay vợt người Hy Lạp chơi đầy dũng cảm để giữ lại game đấu của mình và cứu được tới 4 điểm break. Song, ở điểm break thứ 5, Tsitsipas tung ra cú trái hỏng ăn và chấp nhận mất game vào tay đối thủ. Djokovic vượt lên dẫn trước 3-1 và không phạm bất cứ sai lầm nào, bình tĩnh giữ vững cách biệt để kết thúc set 3 với tỷ số 6-3.

Chúng ta nhận thấy sự thay đổi của Nole đã diễn ra nhanh tới mức Tsitsipas không thể nghĩ, hay nói đúng hơn là không kịp nghĩ ra phương án đối phó. Sự điềm tĩnh của tay vợt người Serbia dập tắt hoàn toàn bầu máu nóng của chàng trai Hy Lạp. Anh nắm chắc lợi thế giao bóng của mình và duy trì quyền kiểm soát tối đa trong những game đấu ấy.

Trong 3 set cuối trận, Djokovic thậm chí không phải đối mặt với bất cứ một break-point nào. Kể từ lúc Nole thay đổi nhịp độ trận đấu, Tsitsipas, bị một chấn thương lưng nhẹ ở cuối set 3, đã bị cuốn theo hoàn toàn và từ một trận đua sức, nó đã trở thành cuộc đụng độ của ý chí và sự bền bỉ. Mà ở phương diện này, Djokovic xứng đáng là số một trong lịch sử quần vợt.

Sức mạnh của Nole đã giảm sút nhiều trong nửa sau trận đấu, đặc biệt là ở set 5. Thế nhưng, tay vợt số 1 thế giới vẫn duy trì sự chính xác đến mức tàn nhẫn. Tsitsipas dẫn điểm ngay đầu set quyết định và hy vọng sẽ tiếp tục làm được điều kỳ diệu như ở vòng bán kết. Song Djokovic không phải là Zverev.

Bước ngoặt đến ở game mà tay vợt Hy Lạp cầm giao bóng. Một cú drop-shot tuyệt đẹp của hạt giống số 5 và người ta thấy Nole lao lên như thể anh đang đánh đường bóng cuối cùng của sự nghiệp. Break-point cho Djokovic và từ đó, mọi thứ được định đoạt. Nole không phạm bất cứ một sai lầm nào và bình tĩnh kết thúc trận đấu với tỷ số 6-7, 2-6, 6-3, 6-2, 6-4 để lần thứ 2 đăng quang ngôi vô địch Roland Garros sau 6 lần bước tới trận chung kết.

Djokovic vo dich anh 5

Quả ngọt cho Djokovic. Ảnh: Reuters.

Chỉ trong vòng chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, tay vợt 34 tuổi có cuộc chạy marathon trước Nadal và Tsitsipas với mỗi trận đấu dài tới hơn 4 giờ thi đấu. Anh trở thành tay vợt đầu tiên trong Kỷ nguyên Mở giành mỗi Grand Slam ít nhất 2 lần và áp sát kỷ lục về số lượng danh hiệu của Federer và Nadal. Nhưng Djokovic chưa muốn dừng lại.

Trên bục trao giải, anh phát biểu “Tôi đã đưa mình vào vị thế thuận lợi để có được Golden Slam”. Đúng! Djokovic chưa bao giờ vào chung kết của một kỳ Olympic. Lần anh tiến xa nhất ở giải đấu này chỉ là chiếc cuy chương đồng vào năm 2008. Anh đã có quá nhiều thứ cho bản thân và lần này, anh muốn làm một điều gì đó cho quê hương Serbia. Chiếc huy chương vàng vì thế sẽ là mục tiêu lớn nhất trong phần còn lại của năm 2021.

“Thật là giấc mơ đối với tôi khi được chiến đấu trên sân đấu này và để giành được một trong những danh hiệu vĩ đại nhất của môn quần vợt. Bạn phải cống hiến 100% mỗi ngày để tạo nên động lực. Nếu không có vợ tôi, các HLV và trợ lý, tôi sẽ không thể thành công. Đó là nỗ lực của cả đội”, Djokovic nói.

Trong những lúc khó khăn nhất, Nole đã thấy những người thân ở cạnh bên. Nhưng không chỉ có thế, một cậu bé ở phía khán đài đã không ngừng hò hét động viên anh. “Cậu ấy như thể đang bảo tôi là ‘này, hãy giữ game giao bóng đi’, ‘này, hãy đánh vào phía backhand của đối thủ ấy’, cứ như là cậu ấy đang chỉ đạo tôi vậy”. Sau khi trận đấu kết thúc, Nole đã tặng cậu bé ấy chiếc vợt của anh - chiếc vợt của nhà vô địch Roland Garros.

Djokovic sẽ hướng tới Wimbledon để san bằng tỷ số Grand Slam với 2 người đàn anh sau đây 2 tuần nữa. Trong 4 năm qua, anh chỉ bị lỡ danh hiệu ấy đúng một lần do chấn thương khuỷu tay vào năm 2017.

Bây giờ đây, anh đang sung sức hơn bao giờ hết và cũng khát khao hơn bao giờ hết. Để tiến tới mục tiêu của anh: Giành cả 4 danh hiệu Grand Slam trong một năm, kèm theo đó là chiếc huy chương vàng tại Nhật Bản. Rất khó, nhưng với tay vợt hoàn hảo nhất mọi thời đại, “Trong trường hợp của tôi, thì mọi điều đều có thể xảy ra”, Djokovic nói.

Không thể cản Djokovic

Những màn ngược dòng liên tiếp tại Pháp Mở rộng của Novak Djokovic cho thấy anh đang là tay vợt khó đánh bại nhất tại các giải Grand Slam.

Djokovic ngược dòng vô địch Pháp Mở rộng

Tối 13/6 (giờ Hà Nội), Novak Djokovic ngược dòng ấn tượng trước Stefanos Tsitsipas sau 5 set đấu để lần thứ 2 lên ngôi Pháp Mở rộng.

Vũ Hoàng

Bạn có thể quan tâm