Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi dân công sở đi buôn

Không biết từ khi nào, dân công sở có thêm “cần câu cơm” bằng việc bán hàng qua mạng. Nghề tay trái này giúp chị em có thêm thu nhập trước tình trạng lương thưởng ảm đạm.

Lên cơ quan là gặp “tiếp thị”

Chưa năm nào, dân công sở mải mê bán hàng qua mạng nhiều như năm nay, với đủ loại mặt hàng từ: Giày dép, quần áo, mỹ phẩm, lương thực, thực phẩm... Gần Tết, chị em công sở đua nhau quảng bá các đặc sản “cây nhà lá vườn”, sản phẩm handmade (tự làm)...

Thùy Linh - Nhân viên văn phòng của công ty Vận chuyển Việt Đức cho hay, từ giữa năm vừa rồi, cơ quan tuyên bố giảm 20% lương, Linh rủ thêm bạn góp vốn mở của hàng bán thực phẩm sạch qua mạng. Hàng ngày, đến giờ nghỉ trưa, Linh ăn uống qua quýt, thậm chí quên ăn để dành thời gian đi đưa hàng. Có hôm đông khách gọi, Linh đi cả buổi chiều không về cơ quan. Do không phải thuê cửa hàng, nhân viên đứng bán, nên giá cả các mặt hàng của Linh rẻ hơn so với thị trường, hình thức bán hàng qua mạng - giao hàng tận nơi. Đặc biệt, với mác “dân công sở làm thêm” nên hàng của Linh bán rất chạy.

Dân buôn công sở tranh thủ giờ nghỉ trưa để kiểm tra đơn hàng.

“Vừa việc cơ quan vừa bán hàng nên mình rất bận, chẳng bao giờ được ngủ trưa, buổi sáng trước khi đi làm phải tranh thủ check mạng để xem có đơn đặt hàng không, tối về lại thức khuya để nhận đơn hàng. Nhưng nhờ vậy, mỗi tháng cũng có thêm 3-5 triệu đồng”, Linh chia sẻ.

Tương tự, Ngọc Diệp, công tác tại một cơ quan báo chí cũng khá đam mê với nghề tay trái này. Vốn nổi tiếng là người khéo tay, lại nắm được bí quyết làm thịt bò khô, mứt dừa, bánh quy... chị Diệp đã tự làm và rao bán trên mạng. Dù giá những sản phẩm chị Diệp làm không rẻ so với thị trường nhưng có uy tín “đảm bảo chất lượng thực phẩm an toàn”, nên hàng vẫn đắt như tôm tươi. Đồng nghiệp, rồi bạn bè dắt dây nhau đặt hàng. Ngọc Diệp chia sẻ: “Làm mấy món bán phục vụ Tết trước tiên là thỏa mãn sở thích nấu nướng của mình, kế đến là tranh thủ kiếm thêm đồng ra đồng vào cho Tết thêm xôm”.

Cẩn thận kẻo mất việc

Mải mê với việc bán buôn, nhiều chị em công sở có phần xao nhãng công việc cơ quan. Chị Hà, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội than thở: “Bỗng dưng cơ quan xuất hiện hàng chục đầu mối cung cấp hàng, đủ thứ từ quần áo, giày dép đến bánh kẹo, gạo, gà, rau xanh... Chị em nhập buôn về bán cho nhau, hoặc lấy hàng từ quê lên bán nên cứ đầu giờ sáng, giờ nghỉ trưa, hoặc ngay cả trong giờ làm việc cũng tranh thủ tiếp thị nguồn hàng, rồi mang hàng cho nhau xem, xì xào bàn tán, cân đong đo đếm, thử mẫu, ăn thử... nhiều lúc cũng mất thời gian”.

Chị Thanh Mai - Kế toán kiêm “doanh nhân online” chia sẻ: “Bán hàng online cũng phần nào ảnh hưởng tới công việc. Thời gian nghỉ ít nên nhiều hôm tới cơ quan làm việc mà mắt cứ díp lại, toàn số là số khiến mình quay cuồng, chỉ lo nhầm lẫn. Mình chỉ mong cơ quan phát triển, thu nhập từ lương kế toán cao hơn để chuyên tâm với công việc”.

Còn Thùy Linh thì suýt “rời xa” hẳn nghề “tay trái” vì đã hơn một lần, Linh bị sếp bắt quả tang bỏ việc cơ quan đi làm việc riêng. Linh kể: “Hôm đó, vừa thấy sếp khuất bóng, mình tay xách nách mang mấy đôi giày tranh thủ đi đưa cho khách gần cơ quan. Không ngờ, gặp sếp ngay chân cầu thang. Tối hậu thư “nếu còn đi buôn thì liệu mà nghỉ việc luôn” được sếp đưa ra ngay lúc đó. Nhưng lương không đủ chi tiêu, nên mình vẫn lén lút bán hàng qua mạng chỉ có điều không dám tranh thủ thời gian cơ quan cho việc đưa hàng nữa...”.

http://giaothongvantai.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi/201401/khi-dan-cong-so-di-buon-441071/

Theo Giao thông Vận tải

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm