"Cuộc chiến mở shop" giữa các ông lớn vẫn tiếp diễn. Tại đại hội cổ đông của Thế Giới Di Động diễn ra đầu năm nay, chuỗi bán lẻ này đặt mục tiêu mở thêm 100 cửa hàng trên toàn quốc. Trong khi đó, FPT Shop cũng cho biết sẽ có thêm khoảng 50 cửa hàng ở cả ba miền. Ngay cả tên tuổi mới như Vin Pro và Vin Pro+ của Vin Group cũng tuyên bố mở thêm 100 điểm bán.
Vẫn chiếm lĩnh những vị trí đắc địa, đông người qua lại, nhưng Thế Giới Di Động vừa có động thái mới: ra mắt một cửa hàng quy mô nhỏ, chủ ý đặt sâu trong các con hẻm lớn hoặc khu dân cư để bán máy cũ. Đại gia bán lẻ này cho biết đây chỉ là thử nghiệm, nhưng giới kinh doanh bên ngoài e ngại đây sẽ là mối lo lớn, nhất là khi các cửa hàng nhỏ đang "chết dần chết mòn" vì áp lực cạnh tranh.
Theo thống kê từ GfK Việt Nam, trong năm 2015 đã có khoảng 3.000 cửa hàng bán điện thoại di động trên toàn quốc phải đóng cửa vì chiến lược "lấy thịt đè người" của các ông lớn.
Điện thoại cũ vốn là lợi thế của các cửa hàng nhỏ, nhưng nay đang bị các ông lớn cạnh tranh. |
Ông lớn ở đâu trong cuộc chơi điện thoại cũ?
Tuy rầm rộ mở cửa hàng mới, nhưng cửa hàng bán máy cũ của Thế Giới Di Động khai trương khá thầm lặng trong khu vực gần khu công nghiệp ở TP HCM.
Theo ông Đặng Thanh Phong, trưởng phòng Marketing của hệ thống trên, những cửa hàng loại này chỉ nằm bên trong các con hẻm nhỏ, khu dân cư tương đối đông người, và hướng đến những người dùng muốn mua lại điện thoại cũ. "Họ hiểu rõ giá trị cũng như thông tin về chiếc điện thoại họ cần mua, nên mô hình này có tiềm năng", ông Phong chia sẻ.
Nói về nguồn hàng, đại diện nhà bán lẻ này cho biết sẽ lấy từ kho máy cũ do khách đổi trả và tất cả đều từng được bán tại Thế Giới Di Động, không phải hàng có xuất xứ bên ngoài.
Với định hướng trên, có thể thấy việc "ông lớn" mở cửa hàng bán máy cũ chỉ là hệ quả của việc mở quá nhiều shop bán máy mới. Lượng cửa hàng bán máy mới tăng lên, càng có nhiều điện thoại đến tay người dùng, % những chiếc điện thoại được khách bán lại hoặc đổi trả để lên đời cũng tăng theo, đủ lớn để tập trung vào bán tại một cửa hàng riêng.
"Tôi không cho rằng họ sẽ mở nhiều cửa hàng kiểu vậy, vì không phải lúc nào cũng đủ máy cũ để bán. Cửa hàng này chỉ để tối ưu hoá lợi nhuận và tìm kiếm thêm lượng khách hàng đặc biệt", đại diện một hệ thống kinh doanh di động ở TP HCM chia sẻ. "Họ chỉ mới nhập cuộc, và số lượng 900 máy tại cửa hàng là không thấm vào đâu so với con số hàng ngàn máy cũ, chủ yếu là iPhone, Samsung, LG cao cấp đổ về các cửa hàng ở trung tâm TP HCM".
Cửa hàng nhỏ: người lạc quan, kẻ e dè
"Họ bán máy cũ của họ, không thu mua từ nguồn bên ngoài nên có thể giá sẽ cao hơn nhiều so với các cửa hàng nhỏ", anh Nguyễn Ngọc Thạch, chủ cửa hàng trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TP HCM chia sẻ. Đồng quan điểm, anh Trương Hữu Dũng, chủ cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, cũng cho rằng cửa hàng nhỏ vẫn sống khoẻ. "Trăm người bán, vạn người mua, không ảnh hưởng gì hết. Cũng như việc có nhiều siêu thị, hay cửa hàng tiện ích cũng không khiến chợ truyền thống mất đi", anh Dũng so sánh.
Trái với hai ý kiến trên, anh Nguyễn Thành Phong, đại diện cửa hàng trên đường Trần Quang Khải, TP HCM cho rằng nếu bỏ qua mức giá, khách hàng của cửa hàng nhỏ và cửa hàng bán điện thoại cũ của Thế Giới Di Động có phần giống nhau. Anh này lấy ví dụ, khi Apple sắp ra iPhone mới, ít khách hàng đi mua điện thoại chính hãng vì giá cao, nên sẽ tìm mua máy cũ. "Lúc này, máy cũ còn bảo hành từ những hệ thống lớn sẽ là lựa chọn an toàn hơn với người dùng, dù giá cao hơn bên ngoài", anh Phong nhận định. Anh này cho rằng các cửa hàng nhỏ vẫn có thể giữ chân khách hàng nếu có sản phẩm tốt, giá hợp lý.
Hiện chưa có nhà bán lẻ nào làm giống Thế Giới Di Động. Trao đổi với Zing.vn, đại diện của FPT Shop cho biết chưa có kế hoạch mở cửa hàng chuyên bán máy cũ. Số lượng máy đổi trả tại hệ thống này vẫn nằm trong giới hạn cho phép và vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh máy đổi trả ngay tại hệ thống các cửa hàng hiện tại.