Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khi cỗ máy chiến tranh hàng tỷ USD bị biến thành phiên chợ đại hạ giá

Cuối tuần qua, khung cảnh tại căn cứ Kandahar làm người ta liên tưởng tới một cỗ máy chiến tranh hàng tỷ USD bị biến thành phiên chợ đại hạ giá trong nhà để ôtô.

My rut quan khoi Afghanistan anh 1

Mỹ đang âm thầm rút dần trang thiết bị và binh sĩ khỏi các căn cứ ở Afghanistan, trong bối cảnh quân đội nước chủ nhà oằn mình chống đỡ các cuộc tấn công của Taliban.

Căn cứ không quân ở thành phố Kandahar hôm 1/5 chứng kiến từng đoàn máy bay vận tải hạng nặng đưa các loại trang thiết bị cùng binh lính Mỹ rời thành phố, đánh dấu khởi đầu cho quá trình rút đi của lực lượng NATO khỏi nơi từng là trung tâm chỉ huy cuộc chiến chống lại Taliban ở miền Nam Afghanistan suốt 20 năm qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 11/9. Ngày 1/5, những bước đầu tiên trong quá trình chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ đã bắt đầu, theo New York Times.

My rut quan khoi Afghanistan anh 2

Binh sĩ Mỹ trên trực thăng hoạt động ở Kabul hôm 1/5. Ảnh: New York Times.

Khởi đầu của kết thúc

Mỹ và các đồng minh NATO đã dành hai thập kỷ xây dựng căn cứ không quân Kandahar thành một thành phố thời chiến. Nơi này có vô số lều bạt, trung tâm chỉ huy chiến dịch, doanh trại quân đội, sân chơi thể thao, kho chứa đạn dược, nhà để máy bay, và cả bưu điện.

Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2010-2011, căn cứ này nổi tiếng với những cửa hàng ăn nhanh, chuỗi nhà hàng, sân chơi khúc côn cầu, cửa hàng đồ trang sức, hay thậm chí một lối đi lát gỗ bóng bẩy.

Là trụ sở chính của liên quân quốc tế ở miền Nam Afghanistan, hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ và NATO đã đồn trú ở căn cứ Kandahar.

Nằm ngay kế bên căn cứ không quân Kandahar là những làng mạc nông thôn nơi Taliban nuôi dưỡng lực lượng. Trong suốt cuộc chiến tranh, các vùng nông thôn ở tỉnh Kandahar luôn là thành trì của lực lượng phiến quân.

Cuối tuần qua, khung cảnh tại căn cứ Kandahar làm người ta liên tưởng tới một cỗ máy chiến tranh hàng tỷ USD bị biến thành phiên chợ đại hạ giá trong nhà để ôtô.

Giờ đây, không còn nhiều điều để mô tả về căn cứ Kandahar. Những dấu hiệu đặc trưng của lối sống phương Tây đã hầu như biến mất. Những cơ sở thể thao ngoài trời, những nhà để máy bay bị tháo dỡ, chồng chất bên trong là đủ loại trang thiết bị cũ kỹ không thể sử dụng tiếp.

My rut quan khoi Afghanistan anh 3

Trực thăng của lực lượng an ninh Afghanistan ở căn cứ Kandahar. Ảnh: New York Times.

Tại sân bay Kandahar, nhà ga hành khách tối đen như mực, bên trong chỉ còn những chiếc ghế phủ đầy bụi. Các hội trường một thời đông đúc giờ bị đóng cửa.

Một khi Mỹ và NATO đã mang đi mọi trang thiết bị được cho là nhạy cảm, những gì còn sót lại ở căn cứ này sẽ được bàn giao cho lực lượng an ninh Afghanistan.

Và thông điệp giờ đây rất rõ ràng: Người Afghanistan sẽ phải tự mình chống lại Taliban.

Taliban tấn công trở lại

Ở đầu bên kia của căn cứ Kandahar, một chiếc máy bay vận tải của quân đội Afghanistan từ Kabul hạ cánh sáng 1/5, mang theo đạn pháo, băng đạn cỡ nhỏ và những quả bom nặng hơn 100 kg tiếp viện cho lực lượng an ninh đang oằn mình chống trả các đợt tấn công của Taliban.

Nếu như bên trong căn cứ, cuộc rút quân của người Mỹ diễn ra trong yên lặng, với vẻ trật tự, thì phía ngoài bức tường an ninh, tình hình ngày càng nguy cấp cho quân đội chính phủ.

Tại một khu vực vẫn còn hoạt động tại căn cứ Kandahar, thiếu tá Mohammed Bashir Zahid, sĩ quan phụ trách trung tâm chỉ huy không lực ở Kandahar, bận rộn liên lạc để yêu cầu hỗ trợ hỏa lực không quân cho lực lượng mặt đất khi đó đang chiến đấu với Taliban.

"Ngày hôm qua, chúng tôi thậm chí không thể ngồi xuống vì mọi thứ quá hỗn loạn. Tôi ngủ thiếp đi khi còn mang giày và súng ở trong bao da", thiếu tá Zahid nói.

Viên chỉ huy cho biết đã lường trước tới ngày không còn nhận được hỗ trợ hỏa lực không quân từ người Mỹ. Hôm 1/5, Zahid thậm chí không liên lạc với không quân Mỹ. Lúc này, Zahid chỉ muốn tập trung vào các lực lượng không quân Afghanistan mà ông có thể huy động.

My rut quan khoi Afghanistan anh 4

Nhóm sĩ quan Afghanistan làm việc trong căn cứ Kandahar. Ảnh: New York Times.

Dù vậy, viên thiếu tá nói không có ác cảm gì nếu người Mỹ dừng hỗ trợ hỏa lực. Cái khiến Zahid khó chịu là việc lực lượng Mỹ đang phá hủy những phương tiện còn sót lại ở căn cứ mà họ không thể mang theo.

"Lúc này thì đó mới là điều khiến tôi buồn", thiếu tá Zahid nói với vẻ đượm buồn và tuyệt vọng. Lực lượng Mỹ dường như muốn phá hủy những gì có thể bị bán đi, bởi họ lo ngại tình trạng tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ quân đội Afghanistan.

Khoảng 14h, một quả rocket bắn từ bên ngoài vào căn cứ, tạo ra một tiếng nổ đinh tai nhức óc, nhưng không ai thiệt mạng trong vụ tấn công.

Loa phóng thanh căn cứ phát đi thông báo về vụ tấn công, nhưng bởi ở quá xa nguồn phát, từ văn phòng của Zahid không thể nghe rõ phát thanh viên nói gì.

Những vụ tấn công như vậy dường như đã quá quen thuộc, đến mức không ai buồn phản ứng trước vụ bắn rocket, tiếng điện thoại lại vang lên, và mọi người tiếp tục làm việc.

Theo thỏa thuận đạt được năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhất trí với Taliban rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan vào 1/5. Những tuần gần đây, Taliban tuyên bố việc lực lượng Mỹ hiện diện sau thời gian này là vi phạm thỏa thuận.

Quân đội Mỹ đã lường trước sẽ có những vụ tấn công sau ngày 1/5. Trong khi đó, ở Doha, Qatar, các nhà ngoại giao Mỹ đang tìm cách thuyết phục đại diện Taliban rằng quân đội nước này thực tế đang rút đi, và rằng tấn công binh sĩ NATO lúc này là điều "ngu ngốc".

Những gì còn lại

Từ tàu sân bay USS Eisenhower hoạt động trên biển Arab, một tiêm kích F/A-18 cất cánh bay về hướng Afghanistan, theo không lộ có tên "the boulevard" - một tuyến vận chuyển hàng không ở phía tây Pakistan.

Sau khi nhận được lệnh tấn công, chiếc F/A-18 đổ nhào ném quả bom được lắp thiết bị định vị với tổng trị giá 10.000 USD vào địa điểm được cho là nơi lực lượng Taliban phóng rocket vào căn cứ Kandahar. Cuộc tấn công nhằm đáp trả vụ bắn rocket chiều 1/5.

Bên trong trụ sở quân đội Mỹ ở căn cứ Kandahar, hai binh sĩ theo dõi diễn biến vụ không kích trên điện thoại. Họ là một trong số ít lính đặc nhiệm còn sót lại ở Kandahar. Tối đó, vụ không kích phiến quân được đưa vào báo cáo gửi về bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

Cũng như mọi nơi khác của căn cứ, các thiết bị bên trong tòa trụ sở quân Mỹ cũng đã bắt đầu bị tháo rời. Vô tuyến biến mất khỏi tường, máy in được ngắt kết nối nằm ở hành lang, phù hiệu trên bức tường đá cũng bị gỡ xuống.

Dù ngày càng có ít binh sĩ phục vụ, những người còn lại cho biết nguồn tiếp tế nhu yếu phẩm sẽ không bị ảnh hưởng.

Một nhóm binh sĩ Mỹ được giao dỡ hàng tiếp tế từ máy bay vận tải cho biết họ không rõ khi nào sẽ được trở về nhà. Nhiệm vụ của họ là phục vụ ở căn cứ Kandahar, trước khi được đưa tới một cơ sở khác của Mỹ.

My rut quan khoi Afghanistan anh 5

Đạn dược từ Kabul được chuyển tới Kandahar tiếp tế cho lực lượng chính phủ Afghanistan. Ảnh: New York Times.

Khi được hỏi về Maiwand, một quận cách căn cứ Kandahar khoảng 80 km, nơi lực lượng an ninh Afghanistan vật lộn cản bước tiến Taliban, cũng là nơi thiếu tá Zahid đang đau đầu tìm kiếm hỏa lực không quân hỗ trợ, một binh sĩ trong nhóm phản ứng với vẻ ngơ ngác: "Ai là Maiwand vậy?".

Tối đó, loa phóng thanh tại căn cứ vang lên khi một máy bay vận tải chuẩn bị cất cánh. "Chú ý, chuyến đi tiếp theo khởi hành trong 15 phút".

Lúc này, một tràng súng cối lại vang lên. Trong căn cứ, dường như không ai biết địa điểm nào vừa bị tấn công, và có vẻ không nhiều người quan tâm.

Cuộc chiến Afghanistan kết thúc không giống như cách nó bắt đầu. Khởi đầu là chiến dịch lật đổ Afghanistan và tiêu diệt tổ chức khủng bố đứng sau vụ tấn công 11/9/2011, cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ đã biến thành một cam kết công nghiệp quốc phòng hàng tỷ USD.

Số tiền đổ vào cuộc chiến nhiều tới mức, trong một thời gian dài, dường như không ai nghĩ tới khả năng chấm dứt cuộc chiến hay dỡ bỏ các căn cứ ở Afghanistan.

Từ lâu, lực lượng Taliban lặp đi lặp lại câu ngạn ngữ: "Các ông có đồng hồ, nhưng chúng tôi có thời gian". Và đến lúc này, thời gian cuộc chiến đã kéo dài đến mức người Mỹ không muốn tiếp tục chịu đựng.

Tướng Mỹ: Lực lượng Afghanistan có thể đối mặt với ‘kết quả tồi tệ’

Tướng Mark Milley của Mỹ hôm 2/5 nói rằng trong trường hợp xấu nhất, Afghanistan sẽ đối mặt với “kết quả tồi tệ” trong cuộc chiến chống lại Taliban khi Washington rút quân.

Khởi đầu cho kết thúc cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan

Việc rút quân Mỹ và NATO chính thức bắt đầu vào ngày 1/5, với trọng tâm là việc đảm bảo an toàn cho các binh sĩ.

Al Qaeda trỗi dậy

Những diễn biến mới nhất ở Trung Đông cho thấy dấu hiệu sự trở lại của tổ chức khủng bố Al Qaeda sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm