Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khí chất và ma lực đặc biệt của Võ Tắc Thiên

Để Võ Tắc Thiên trở thành “đàn ông” chính là nhờ người đàn ông của bà - Đường Cao Tông Lý Trị. Lý Trị đã phát hiện người đàn bà hơn mình bốn tuổi này có khí chất và ma lực.

Luan Anh Hung anh 1

Tạo hình Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông Lý Trị trong phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ.

Sử liệu chứng minh, Đường Thái Tông Lý Thế Dân luôn không an tâm với Lý Trị - bảo bối của mình. Năm Trinh Quán thứ mười bảy (năm 644). Thái Tông tiếp kiến quần thần ở điện Lưỡng Nghi, đã hỏi trước mặt Lý Trị: Phẩm hạnh của thái tử, thiên hạ đều biết cả chứ?

Trưởng Tôn Vô Kỵ trả lời: Tuy thái tử chưa xuất cung, nhưng người thiên hạ không ai là không ngưỡng vọng thánh đức. Thái Tông lại xúc động nói: Trăm họ đều nghĩ thế này: “Sinh con như sói, còn sợ là dê”, Trị nhi ngay từ bé đã rất khoan hậu! Trưởng Tôn Vô Kỵ lại nói: Bệ hạ kiêu dũng, là vua sáng nghiệp; thái tử nhân từ, đủ đức để giữ. Tính cách của bệ hạ và thái tử có khác nhau, đó chính là trời ban, là phúc của lê dân!

Về mặt lý luận, lời nói của Trưởng Tôn Vô Kỵ là rất hay. Có thể nhanh chóng lấy được thiên hạ, nhưng không thể trị được thiên hạ. Vua mở nước phải là hổ, vua giữ thành có thể là dê. Điều mà Trưởng Tôn Vô Kỵ không nghĩ tới, dê không chỉ có ăn cỏ. Nếu là hoàng đế, cũng ăn thịt người. Lý Thế Dân lo lắng không phải là không có lý. Có điều, Lý Thế Dân cũng không ngờ, Lý Trị không chỉ nhu nhược, mà còn “hiếu nội”, thích nghe lời đàn bà. […]

Lý Trị vừa lên ngôi, đã gặp phải ba vấn đề khó khăn: 1. Làm gì để thoát khỏi ám ảnh của tiên đế. 2. Làm gì để không bị quần thần khống chế. 3. Làm gì để khắc phục những nhược điểm trong tính cách. Lý Trị phải suy nghĩ rất nhiều về ba vấn đề này. Mọi việc làm sau này đều xuất phát từ ba vấn đề trên.

Trong con mắt mọi người, Lý Trị thực may mắn khi nhận được cơ nghiệp từ tay Đường Thái Tông. Trinh Quán yên bình, thành tựu nổi bật, vua nhân thần trung, dân giàu nước mạnh. Lý Thế Dân vị minh chủ anh hùng cái thế, mọi việc đã thiết kế xong, suy nghĩ xong, sắp xếp xong, Lý Trị chỉ còn ngồi mà hưởng. Nhưng, sáng nghiệp khó, giữ nghiệp càng khó. Chỉ riêng Lý Trị mới hiểu được nỗi khổ của mình: Làm tốt là phúc trạch của tiên đế, làm không tốt là mình vô năng.

Phụ hoàng thành công mỹ mãn, Lý Trị không sao thoát khỏi cái bóng của tiên đế. […]

Đúng lúc đó, Thượng đế đã phái Võ Tắc Thiên tới. Lý Trị và Võ Tắc Thiên mới gặp đã đem lòng yêu thương. Lúc hai người dan díu vụng trộm, có thể chỉ là sự rung động nhất thời. Nhưng rất nhanh, Lý Trị đã phát hiện người đàn bà hơn mình bốn tuổi này đúng là có khí chất và ma lực đặc biệt, giá có cầu cũng chẳng được.

Một chàng trai, lòng dạ luôn e ngại lo sợ giống như Lý Trị, rất thích những người đàn bà lớn tuổi hơn, kiểu như mẹ như chị gái; còn những người có khí chất đặc biệt của nam tử hán, lại rất thích người ít tuổi hơn mình, kiểu như con, như em gái. Huống chi Lý Trị còn kinh ngạc phát hiện thấy trên người đàn bà đó có những cái mà mình không có.

Võ Tắc Thiên trầm tĩnh, mưu sâu nghĩ xa, nhạy cảm quyết đoán, tinh lực dồi dào, ngược hẳn với tính cách của mình: Đa sầu đa cảm, nhu nhược tùy tiện, do dự quả đoán. Lý Trị như được cổ vũ rất nhiều từ những phát hiện của mình. Lý Trị quyết tâm chung sống với người đàn bà này, mong có thể giải quyết được những khó khăn trước mắt.

Vì vậy, bằng mọi giá, Lý Trị phải đưa người đàn bà đó lên ngôi hoàng hậu. Đó là điều mà bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ không sao hiểu được. Bởi sức tưởng tượng của họ có giới hạn, không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn là “háo sắc” hoặc “sợ vợ”. Họ càng không hiểu trong lòng vị hoàng đế trẻ tuổi đang suy nghĩ những gì.

Lý Trị kỳ vọng ở Võ Tắc Thiên rất nhiều điều và cũng là những điều Võ Tắc Thiên đang muốn làm.

Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ được, hứng thú chính trị và tài năng chính trị của Võ Tắc Thiên là từ đâu mà có? Khác hẳn với những người đàn bà bình thường khác, Võ Tắc Thiên có tiềm năng và sự nhạy bén trời sinh về mặt chính trị, thêm vào đó là trực giác của người đàn bà, nên khi nói về chính trị, Võ Tắc Thiên như có thêm nanh thêm vuốt so với người chồng Lý Trị.

Võ Tắc Thiên biết việc gì nên làm việc gì chưa nên làm, việc gì cần làm trước, việc gì để lại sau, chính nhờ vào cách làm việc ổn định, có trước có sau, Võ Tắc Thiên đã từng bước lên tới đỉnh cao.

Sau khi là hoàng hậu, ngoài việc cấp bách cần làm là phế trừ thái tử Lý Trung, lập thái tử khác là Lý Hoằng - con đẻ của mình, Võ Tắc Thiên còn phải xây dựng một hệ thống tổ chức của riêng mình.

Võ Tắc Thiên và Lý Trị có chung nhận thức về những việc này, thậm chí Lý Trị còn đau xót hơn Võ Tắc Thiên: Lý Trị đã nếm mùi chống đối mỗi khi các nguyên lão liên hợp lại. Nếu các nguyên lão trọng thần động một tí là liên hợp lại với nhau để chống đối mình, thì ngôi vị hoàng đế của mình còn có ý nghĩa gì? Vì vậy khi Võ Tắc Thiên đề xuất nên trọng thưởng và đề bạt số người ủng hộ mình làm hoàng hậu, Lý Trị không hề suy nghĩ đã đồng ý luôn.

Sự thực thì, Lý Trị cũng rất cảm kích đối với số người này. Còn nhớ rất rõ, lúc Lý Trị đề xuất, cần phế Vương hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên, về cơ bản các triều thần đều nghiêng về một phía. Ngoài số ít người không nói năng gì, đa phần đều đứng về phía bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ và từng người từng người đều phẫn kích, xúc động, tưởng như Lý Trị đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Cứ nghĩ tới chuyện đó là cảm thấy lạnh gáy.

Vậy, giang sơn Đại Đường là của Lý Trị hay của bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ đây? May sao đã có Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ bước ra nói chuyện. Người thứ nhất là Lý Nghĩa Phủ công khai lên tiếng ủng hộ Lý Trị, Hứa Kính Tông đứng giữa triều đường, tạo dư luận giúp Lý Trị.

Điều đó khiến Lý Trị cảm thấy được an ủi rất nhiều, giống như đấu sĩ tác chiến đơn độc gặp được hiệp khách vung gươm hỗ trợ, giống như người độc hành đi trong đêm, tận nơi hoang vu vắng lặng, nhìn thấy một đốm lửa từ xa.

Điều mà con người trân trọng nhất, là sự giúp đỡ khi người ta đang bị cô lập, dù đó là sự giúp đỡ ít ỏi, dù đó là sự giúp đỡ của một thiểu số thấp hèn. Không, chính vì số người giúp đỡ ít ỏi, thấp hèn như vậy, nên sự giúp đỡ đó mới càng được trân trọng.

Trong thâm tâm Lý Trị rất tán thành việc Võ Tắc Thiên trọng thưởng và trọng dụng mấy người đó. Không thưởng cho những người như vậy thì thưởng ai? Không dùng những người như vậy thì dùng ai? Cần phải đề bạt những con người như vậy, để họ đấu tranh với tập đoàn nguyên lão và Trưởng Tôn Vô Kỵ.

Lý Trị suy nghĩ như vậy là rất tự nhiên. Đương nhiên, Lý Trị sẽ không nghĩ rằng: số người này thuộc đội ngũ của mình, hay là người bên Võ Tắc Thiên? Đương nhiên, Lý Trị cũng không nghĩ, họ ủng hộ mình vì chính nghĩa, công lý, nguyên tắc hay vì sự trung thành tuyệt đối trước quân vương, mà họ hoàn toàn vì lợi ích cá nhân, và trước đó, họ đã phải suy nghĩ tính toán dốc túi nhiều, cuối cùng mới quyết định chơi một canh bạc, bạc được đặt trên người Võ Tắc Thiên - một minh tinh chính trị đang lên.

Dịch Trung Thiên / Quảng Văn Books & NXB Văn học

SÁCH HAY