Khi bằng phát minh là vũ khí đe dọa sáng tạo
Thời báo New York vừa đăng tải một bài phân tích sâu sắc về xu hướng đang nổi cộm hiện nay trong làng công nghệ: cạnh tranh bằng bản quyền sở hữu trí tuệ thay vì cạnh tranh qua sản phẩm, dịch vụ.
Những cuộc chiến pháp lý mà nổi bật nhất là chuỗi kiện tụng kéo dài giữa hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Apple và Samsung, HTC và Motorola, hay giữa Oracle và Google đang đe dọa sự phát triển của những phát kiến khoa học, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành CNTT hiện nay.
Câu chuyện đằng sau "phụ tá ảo" Apple Siri
Trong vòng hơn 30 năm, một nhà lập trình người Mỹ Michael Phillips tập trung chủ yếu vào việc phát triển phần mềm giúp máy tính hiểu được tiếng nói con người (nhận diện giọng nói). Năm 2006, ông cùng vài người khác đồng sáng lập một công ty kinh doanh phần mềm nhận diện giọng nói, để rồi sau đó các lãnh đạo cấp cao ở Apple, Google và nhiều công ty khác lần lượt tuyên bố hợp tác với Phillips.
Các mô hình iPhone khổng lồ tại Triển lãm Los Angeles County Fair, trên “màn hình” là một số bằng phát minh Apple nắm giữ |
Theo tờ New York Times, công nghệ do ông Michael phát triển đã được tích hợp vào "phụ tá ảo" Siri, trước cả khi ứng dụng này được chính thức cài đặt cho dòng điện thoại iPhone 4S và hệ điều hành iOS 5.
Thế nhưng đến năm 2008, công ty của Phillips khi đó là Vlingo bỗng nhận được tối hậu thư từ một công ty nhận dạng giọng nói khác có quy mô lớn hơn nhiều là Nuance. “Hoặc ông Phillips đồng ý bán lại doanh nghiệp cho Nuance, hoặc chấp nhận bị đưa ra tòa vì Nuance sở hữu nhiều bằng phát minh trong lĩnh vực nhận diện giọng nói hơn”, ông Ricci, giám đốc điều hành Nuance, tuyên bố.
Sau khi ông Phillips chọn phương án sau cùng, cả hai đối tác lớn Apple và Google đã ngừng trả lời các cuộc điện thoại từ ông. Apple nhanh chóng từ bỏ hợp tác với Vlingo để chuyển sang Nuance và hàng triệu đô la ông Phillips định dành cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm đã phải chi cho việc thuê luật sư và thanh toán án phí.
Kết quả ông Phillips phải đồng ý bán lại Vlingo cho Nuance vào tháng 12/2011. “Chúng tôi đang đứng trước ngưỡng cửa tạo ra một cuộc cách mạng trong công nghệ thì vướng phải vụ kiện tụng bế tắc này”, ông Phillips ngậm ngùi. Ông Phillips và Vlingo chỉ là một trong số hàng ngàn giám đốc điều hành và công ty công nghệ bị mắc kẹt trong một hệ thống pháp lý được xem là tồn tại quá nhiều lỗ hổng, dẫn đến việc cản đường tiến của sự cách tân trong công nghệ.
Chiến trường dành cho các "ông lớn"
Richard A.Posner, thẩm phán liên bang, phát biểu: “Tiêu chuẩn xét duyệt và cấp phát bằng phát minh quá lỏng lẻo và điều này đang gây ra cảnh hỗn loạn". |
Như vậy, suốt hai thập kỷ qua đến tận thời điểm hiện tại, thị trường công nghệ vốn dĩ phải là nơi để thúc đẩy tiến bộ công nghệ cho thế giới đang dần chuyển mình thành chiến trường của các doanh nghiệp và tập đoàn, với thứ vũ khí hủy diệt duy nhất: bản quyền phát minh.
Một doanh nghiệp nhỏ như Vlingo phải chịu cảnh “cá bé bị cá lớn nuốt” đã đành, nhưng ngay cả các ông lớn cũng ngày đêm tìm cách dùng bản quyền sở hữu trí tuệ để triệt hạ lẫn nhau, tiêu biểu là cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Samsung.
Nếu chỉ tính riêng thị trường smartphone trong hai năm gần đây, các chuyên gia phân tích thuộc Đại học Stanford (Mỹ) nhận định đã có khoảng 20 tỉ đô la tiêu tốn cho kiện tụng và thâu tóm bản quyền phát minh, số tiền này tương đương chi phí tám phi vụ gửi tàu tự hành lên sao Hỏa.
Nhiều người tin rằng đạo luật về bản quyền của nước Mỹ giờ đây đã không thể bắt nhịp kịp với thị trường dành cho sản phẩm kỹ thuật số. Không giống như bằng phát minh cấp cho các công thức dược trong ngành y, bằng phát minh cấp cho một phần mềm chủ yếu xoay quanh quyền làm chủ đối với “khái niệm” tạo nên phần mềm đó, thay vì thứ hữu hình là bản thân phần mềm.
Như một hệ quả tất yếu, các bằng phát minh giờ đây có nội dung dàn trải quá rộng lớn, đến nỗi nó cho phép chủ nhân có quyền được đâm đơn kiện đối với bất cứ sản phẩm hoặc công nghệ nào có một hoặc nhiều hơn các tính năng “có vẻ” tương đồng. Đã có nhiều công ty bỗng bị kiện vì “can tội” vi phạm một hoặc nhiều bằng phát minh mà họ thậm chí không biết có trên đời, hoặc không dám “mơ” là công nghệ của họ lại có được hưởng “vinh hạnh” vi phạm bằng phát minh đó. Tất cả vụ kiện tụng kiểu này thường dẫn đến một hậu quả duy nhất: án phí cuối cùng lại được tính vào giá thành sản phẩm, khiến người tiêu dùng thiệt thòi hơn cả về hầu bao lẫn lựa chọn sản phẩm.
“Cùng một ứng dụng phần mềm có thể có đến hàng trăm cách khác nhau để viết nên nó”, ông James Bessen, một chuyên gia pháp lý thuộc Đại học Harvard (Mỹ) nhận định. “Do đó, một bằng phát minh cho một ứng dụng nhất định thường cố gom càng nhiều khía cạnh tiềm năng của một công nghệ chưa ra đời càng tốt. Và khi một bằng phát minh kiểu này được chấp thuận, chủ sở hữu rất dễ dùng nó làm vũ khí kiện người khác tội ăn cắp ý tưởng”, ông cho biết tiếp. Số lượng các bằng phát minh, bao gồm mọi lĩnh vực, được cấp phát hằng năm tại Hoa Kỳ đã tăng hơn 50 % trong vòng 10 năm qua đã đạt mức 540.000 trong năm 2011. Theo Hãng phân tích thị trường M-CAM, Google đã nhận được 2.700 bằng phát minh kể từ năm 2000, con số này đối với Microsoft là 21.000.
Lối thoát nào cho ngành công nghệ?
Văn phòng Thương hiệu và bằng phát minh Hoa Kỳ. Theo tờ Thời báo New York, cơ quan này đang chịu cảnh thiếu hụt cán bộ và thường xuyên chịu cảnh thay đổi trong bộ máy nhân sự. |
Nhiều chuyên gia pháp lý đã bày tỏ sự lo ngại rằng “kho” bản quyền phát minh khổng lồ của Apple, vốn dàn trải rất nhiều nội dung cả trong lẫn ngoài lĩnh vực công nghệ, sẽ khiến công ty này có tư cách tuyên bố quyền sở hữu với những công nghệ vốn dĩ là thành quả nghiên cứu và phát triển độc lập của nhiều công ty nhỏ hơn suốt bảy năm qua. “Apple hoàn toàn có tiềm năng bóp nghẹt toàn bộ công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh” - Tim O’Reilly, chuyên gia phê bình lĩnh vực bản quyền phần mềm và tác giả của nhiều cẩm nang tin học, phát biểu.
Song nhiều người khác không tin như vậy và tỏ ra lạc quan hơn. “Tài sản sở hữu trí tuệ cũng là một loại tài sản giống như nhà cửa vậy, do đó chủ nhân hoàn toàn được quyền hưởng sự bảo vệ. Bộ luật về bản quyền (của nước Mỹ) đang rất ổn và trở nên hoàn thiện hơn. Nếu một người sở hữu một bằng phát minh bị cho là không công bằng cũng không sao cả. Bạn có quyền đến tòa để yêu cầu thẩm định lại tính pháp lý của bằng phát minh đó. Suy cho cùng, một bộ luật được hoàn thiện và chỉnh sửa mỗi ngày vẫn tốt hơn chẳng có luật mà dùng”, giảng viên môn luật tại Đại học Illinois (Mỹ), Jay P.Kesan phát biểu.
Theo Vietnamnet