Chiều 9/3, UBND TP phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Kinh tế Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển TP tổ chức Hội thảo “Các vấn đề phát triển TP.HCM cơ chế - chính sách đột phá”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện đề án "Cơ chế chính sách đột phá để TP.HCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước theo Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị".
Chưa phát huy tiềm năng sẵn có
Mở đầu Hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho biết TP.HCM là một siêu đô thị, đầu tàu của cả nước dẫn dắt cả nền kinh tế đất nước phát triển nhưng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế vốn có của mình. Nhiều khó khăn, vướng mắc cản trở “trói buộc và làm “tắc nghẽn” sự phát triển của TP.HCM.
Theo Bí thư Đinh La Thăng, TP.HCM cần phát triển trong tổng thể liên kết vùng, TP không thể phát triển một mình. Ảnh: Phước Tuần. |
Nhìn ở góc độ xây dựng, quy hoạch đô thị, TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, vấn đề giao thông của TP còn quá nhiều vấn đề, TP có mở đường đến bao nhiêu thì việc kẹt xe, tắc đường vẫn xảy ra.
Ông Chính đề xuất: “Để làm nổi bật biểu tượng của 'Hòn ngọc Viễn Đông', TP cần có ý tưởng quy hoạch các trung tâm nổi bật như đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi, khu trung tâm Thủ Thiêm và các khu du lịch nổi tiếng như không gian bán đảo Thanh Đa, cảnh quan du lịch dọc sông Sài Gòn.
Để tạo sự phát triển, theo PGS.TS Võ Trí Hảo (ĐH Kinh tế ĐH TP.HCM), TP có thể xem xét hợp nhất một số đầu mối ở quận huyện mà Quảng Ninh đã làm, ví dụ như hợp nhất phòng nội vụ và ban tổ chức.
Nếu hợp nhất một số đầu mối ở quận huyện này thì TP sẽ tiết kiệm một năm tới 3.000 tỷ đồng từ biên chế và chi phí nuôi bộ máy. Quan trọng hơn việc hợp nhất này cũng sẽ giảm bớt quy trình thủ tục thời gian. Việc hợp nhất này rất khả thi và không động chạm tới quyền lợi ở T.Ư.
Không thể phát triển một mình
Đề cập đến yếu tố thúc đẩy sự phát triển, nhiều đại biểu nhấn mạnh TP cần đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐH Quốc gia TP.HCM) lo lắng về quy mô dân số đô thị và cảnh báo TP cần có cách kiểm soát, điều tiết tăng dân số, vì với tốc độ tăng dân số hiện nay, đến năm 2030 TP sẽ có hơn 15 triệu dân.
“Mọi người ca ngợi TP là nơi dễ sống 'đất lành chim đậu' nhưng 'chim' về nhiều quá mà đất thì không nở ra, lấy gì mà sống chứ đừng nói đến phát triển”, ông Hòa trăn trở.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa góp ý trong hội nghị chiều 9/3. Ảnh: Phước Tuần. |
Cũng theo ông Hòa, cư dân thông minh, năng động và có đẳng cấp thì sẽ thay đổi được mọi vấn đề. Về đội ngũ cán bộ công chức TP, ông Hòa đánh giá là không giỏi, thiếu chuyên nghiệp. Hiện TP thiếu những nhóm tham mưu giỏi, chuyên sâu cho lãnh đạo; ít đội ngũ doanh nhân có tầm quốc tế.
Từ phân tích đó, ông Hòa cho rằng TP cần chú trọng nâng cao chất lượng dân số để làm tiền đề cho sự bứt phá nhanh.
Theo Bí thư Đinh La Thăng, TP xây dựng đề án phát triển trong bối cảnh đất nước đang tái cơ cấu mạnh mẽ và sự tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Do đó, đề án phải nằm trong tổng thể liên kết vùng. TP.HCM không thể phát triển một mình.
Ông Thăng chia sẻ thêm mọi người hay ví dụ Bắc Cạn thu ngân sách 500 tỉ đồng một năm, trong khi TP.HCM một ngày thu khoảng 1.000 tỉ đồng. Nhưng chúng ta phải hiểu Bắc Cạn phần lớn là rừng. Mỗi địa phương có một đặc điểm riêng. Nếu so sánh như vậy thì ai giữ rừng, giữ biển cho ta. Mỗi địa phương có nhiệm vụ riêng và nhiệm vụ đó không thể nói bằng tiền.
“Nghị quyết 16 ra đời 5 năm rồi nhưng TP.HCM chưa làm được gì. Chúng ta nhìn xa mãi thì bao giờ thực hiện được; cùng với tầm nhìn xa phải nhìn gần, phải có đề xuất hết sức cụ thể, thiết thực để triển khai được ngay”, Bí thư Thành ủy nói.