Thay vì đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất, dòng vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam những năm gần đây đang chuyển hướng sang nhiều lĩnh vực mới.
Sự kiện Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua, nhiều thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá gần 4 tỷ USD đã được ký kết ở nhiều lĩnh vực. Riêng về kinh tế, bên cạnh khoản đầu tư vào sản xuất công nghiệp truyền thống, AEON - ông lớn trong ngành bán lẻ của Nhật - đã ký kết bản ghi nhớ đầu tư dự án Trung tâm Thương mại AEON Mall tại TP.HCM trị giá gần 250 triệu USD. AEON là một trong những đơn vị dẫn đầu về đầu tư bán lẻ tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Zing đã có cuộc trao đổi với đại diện 2 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam là ông Katsuyuki Uesaka, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Hãng hàng không All Nippon Airways (ANA); ông Kanayama Jun, Trưởng văn phòng đại diện của Tập đoàn Mitani Sangyo (Aureole Group) và ông Takahisa Onose, Phó tổng giám đốc, Dịch vụ Doanh nghiệp Nhật Bản, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) với góc nhìn về những điểm mới trong dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật.
Các chuyên gia đánh giá “khẩu vị” của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang ngày một đa dạng.
Không giống như những doanh nghiệp đầu tư vào nhóm ngành sản xuất công nghiệp lâu năm, những năm gần đây, thị trường đã đón nhận rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản mới ở các lĩnh vực về bán lẻ, bất động sản...
Tháng 12/2019, thương hiệu thời trang nổi tiếng Uniqlo đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại trung tâm quận 1, TP.HCM và nhanh chóng mở rộng 3 chi nhánh mới ở cả Hà Nội và TP.HCM trong năm 2020.
Trong tuần này, ngày 26/11, thương hiệu đồ gia dụng và đời sống nổi tiếng MUJI đến từ Nhật Bản cũng chọn đúng vị trí mở cửa hàng đầu tiên của Uniqlo (TTTM Parkson) để khai trương cửa hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là cửa hàng đầu tiên của MUJI tại Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp này cho biết đang cân nhắc việc mở thêm một chi nhánh tại Hà Nội trong tương lai.
Trong khi đó, nhà phát triển bất động sản Nomura Real Estate đã có 2 thương vụ M&A lớn trong năm nay tại 2 đại dự án là Vinhomes Grand Park ở TP.HCM và Ecopark ở khu vực phía Bắc.
Bình luận về xu hướng này, ông Takahisa cho biết trong 3 năm trở lại đây, các lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đã đa dạng hơn. Trước đây, đến Việt Nam chủ yếu là các công ty gia công xuất khẩu nhưng hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng nội địa như bán lẻ và bất động sản cũng tăng lên. Ông cho rằng đây là một bước chuyển dịch lớn từ sản xuất công nghiệp sang tiêu dùng, bán lẻ của các nhà đầu tư Nhật.
“Đơn cử ở ngành bán lẻ, thị trường Nhật Bản dần trở nên bão hòa, vì vậy, các nhà bán lẻ Nhật đang tìm kiếm những thị trường mới. Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng trong khu vực. Nhiều công ty Nhật đã đầu tư vào Thái Lan, Singapore, Indonesia nhưng Việt Nam vẫn là một thị trường mới mẻ. Vừa qua, Uniqlo đã gia nhập thị trường và mở rộng một cách nhanh chóng. Hiện vẫn còn rất nhiều thương hiệu khác đang cân nhắc tiến vào Việt Nam”, ông Takahisa nói.
Bên cạnh đó, dù giá chi phí đầu vào và chi phí lao động ở Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây, vẫn ở mức thấp so với Nhật Bản. Đội ngũ lao động cũng được đánh giá là cần cù và có năng suất lao động cao.
“Với những lợi thế nổi bật đó, nhiều công ty Nhật hoạt động trong các ngành nghề có tổng chi phí lao động lớn như công nghệ thông tin, bán lẻ cũng đang phát triển hơn và dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam", ông nói thêm.
Sự kiện tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài sau khi nhậm chức đã tạo nên phản ứng rất tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang và có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Ông Kanayama Jun, đại diện Aureole Group - tập đoàn đa ngành với gần 26 năm đầu tư và phát triển tại Việt Nam - chia sẻ bản thân Aureole cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất và phi sản xuất của Nhật đang đặt nhiều kỳ vọng hơn vào thị trường Việt Nam.
“Một trong những lý do dẫn đến quan điểm này là Việt Nam được lựa chọn làm điểm đến ở nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Suga Yoshihide. Điều này đã khiến chúng tôi, những công ty đang đầu tư vào Việt Nam cảm thấy rất an tâm và tin cậy. Chúng tôi tin rằng tiềm năng của thị trường Việt Nam sẽ được mở rộng trong tương lai”, ông Kanayama Jun nói.
Bình luận về tầm quan trọng của chuyến thăm diễn ra giữa tháng 10, ông Takahisa Onose đánh giá việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ông đến thăm sau khi nhậm chức đã thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản.
“Cá nhân tôi cảm nhận sâu sắc Nhật Bản và Việt Nam luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á,” đại diện EY Việt Nam chia sẻ.
Với vai trò tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam về vấn đề thuế, kiểm toán, rủi ro kinh doanh và chiến lược tại EY Việt Nam, ông Takahisa Onose đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tiên được các doanh nghiệp Nhật cân nhắc trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
“Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt nhất dịch Covid-19 và có tỷ lệ tăng trưởng GDP dương hiếm hoi trong khu vực. Nền kinh tế gần 100 triệu dân này đã và đang trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất đối với các công ty Nhật Bản”, ông Takahisa nói.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh dưới góc độ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19, ông Katsuyuki Uesaka, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Hãng hàng không ANA chia sẻ doanh nghiệp của ông hiện nay chỉ khai thác 7 chuyến bay từ Việt Nam đến Nhật Bản mỗi tuần và chưa được phép khai thác chiều Nhật Bản - Việt Nam.
Ông Katsuyuki Uesaka cho biết, năm 2001, ANA bắt đầu khai thác đường bay giữa TP.HCM và Tokyo với tần suất 2 chuyến 1 tuần. Đến năm 2010, ANA tăng chặng bay này lên 1 chuyến/ngày và từ năm 2016 là 2 chuyến/ngày. Hiện nay, đáng tiếc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp buộc phải giảm số lượng các chuyến bay khai thác. Tuy nhiên, trong tương lai, ANA sẽ quay lại với quy mô như trước khi dịch bệnh xảy ra và trong dài hạn, doanh nghiệp này mong muốn có thể tăng thêm số lượng chuyến ở một số chặng bay nhất định.
“Chúng tôi luôn đánh giá nhu cầu đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản ở các nhóm hành khách như chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, du học sinh, thực tập sinh trong nhiều lĩnh vực là rất lớn. Bên cạnh đó, thị trường hành khách Việt đi Mỹ và quá cảnh ở Nhật cũng rất hấp dẫn”, ông Uesaka chia sẻ.
Ông Takahisa nhận thấy một xu hướng khá nổi bật về sự chuyển dịch dòng vốn FDI Nhật Bản. Nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ, nhiều doanh nghiệp lớn tại Nhật đang cân nhắc dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần chuỗi cung ứng của họ tới Việt Nam. Điều này sẽ là lực đẩy khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản (SMEs) nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn dịch chuyển theo.
“Tại EY Việt Nam, chúng tôi đang quảng bá để các SMEs đến Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ. Đây cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Takahisa Onose chia sẻ.
So sánh với Thái Lan, ông Takahisa Onose đánh giá, quốc gia này có ngành công nghiệp phụ trợ khá phát triển, nên doanh nghiệp FDI có thể sử dụng phần lớn các thiết bị được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các công ty sản xuất ở Việt Nam hiện phải nhập khẩu phần lớn thiết bị, nguyên liệu từ nước ngoài khiến giá thành sản xuất tăng cao.
Chính vì vậy, EY Việt Nam đang cố gắng song hành, đóng góp thêm vào nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Cùng lúc, Chính phủ Nhật Bản cũng đang có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật tăng sức chống chịu của chuỗi cung ứng theo cách họ hoạch định.
Đánh giá về Việt Nam dưới góc độ của một đơn vị có hệ thống nhà máy tại nhiều tỉnh thành, ông Kanayama Jun cho rằng các công ty Nhật Bản đang coi Việt Nam là một “Trung Quốc thứ hai” với nhiều lý do.
“Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực chấp nhận các nguồn đầu tư từ nước ngoài. Việt Nam cũng đảm bảo được nguồn nhân lực trẻ đông đảo và ưu tú, trong khi chi phí lao động và các bất ổn tại Trung Quốc đang ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia láng giềng của Trung Quốc nên việc dịch chuyển đầu tư cũng dễ dàng hơn các nước khác. Một điều quan trọng nữa là Việt Nam và Nhật Bản từ lâu đã duy trì được mối quan hệ thân hữu tốt đẹp”, ông Kanayama Jun bình luận.
Bên cạnh những thuận lợi sẵn có, các doanh nghiệp Nhật vẫn gặp một số khó khăn khi đầu tư tại Việt Nam như chi phí nhân công không có nhiều khác biệt, sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, hệ thống luật pháp đang trong quá trình hoàn thiện nên còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại EY Việt Nam, ông Takahisa Onose nhận xét có một số quy định về thuế vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhiều điểm chưa rõ ràng và phụ thuộc vào sự diễn giải của cơ quan thuế.
“Việc sửa đổi chi tiết trong các quy định dưới luật và nghị định diễn ra khá thường xuyên. Điều này khiến doanh nghiệp khó nắm bắt quy định thuế mới nhất khiến việc thực hiện nghĩa vụ thuế trở nên khó khăn. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần chú ý đến quy định thuế về xác định giá giao dịch thị trường và thuế xuất nhập khẩu,” đại diện EY Việt Nam cho biết.
Vấn đề cơ sở hạ tầng cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Ông Katsuyuki Uesaka, Giám đốc ANA TP.HCM chia sẻ có nhiều kỳ vọng với dự án sân bay quốc tế Long Thành.
“Trong tương lai, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, chúng tôi kỳ vọng tăng lượng chuyến bay ở những khung giờ tốt, cùng với các cơ sở vật chất mới nhằm mang đến những dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng”, ông Katsuyuki Uesaka nói.
Đại diện Tập đoàn Mitani Sangyo cũng hy vọng Việt Nam sẽ có những động thái nhanh hơn để phát triển cơ sở hạ tầng.
“So với các quốc gia ASEAN, sự chậm trễ trong phát triển hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam là tình trạng có thể nhìn thấy rõ. Để Việt Nam tiếp tục phát triển và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, điều Chính phủ cần là phát triển nhiều dự án hạ tầng khác nhau như khu công nghiệp, sân bay và trước hết là giao thông công cộng”, ông phân tích.
Ông Kanayama Jun cũng hy vọng Việt Nam có thể hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản thông qua việc đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đối với các kỹ sư chuyên môn hóa mà còn cả nguồn nhân công làm việc trong các nhà máy.