Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khẩu trang trở lại ở Mỹ giữa tranh cãi

Hàng loạt chuyên gia y tế kêu gọi chính quyền Mỹ tái áp dụng quy định yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong bối cảnh biến chủng Delta đang ngày càng lan rộng.

Tranh cai lien quan den quy dinh deo khau trang o My anh 1

Chỉ hai tháng sau khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tuyên bố những người đã được tiêm vaccine đầy đủ sẽ không cần phải thực hiện quy định đeo khẩu trang, ngày càng nhiều chuyên gia y tế đã yêu cầu chính quyền Mỹ tái áp dụng quy định trên.

Khu vực đầu tiên thực hiện việc này là hạt Los Angeles, nơi những nguy cơ từ biến chủng Delta đã buộc các quan chức y tế phải tái áp dụng quy định đeo khẩu trang đối với cư dân. Không lâu sau đó, vào hôm 17/6, các quan chức y tế khu vực vịnh San Francisco cũng khuyến cáo người dân sống tại 7 hạt của bang California và thành phố Berkley nên đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà.

Tranh cai lien quan den quy dinh deo khau trang o My anh 2

Bang California là một trong những điểm nóng của đại dịch Covid-19 tại Mỹ. Ảnh: Los Angeles Times.

Không chỉ tại California, các quan chức y tế tại các bang Arkansas và Missouri, những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp và đã ghi nhận số lượng ca nhiễm gia tăng trong thời gian gần đây, cũng đang xem xét việc tái áp dụng các quy định về khẩu trang.

"Đeo khẩu trang tại những địa điểm trong nhà là cách chúng ta bảo vệ cộng đồng trong khi chúng ta thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Việc thực hiện quy định khẩu trang sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động bình thường", bà Barbara Ferrer, giám đốc Sở Y tế Công cộng của hạt Los Angeles, nơi vừa tái áp dụng quy định đeo khẩu trang cho biết.

Bà Ferrer cũng cho biết việc tái áp dụng quy định về khẩu trang đến xuất phát từ tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta tại Mỹ.

Trên bình diện toàn quốc, các tổng y sĩ Mỹ trong quá khứ và hiện tại của Mỹ đã cảnh báo người dân nước này nên chuẩn bị cho việc tái áp dụng quy định về đeo khẩu trang trên toàn quốc.

Ông Jerome Adams, nguyên tổng y sĩ dưới thời cựu Tổng thống Trump trong một cuộc phỏng vấn vào hôm 18/7, đã cảnh báo về tình trạng số lượng các ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng trở lại tại Mỹ trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại khu vực trung tâm nước Mỹ. Ông Adams đã kiến nghị CDC tái khởi động quá trình kiểm soát đại dịch trên toàn quốc.

Đại dịch tái bùng phát

Nước Mỹ tưởng chừng đã kiểm soát được đà lây lan của đại dịch Covid-19 với chiến dịch tiêm vaccine được đẩy mạnh của Tổng thống Joe Biden, giờ đây lại phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới. Theo Washington Post, vào hôm 19/7, Mỹ đã ghi nhận hơn 35.000 trường hợp mắc Covid-19, tăng gần 3 lần so với 12.000 ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 19/6.

Tranh cai lien quan den quy dinh deo khau trang o My anh 3

Số lượng các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: Los Angeles Times.

Theo bà Rochelle Walensky, giám đốc CDC Mỹ, đại dịch Covid-19 tại nước này đang trở thành căn bệnh của những người chưa được tiêm vaccine. Theo bác sĩ Walensky, 97% các trường hợp nhập viện và 99,5% những người qua đời do Covid-19 tại Mỹ hiện tại là những trường hợp chưa được tiêm vaccine.

Các chuyên gia về quá trình lây nhiễm của virus corona đã nhận định rằng việc đeo khẩu trang vẫn là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của hàng chục triệu người chưa được tiêm vaccine. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những người đã được tiêm vaccine cũng không được bảo vệ hoàn toàn khỏi dịch bệnh khi đã có một số trường hợp những người được tiêm vaccine đầy đủ nhưng vẫn nhiễm bệnh.

"Sự bảo vệ tốt nhất mà mọi người có chính là đeo khẩu trang. Trong tình hình biến chủng Delta đang ngày càng lây lan, tôi chắc chắn sẽ đeo khẩu trang khi đi ra ngoài tại những nơi đông người", bà Kimberly Prather, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở thành phố San Diego cho biết.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các biện pháp chống dịch mới của chính quyền Mỹ nếu được áp dụng cũng sẽ khó đạt được thành công như trước do tâm lý của người dân đã thay đổi.

"Tôi nghĩ nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng sau khi họ đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Việc tái áp dụng các biện pháp chống dịch này sẽ được coi như một bước lùi vậy", ông Marcus Plescia, người phụ trách mảng y tế tại Liên hiệp các Quan chức sức khỏe bang và vùng lãnh thổ cho biết.

Bản thân ông Plescia cho biết mùng ủng hộ việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch.

Tranh cãi xung quanh quy định về khẩu trang

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi hai công ty thu thập dữ liệu Axio và Ipsos, chỉ 55% những người được hỏi cho biết họ vẫn đang sử dụng khẩu trang tại những nơi công cộng, thấp hơn đáng kể so với số liệu từ cuộc khảo sát vào tháng 2 khi gần 90% người được hỏi cho biết họ vẫn đeo khẩu trang khi ra đường.

Nhiều quan chức y tế tại Mỹ lo ngại rằng những biện pháp chống dịch của chính quyền sẽ rất khó thực thi vào thời điểm này.

Nguyên Uỷ viên Y tế bang Louisiana Rebekah Gee vào hôm 19/7 cho biết nhiều người dân Mỹ giờ đây đã không còn quan tâm tới những lời kêu gọi của các quan chức y tế nước này và tự có các biện pháp phòng dịch của riêng mình. "Tôi không nghĩ việc yêu cầu đeo khẩu trang khi đi tới bất cứ nơi đâu sẽ đạt được hiệu quả", bà Gee cho biết.

Tranh cai lien quan den quy dinh deo khau trang o My anh 4

Sau thời gian dài chống dịch, người Mỹ đã không còn hứng thú với việc đeo khẩu trang. Ảnh: CNN.

Không những dừng tuân thủ các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, người dân Mỹ cũng đã không còn hứng thú với việc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Khi nhân thấy tốc độ tiêm vaccine tại Mỹ bắt đầu chậm lại, CDC đã ra thông báo vào hôm 13/5 cho phép những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine không cần phải đeo khẩu trang tại phần lớn các khu vực nhằm cải thiện tiến độ tiêm chủng ở nước này. Tuy vậy, quyết định trên của CDC đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Theo một khảo sát của Quỹ Gia đình Fraser sau khi quyết định này của CDC, 85% những người được hỏi cho biết thông báo của CDC không có ảnh hưởng tới quyết định tiêm vaccine của họ.

Theo Washington Post, tốc độ của chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây với chỉ khoảng 550.000 người được tiêm vaccine mỗi ngày so với mức 2 triệu người vào giữa tháng 5. Theo đó, Tổng thống Biden đã không thể thực hiện được mục tiêu đảm bảo 70% dân số Mỹ được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước ngày 4/7.

Tranh cai lien quan den quy dinh deo khau trang o My anh 5

Bất chấp các biện pháp của chính phủ, tốc độ tiêm vaccine của Mỹ trong thời gian gần đây vẫn đang giảm mạnh. Ảnh: UPMC.

Tổng y sĩ Mỹ Vivek H. Murthy cho biết chính phủ liên bang ủng hộ quy định đeo khẩu trang được chính quyền địa phương áp dụng tại những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.

Nhiều chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa cũng đã phản đối việc tái áp đặt các biện pháp chống dịch tại Mỹ. Trong một thông báo trên mạng xã hội Twitter, Cảnh sát trưởng hạt Los Angeles cho biết ông này sẽ không thực thi quy định đeo khẩu trang được chính quyền đưa ra.

"Tại một đất nước tự do, mỗi người có đủ sự thông minh để tự đánh giá mối nguy đối với sức khỏe của bản thân và thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang", Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul thuộc đảng Cộng hòa cho biết.

Một vài ngày trước, Thượng nghị sĩ Paul cũng đã trình một dự luật cấm các quy định đeo khẩu trang trên máy bay và trong các phương tiện công cộng lên Quốc hội Mỹ.

Tranh cai lien quan den quy dinh deo khau trang o My anh 6

Thượng nghị sĩ Rand Paul thuộc đảng Cộng hòa. Ảnh: AP.

Trong khi những tranh cãi liên quan đến việc tái áp đặt quy định đeo khẩu trang vẫn đang tiếp diễn tại chính trường nước Mỹ, các hoạt động mở cửa của nước này vẫn được tiến hành một cách bình thường.

Vào hôm 18/7, Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) cho biết cơ quan này đã ghi nhận hơn 2,2 triệu người di chuyển qua các chốt kiểm soát của mình. Đây là con số lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ đã đổ đến các rạp chiếu phim và các cơ sở ăn uống giải trí trong những ngày gần đây.

Trong loạt trận chung kết của Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) diễn ra những ngày gần, khán giả có thể bắt gặp hình ảnh hàng chục nghìn người hâm mộ đến cổ vũ mà không hề có các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang.

"Mỗi lần tôi nhìn thấy hình ảnh đó nó làm tôi cảm thấy lo lắng. Bạn không thể chỉ dựa vào ý thức của mỗi người trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh", bác sĩ Shad Marvasti, giám đốc Chương trình Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống dịch bệnh tại Đại học Y bang Arizona tại thành phố Pheonix, cho biết.

Bệnh nhân Covid-19 giành giật sự sống trong bệnh viện ở Sydney Đây là lần đầu tiên các máy quay được phép hoạt động trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện St Vincent's, ở khu vực nội thành Darlinghurst, Sydney.

Covid-19 trỗi dậy trên khắp nước Mỹ

Với tỷ lệ ca bệnh mới và tỷ lệ tử vong đều tăng, làn sóng Covid-19 mới ở Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về khả năng đại dịch tái bùng phát trên diện rộng.

Những người Mỹ đã tiêm vaccine bắt đầu được tháo khẩu trang

Hơn nửa số bang ở Mỹ đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

An Bình

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm