Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khẩu trang có làm chúng ta 'xa mặt cách lòng'?

Teele Rebane than phiền đã nhiều ngày cô không thấy được khuôn mặt người, nhưng một số chuyên gia cho rằng khẩu trang là biểu hiện của sự đoàn kết trong những ngày dịch bệnh.

“Hàng trăm cặp mắt, nhưng không một cái mũi, cái môi, cặp má nào”, cô mô tả trong một bài viết trên South China Morning Post. Chỉ thi thoảng, mũi của một ai đó lộ ra, thường là người đi làm ngủ gật trên tàu, hay một đứa trẻ đeo sai mà cha mẹ chưa phát hiện ra.

“10 giờ mỗi ngày, tôi dường như vô danh, không có biểu cảm, chỉ là một cặp mắt đằng sau màu xanh của chiếc khẩu trang”, Rebane viết.

Hong Kong đã ghi nhận tới 57 ca nhiễm virus corona, đứng thứ tư trong xếp hạng các vùng lãnh thổ của Worldometers, sau Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Singapore. Người dân Hong Kong đã đổ xô đi mua khẩu trang, xếp thành hàng dài. Tâm lý của con người ảnh hưởng ra sao khi nhiều ngày ra ngoài mà không thấy một nụ cười, chỉ có một biển khẩu trang màu xanh - trắng như vậy?

khau trang virus corona anh 1

Các nhà máy tăng công suất làm khẩu trang do nhu cầu tăng vọt. Ảnh: AFP.

Cảm giác xa cách giữa biển khẩu trang?

Một số nghiên cứu cho thấy con người thường có cảm xúc vui mừng khi nhìn vào nửa dưới của khuôn mặt, và thường có cảm xúc tiêu cực từ nửa trên.

Tương tự, Teele Rebane cảm thấy dường như xung quanh đều là những cảm xúc tiêu cực. Chưa kể đến nỗi lo thiếu hụt hàng hóa, dù có thể chỉ là tin đồn, cùng các bản tin hoang mang về dịch bệnh “dội xuống như mưa”. “Tệ nhất là không còn cảm nhận về con người nữa”, cô viết.

Tin tức tiêu cực về dịch bệnh bao gồm những vụ tranh giành giấy vệ sinh ở Hong Kong, chặn xe cướp khẩu trang, cách ly khu chung cư ở Hong Kong, nạn bài ngoài, kỳ thị người châu Á trên thế giới.

Rõ ràng, người tranh giành hàng hóa chỉ coi nạn nhân là một “đối thủ” đằng sau chiếc khẩu trang, chứ không coi họ là một con người cần tôn trọng, Rebane lập luận.

Cô kể với bạn trai một bài nhạc chế về dịch bệnh. Nhưng bạn trai cô đeo khẩu trang, và ánh sáng trên xe buýt khá mờ, cô không biết bạn trai cô có cười hay không. Đó là “cảm giác hoàn toàn xa cách”, ở giữa Hong Kong, nơi nhiều thanh niên vốn cả ngày đã khép mình trong những căn hộ nhỏ hẹp hay trước máy tính cơ quan.

khau trang virus corona anh 2

Người Hong Kong đeo khẩu trang trong dịch SARS năm 2002-2003. Ảnh: Getty Images.


Hay biểu tượng của tiến bộ y học?

Những “biển khẩu trang” mà Teele Rebane vừa mô tả ở Hong Kong là cảnh tượng lặp lại trên khắp châu Á. “Thế giới đang có sự gián đoạn nghiêm trọng trong thị trường thiết bị bảo hộ... nhu cầu có thể tăng 100 lần so với bình thường, giá có thể tăng 20 lần”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo vào tuần trước.

Khẩu trang đắt hàng dù riêng việc đeo khẩu trang là chưa đủ để phòng bệnh. Rửa tay thường xuyên quan trọng hơn, theo các chuyên gia y tế.

Christos Lynteris, nhà nhân chủng học y tế tại Đại học St. Andrews, Scotland, nêu ý kiến cho rằng không nên chỉ nhìn nhận cơn sốt khẩu trang dưới góc độ hoang mang, lo sợ dịch bệnh, như cảm nhận của sinh viên Teele Rebane ở Hong Kong.

“Xem xét việc đeo khẩu trang dưới góc độ lịch sử, văn hóa, bạn sẽ thấy ở Trung Quốc, đeo khẩu trang không chỉ là cách bảo vệ... mà còn đánh dấu sự hiện đại về y học, và để làm yên lòng lẫn nhau, giúp xã hội tiếp tục vận hành bất chấp dịch bệnh”, ông Lynteris viết trong một bài bình luận trên New York Times.

Khẩu trang y tế được dùng đầu tiên ở Trung Quốc cách đây hơn một thế kỷ - nỗ lực đầu tiên của chính quyền nhằm đối phó một dịch bệnh bằng phương pháp y - sinh học, theo ông Lynteris.

Khi bệnh dịch hạch bùng phát ở Mãn Châu, phía đông bắc Đế chế Trung Hoa mùa thu năm 1910, chính quyền phá vỡ truyền thống dùng đông y, mà giao việc chống dịch cho Wu Lien-teh, một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Cambridge, đến từ bán đảo Mã Lai.

Tới nơi dịch đang hoành hành, bác sĩ Wu khẳng định căn bệnh không phải do chuột phát tán, mà do mầm bệnh trong không khí - một giả thuyết đi ngược quan niệm bấy giờ, nhưng sau này đã được chứng minh. Ông yêu cầu y bác sĩ, bệnh nhân, và cả người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang, làm bằng vải kẹp trong lớp gạc.

khau trang virus corona anh 3

Wu Liande trong một phòng lab ở Cáp Nhĩ Tân, miền bắc Trung Quốc, năm 1911. Ảnh: Thư viện Đại học Hong Kong.

Các đồng nghiệp châu Âu và Nhật Bản vẫn thờ ơ với đề nghị của bác sĩ Wu, cho đến khi một bác sĩ nổi tiếng người Pháp tử vong vì điều trị bệnh nhân mà không đeo khẩu trang. Bệnh dịch hạch làm 100% người bệnh tử vong, nhiều trường hợp chỉ trong vòng 24 giờ từ khi có triệu chứng.

Đến khi dịch kết thúc, 60.000 người đã tử vong, nhưng sáng kiến đeo khẩu trang của bác sĩ Wu được cho là đã cứu mạng vô số người.

Không chỉ để đề phòng, khẩu trang còn là công cụ PR tuyệt vời, chứng tỏ Trung Quốc là nước có khoa học hiện đại. Ông Wu cũng hiểu điều đó, và thường yêu cầu chụp ảnh các hoạt động chống dịch một cách cầu kỳ, làm sao để hình ảnh khẩu trang trở nên nổi bật trước quốc tế.

Khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1918, khẩu trang được đeo rộng rãi. Nhưng ở phương Tây, khẩu trang không còn được dùng rộng rãi sau Thế chiến II.

Khẩu trang tạo cảm giác đoàn kết

Ở Trung Quốc, khẩu trang tiếp tục được dùng trong Chiến tranh Triều Tiên, khi lãnh đạo Mao Trạch Đông cáo buộc Mỹ dùng vũ khí sinh học. Đến cuối thế kỷ, người dân Trung Quốc và Hong Kong đều đeo khẩu trang để chống ô nhiễm không khí.

Dịch SARS bùng phát năm 2002-2003, và hơn 90% người Hong Kong đeo khẩu trang. Một lần nữa, hình ảnh khẩu trang được báo chí đăng tải khắp thế giới, khiến khẩu trang càng phổ biến ở khắp các nước Đông Á.

khau trang virus corona anh 4

Đồ bảo hộ trong dịch bệnh năm 1911 tại Mãn Châu. Ảnh: Viện Pasteur.

Ở phương Tây, việc đeo khẩu trang bắt gặp một vài ánh nhìn, nhưng ở Đông Á, đeo khẩu trang còn thể hiện sự đoàn kết trong dịch bệnh, ông Lynteris cho biết.

“Nhiều nghiên cứu về dịch SARS cho thấy việc đeo khẩu trang tạo sự kết nối và tin tưởng... Kết luận của nhà xã hội học Peter Baehr đối với dịch SARS cũng đúng ngày nay: ‘Văn hóa đeo khẩu trang’ tạo cảm giác kết nối, cùng có trách nhiệm với cộng đồng”, ông viết trên New York Times. Khẩu trang cũng giúp giảm sự hoảng loạn - một mối đe dọa khác từ dịch bệnh.

“Đeo khẩu trang là một hành động mang tính tập thể”, ông viết tiếp, và cho rằng đây là đặc điểm cần được hiểu rõ khi chống dịch bệnh.

“Mỗi người trong cộng đồng đeo khẩu trang không chỉ để phòng bệnh. Họ đeo khẩu trang còn để chứng tỏ muốn cùng đoàn kết, đối mặt với dịch bệnh”.

Trong khi đó, Teele Rebane ở Hong Kong nhớ những biểu cảm khuôn mặt bình dị của mọi người, mà thường ngày ít ai coi là quý giá.

“Tôi muốn thấy học sinh cười trước điện thoại khi bạn bè nhắn tin. Tôi muốn thấy các bà cô nịnh trẻ nhỏ khi video chat với gia đình. Tôi muốn thấy một nụ cười từ người lạ”, cô viết trên South China Morning Post. “Chúng ta không còn những tương tác rất bình dị mà thường ngày không để tâm đến”.

“Chúng ta phải tìm một cách khác để kết nối với nhau, khi mà tụ tập đông người không được khuyến khích. Hãy liên hệ với người khác, đừng trở thành người lạ vì bạn vô hình. Đừng tranh giành với người lạ một túi gạo. Đừng để Hong Kong biến thành thành phố không chút tình người”, sinh viên Đại học Hong Kong tâm sự.

Số ca nhiễm virus corona tăng vọt, sinh nhật Nhật hoàng bị hủy

Nhật Bản ngày 17/2 tuyên bố hạn chế tụ tập đông người ở Tokyo, hủy diễn văn sinh nhật của Nhật hoàng và hủy sự kiện chạy marathon đối với 38.000 người.

Ăn gì, ngồi ghế số mấy - Hàn Quốc biết ‘từng ly’ về mọi ca bệnh corona

Mỗi người Hàn đều có thể tra cứu liệu họ có từng lướt qua một người nhiễm virus corona hay không, nhưng việc này làm dấy lên cuộc tranh cãi về tự do cá nhân và sức khỏe cộng đồng.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm