Tri thức - Znews trân trọng giới thiệu tham luận của TS Giản Tư Trung tại Hội nghị Xuất bản & Phát hành do Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Thông Tin & Truyền Thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào ngày 22/03/2024 tại Hà Nội.
Ở diễn đàn này (một Hội nghị toàn quốc về xuất bản), tôi xin phép được chia sẻ dưới góc nhìn của một người làm giáo dục và cũng là một người viết sách. Tôi có cơ hội được gắn bó với các hoạt động khuyến đọc và sự học khai phóng, cũng như đồng hành cùng khát vọng doanh trí và giáo trí suốt hơn 2 thập kỷ qua thông qua việc sáng lập, điều hành các tổ chức giáo dục dành cho các đối tượng khác nhau, như Trường Doanh Nhân PACE, Viện Giáo Dục IRED, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh…
Có thể nói rằng, ngành xuất bản là một trong những ngành hội nhập thế giới nhanh và mạnh nhất của nước ta. Ví dụ như trên thế giới xuất hiện một cuốn sách hay và nổi tiếng thì chỉ sau mấy tháng, thậm chí mấy tuần, là người Việt đã có thể cầm trên tay cuốn sách đó với phiên bản chuyển ngữ có bản quyền, được in ấn đẹp, không thua kém sách gốc, thậm chí nhiều cuốn còn đẹp hơn cả sách gốc.
Còn đối với độc giả, sách là một trong những con đường dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất cho sự học của mỗi người. Sách không chỉ là người thầy mà còn là người bạn tri kỷ, luôn bên cạnh, nhẫn nại, chờ đợi và chịu đựng ta. Học từ sách là học từ những bộ óc vĩ đại nhất của loài người, là việc biến túi khôn của nhân loại vốn đã được đúc kết trong sách thành của mình. Ta có thể đưa những người thầy vĩ đại bậc nhất của thế giới, từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, về tận nhà để dạy riêng cho mình, bất kể giờ giấc nào, mà học phí có khi chỉ bằng... vài ba tô phở.
Ngày nay, thông tin và tri thức miễn phí tràn ngập trên Internet, nhưng tri thức tinh hoa và tri thức nền tảng vẫn chủ yếu nằm ở trong sách (sách giấy, sách điện tử, sách nói…). Do vậy, nếu không đọc sách thì sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận tri thức tinh hoa và tri thức nền tảng, và như vậy thì cũng khó thành công lớn hay thành công bền vững được. Nhưng đọc sách nhiều cũng chưa chắc tạo ra nhiều giá trị, vấn đề còn nằm ở chỗ chọn sách nào để đọc, đọc như thế nào và học được gì từ sách.
Khuyến đọc nên gắn liền với khuyến học
Đó là lý do mà từ năm 2007 đến nay (khi Dự án Khuyến đọc Sách Hay ra đời), tôi vẫn thường chia sẻ “khuyến đọc nên gắn liền với khuyến học” và “khuyến học nên gắn liền với khát vọng dân trí, doanh trí, giáo trí…”. Bởi lẽ, nếu tách khỏi khuyến học thì việc khuyến đọc sẽ giảm ý nghĩa rất nhiều. Và nếu khuyến đọc hạn chế thì dù có làm ra sách nhiều cũng ít có người mua. Tất nhiên, việc đọc thì có nhiều mục đích, nhưng trong đó, mục đích quan trọng và căn cơ nhất, bền vững nhất vẫn là đọc để học. Nếu không muốn học thì cũng hầu như không muốn đọc. Còn nếu một khi đã có tinh thần hiếu tri thì có thể làm cho người ta đọc ngày đêm, đọc cả đời không biết chán.
Ví dụ, đối với từng cá nhân thì đọc và học phải gắn với khát vọng dân trí và nhu cầu năng lực của chính mình. Với giáo viên thì đọc và học phải đi từ khát vọng giáo trí, từ khát khao dạy tốt nhằm giúp học sinh ham học để thành người và thành tài. Còn với doanh nhân thì phải đi từ khát vọng doanh trí của mình, làm sao để kinh doanh thành công hơn và bền vững hơn, làm sao để lãnh đạo tốt hơn và quản trị hiệu quả hơn…
Mô hình Khuyến học “5 Bước”
Nhiều năm nay, tôi đã có dịp chia sẻ một Mô hình Khuyến đọc “5 Bước” để giúp các doanh nghiệp, các tổ chức xây dựng “Văn hóa Học tập” và triển khai hoạt động khuyến đọc cho các thành viên trong đội ngũ của mình. Cụ thể 5 bước đó là: (1) Cương vị đảm trách; (2) Công việc cần làm; (3) Năng lực cần có; (4) Kiến thức cần học; (5) Các sách cần đọc.
Nghĩa là, để khuyến đọc cho ai đó, trước hết ta cần xác định rõ cương vị mà họ đảm trách và nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Với cương vị đảm trách đó thì họ phải làm những công việc cụ thể gì. Để làm đúng, làm được và làm tốt những công việc đó thì họ cần phải có những năng lực gì. Để có năng lực đó thì phải học những gì, cần có những kiến thức nào (khuyến học). Và để học những điều đó và có những kiến thức đó thì cần phải đọc cái gì, cần phải đọc những sách nào (khuyến đọc).
Như vậy, ta có thể thấy khuyến đọc hay khuyến học đều phải bắt đầu từ nhu cầu tự thân của mỗi người (có thể là nhu cầu về kiến thức, nhu cầu về năng lực, nhu cầu về giải trí…), nếu không, các hoạt động khuyến đọc sẽ nặng về hình thức.
Mô hình nói trên không chỉ là để khuyến đọc hay khuyến học cho mỗi người, mà còn là cách tư duy để những đơn vị xuất bản và những người viết sách, dịch sách, làm sách có thể tạo ra tác phẩm và dịch phẩm thiết yếu nhằm giải quyết nhu cầu đọc và học cho các nhóm độc giả khác nhau trong xã hội.
Chẳng hạn, tôi cũng có một chút trải nghiệm cá nhân về chuyện viết sách, cũng như về câu chuyện “nguyên liệu đầu vào” cho ngành xuất bản theo lối tư duy nói trên. Cụ thể, tôi đã có một thời gian dài trăn trở với câu hỏi: Để khai minh bản thân thì tôi phải làm gì và bắt đầu từ đâu? Và khi có ít nhiều trải nghiệm thấm thía về câu chuyện này thì tôi mong muốn chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình để mọi người tham khảo, vì tôi tin rằng, chắc cũng có hàng ngàn, hàn vạn, thậm chí là hàng triệu người trăn trở về câu hỏi nhân sinh này như tôi. Và thế là tác phẩm “Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” ra đời.
Hay khi ra nhà sách, ta có thể thấy sách mới tràn ngập với đa dạng về chủng loại, nhưng sách dành cho giáo viên, đặc biệt là sách về phương pháp sư phạm, thì khá nghèo nàn, thậm chí tìm ở nhiều nhà sách lớn cũng rất hiếm hay không có. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta có cả 100 triệu dân, với khoảng 25 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1,6 triệu thầy cô giáo. Tương lai của Việt Nam chúng ta sẽ tùy thuộc khá nhiều vào 25 triệu bạn trẻ này, và tương lai của 25 triệu bạn trẻ lại tùy thuộc không ít vào sự học của hơn 1,6 triệu thầy cô giáo.
Bất kỳ nhà giáo nào tâm huyết với nghề cũng sẽ tự hỏi, “Đâu là những kiến thức nền tảng thiết yếu về giáo dục và sư phạm mà một nhà giáo cần biết để có thể tự hình thành nên triết lý và phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục?” Với suy tư và ấp ủ như vậy, cuốn sách tiếp theo của tôi dành cho giáo giới đã ra đời, đó là Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam và Tôi. Bởi lẽ, tôi tin rằng, tiếp sức cho sự học khai phóng của thầy cô giáo là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu không có người thầy khai phóng thì cũng không thể có giáo dục khai phóng và như thế cũng khó mà có những thế hệ khai phóng để giúp đất nước của chúng ta phát triển.
Ở góc độ viết sách, làm sách cho khát vọng giáo trí, ưu tiên bậc nhất vẫn là nâng cao năng lực khai phóng và năng lực sư phạm của người thầy. Và theo tôi, “dạy là làm cho sự học được diễn ra, dạy chính là giúp người khác học”.
Nếu một người không có nhu cầu học, không biết tại sao phải học và học để làm gì thì lượng kiến thức khổng lồ trên mạng hay mua hàng trăm cuốn sách cũng không có ý nghĩa gì nhiều với họ. Đó là chưa kể thời nay, học để biết nhiều là điều đáng quý, nhưng điều đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sẽ sống thế nào với những điều mình biết, bởi đó mới chính là thực học.
Còn đối với doanh trí của doanh giới thì lâu nay ngành xuất bản đã khá ưu ái cho cộng đồng này, vì sách về quản trị và kinh doanh tràn ngập các nhà sách. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay, làm đau đầu hầu hết các doanh nhân, đó là, vấn đề “văn hóa doanh nghiệp”.
Lâu nay, mọi người đã nói rất nhiều về văn hóa doanh nghiệp và tầm quan trọng đặc biệt của nó trong quản trị, cũng như đối với sự hưng vong của tổ chức, nhưng lại có quá ít sách và tài liệu đi sâu vào chủ đề này. Với nhận thức và thôi thúc như vậy, tác phẩm Quản trị bằng Văn hóa - Cách thức Kiến tạo & Tái tạo Văn hóa Tổ chức của tôi đã ra đời nhằm chia sẻ góc nhìn tham khảo cho các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan trong việc xây dựng và chuyển đổi văn hóa nhằm làm cho doanh nghiệp và tổ chức của mình thành công hơn và hạnh phúc hơn; cũng như chia sẻ góc nhìn về vai trò của văn hóa trong việc phát triển một nền quản trị mới và một thế hệ doanh nhân mới của nước nhà.
Một số sách của tác giả Giản Tư Trung. |
Ở góc độ vĩ mô của cộng đồng doanh nghiêp, tôi cũng cho rằng, xây dựng và chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp chính là câu chuyện quan trọng nhất trong khát vọng doanh trí của mỗi doanh nghiệp và của cả nền kinh thương quốc gia. Bởi lẽ câu chuyện này gắn với tư tưởng kinh doanh, gắn với tầm nhìn và sứ mệnh, gắn với giá trị cốt lõi, quy tắc đạo đức và chuẩn mực hành xử của doanh nghiệp. Và xa hơn nữa là gắn với khát vọng của Việt Nam chúng ta về một thế hệ doanh nhân mới,một thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc; một thế hệ doanh nhân “rất nhân loại, rất dân tộc, và cũng rất chính mình”, một thế hệ doanh nhân luôn tâm niệm, “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình”.
Như vậy, từ những nghiên cứu và từ trải nghiệm cá nhân nói trên, tôi cho rằng, khi ngành xuất bản càng hiểu sâu sắc mục đích của sự học của độc giả, cũng như càng trăn trở với khát vọng dân trí, doanh trí, giáo trí,... thì cũng sẽ càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc chọn lọc, biên dịch, biên soạn và xuất bản những tác phẩm, dịch phẩm có giá trị cho nhiều nhóm độc giả khác nhau.
Sứ mệnh mới của ngành xuất bản
Tôi cho rằng, sách cóvai trò tiên phong trong công cuộc chấn hưng giáo dục và khai minh xã hội, cũng như trong khát vọng dân trí, doanh trí, giáo trí…, nhưng không phải sách nào cũng giúp ích cho con người và xã hội trong vai trò này.
Cụ thể, trong hoạt động xuất bản hiện nay, ta có thể hình dung đang tồn tại các loại hình làm sách rất khác nhau: Đầu nậu làm sách; Con buôn làm sách; Doanh nhân làm sách; Nhà giáo dục làm sách; Nhà văn hóa làm sách.
Sách có vai trò tiên phong trong công cuộc chấn hưng giáo dục và khai minh xã hội.
TS Giản Tư Trung
Đầu nậu thì chuyên ăn cắp tác quyền của người khác rồi xuất bản lậu để làm giàu bất chính; Con buôn thì có thể không làm sách lậu, nhưng sách nào bán chạy là cứ làm mà không cần quan tâm là sách đó có tổn hại đến văn hóa và văn minh của xã hội hay không;
Doanh nhân làm sách là những người kinh doanh sách đàng hoàng và coi sách là một hàng hóa, và đặc biệt, họ chỉ kinh doanh những sách nào có lợi cho nền tri thức-văn hóa nước nhà và không làm những sách độc hại, sách rác. Nói ngắn gọn hơn, doanh nhân làm sách là những người làm sách tôn trọng tác quyền và có tâm.
Còn nhà giáo dục thì làm sách với mục tiêu là góp phần giải quyết nhu cầu tri thức và nhu cầu phát triển năng lực của một đối tượng nào đó trong xã hội. Ví dụ như làm bộ sách lãnh đạo để góp phần phát triển năng lực lãnh đạo cho doanh nhân, hay bộ sách Lịch sử văn minh thế giới để góp phần giải quyết nhu cầu của độc giả trong việc tìm hiểu về các nền văn minh của nhân loại…
Và nhà văn hóa làm sách là mong muốn tạo ra những cuốn sách (tác phẩm và dịch phẩm) nhằm góp phần giải quyết những vấn đề lớn mang tính thời đại và dẫn dắt xã hội bước vào một nền văn minh mới của nhân loại và góp phần kiến tạo kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Làm sách theo góc nhìn của nhà văn hóa hay nhà giáo dục thì có thể bán rất tốt, thậm chí là bùng nổ, nhưng cũng có thể là khó bán hay bán được rất ít. Nhưng đó cũng là một phần sứ mệnh của giới tinh hoa và của ngành xuất bản trong khát vọng dân trí, doanh trí, giáo trí…, cũng như trong công cuộc chấn hưng giáo dục và khai minh xã hội.
Ngày xưa, đa số người ta ít đọc sách vì không có sách để mà đọc, còn bây giờ thì ngược lại, sách quá nhiều nên không biết đọc sách nào. Đặc biệt trong bối cảnh biến động chóng mặt và khôn lường như hiện nay, tình trạng trôi nổi các sách bẩn, sách rác nhằm truyền bá những điều sai trái, tai hại,… cũng không hề hiếm. Thế nên, khai phóng thời này rất khó. Bởi lẽ, ngày nay, khai phóng không chỉ phải “chiến đấu” với sự vô minh của con người, mà còn phải “chiến đấu” với sự thao túng khủng khiếp bởi vô số luồng thông tin sai lệch và vô số sách rác tràn lan trên mạng. Có thể nói, “khai phóng và thao túng” là câu chuyện văn hóa-giáo dục hệ trọng bậc nhất đối với văn minh và tiến bộ của loài người trong kỷ nguyên mới.
Tôi cho rằng, khai phóng là khai minh và giải phóng, là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người, và hành trình tự lực khai phóng của mỗi người là hành trình không ngừng nghỉ, là hành trình trọn đời.
Do vậy, tôi tin rằng, các đơn vị xuất bản không chỉ là các doanh nghiệp làm sách, mà cũng là những người làm văn hóa và làm giáo dục thực sự. Đồng thời, các nhà xuất bản cũng đã, đang và sẽ cộng tác chặt chẽ với các nhà văn hóa, các nhà giáo dục, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và các nhà hoạch định chính sách để cùng định hình tương lai của ngành xuất bản, để ngành xuất bản góp phần định hình một xã hội mới, văn hóa mới và thời đại mới.
Có đích đến thì sẽ có con đường. Ngày nay, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xuất bản, bản quyền tác giả, đào tạo chuyên gia trong và ngoài nước về hoạt động xuất bản đã và đang được thực hiện một cách tích cực. Đồng thời, tôi cho rằng việc tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh cho các tác giả, dịch giả, biên tập viên là rất cấp thiết. Và đặc biệt là cần phải tăng cường mạnh mẽ việc bảo vệ tác quyền và thanh lọc sách rác, sách độc hại để các sản phẩm tri thức chất lượng ngày càng được phát triển và lan tỏa. Đây không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, của các nhà xuất bản, các tác giả, dịch giả, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội.
Việc làm ra sách hay đã khó, nhưng việc đưa được sách hay đến với đông đảo công chúng lại còn khó khăn hơn. Do đó, sự ra đời các hoạt động khuyến đọc đa dạng hay các giải thưởng về sách, cũng như sự tham gia của các chuyên gia trong từng lĩnh vực để góp phần tạo ra các “màng lọc”, cùng lựa chọn và gợi ý các quyển sách hay để mọi người có thêm kênh tham khảo cũng rất cần thiết.
Tôi nghĩ, ngày Tết sách hàng năm (21/4) của Việt Nam chúng ta sẽ không chỉ là ngày hội về sách hay ngày hội khuyến đọc, mà còn là ngày để mỗi người Việt chúng ta suy tư về dân trí của chính mình, cũng như của dân tộc mình; để doanh giới suy tư về doanh trí của chính mình, của doanh nghiệp mình và của cả nền kinh thương; để giáo giới suy ngẫm về giáo trí của chính mình và của cả nền giáo dục của nước nhà…
Chọn sách cũng là chọn giá trị, chọn thông điệp, chọn hướng đi. Công cuộc khai minh phải bắt đầu từ sự khai mở về trí tuệ và tâm hồn của mỗi người, rồi bằng nhiều cách lan tỏa và chia sẻ, cộng đồng cũng sẽ được khai minh. Chẳng hạn như, mình quý ai thì tặng sách hoặc giới thiệu một vài cuốn sách hay cho họ. Công cuộc khai minh này là của tất cả những người có hiểu biết, và nhờ vào trách nhiệm xã hội của những những người hiểu biết mà xã hội sẽ ngày một được khai minh hơn.
Tiến sĩ Giản Tư Trung là một nhà giáo dục. Ông hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED và Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc Tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học London (UCL).Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.