Năm xưa, Sir Alex Ferguson đặt mục tiêu vượt qua Liverpool, làm tiền đề tạo nên kỷ nguyên vĩ đại của MU. Và có thể thấy ngọn lửa khát vọng tương tự cháy trong tim Solskjaer.
Nếu chịu khó để ý, chúng ta có thể tìm ra những điều vĩ đại từ những câu chuyện tầm thường nhất. Và câu chuyện tầm thường sắp được kể sau đây từng được Sir Alex Ferguson sử dụng để miêu tả về khát vọng cháy bỏng của cậu học trò Ole Gunnar Solskjaer.
Tròn 20 năm trước, Man United gặp Nottingham Forest trong khuôn khổ Premier League. Sức mạnh vượt trội giúp "Quỷ đỏ" dễ dàng dẫn trước đối thủ tới 4-1. Sir Alex tâm sự ông dự kiến tung Solskjaer vào sân vào phút 85 thay thế Dwight Yorke, cốt là để cậu học trò người Na Uy “có cơ hội làm nóng cơ thể”.
Tuy nhiên, Fergie nhìn thấy trong mắt Solskjaer một sự tập trung vô cùng đặc biệt, ngay cả khi tỷ số đã là 4-1. Solskjaer có vẻ như đang cố gắng phân tích trận đấu. Và chính ánh mắt tràn đầy động lực của Solskjaer trên băng ghế dự bị đã đưa Fergie tới quyết định thay Solskjaer vào sân trước phút 80. Ông muốn xem cậu học trò của mình đã nhìn thấy những gì.
Đa phần các cầu thủ Man United trong 15 phút cuối đều bắt đầu thả lỏng. Nhưng sự xuất hiện của Solskjaer bỗng dưng khiến trận đấu nóng trở lại. Phút 80, "Sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ" ghi bàn, nâng tỷ số lên 5-1. Và kết quả đó vẫn là chưa đủ với anh.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 8-1 nghiêng về Man United. Một mình Solskjaer ghi thêm tới 3 bàn thắng nữa chỉ trong 10 phút cuối trận. Anh khép lại trận đấu với cú poker bàn thắng, dù chỉ góp mặt chưa đầy 15 phút cuối, khi tỷ số trận đấu đã là 4-1. Về mặt lịch sử mà nói, cú poker này chính là thời khắc đã tạo nên biệt danh “Siêu dự bị” của Solskjaer.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một khối óc vĩ đại như Sir Alex Ferguson thì đó chính là thời khắc chứng minh Solskjaer sẽ trở thành một nhân vật đạt tầm vóc lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của đa số.
Trận đấu lịch sử này cũng từng được đích thân Solskjaer nhắc tới trong một bài phỏng vấn trên ESPN năm 2011. “Tôi ngồi trên băng ghế dự bị và quan sát bằng góc nhìn của một huấn luyện viên chứ không phải một cầu thủ dự bị. Tôi cố gắng phân tích những điểm yếu trong hàng thủ đối phương và khi vào sân, thật may mắn là những tính toán của tôi đều đúng”.
Thật thú vị khi số phận đẩy Solskjaer vào vị trí của một cầu thủ dự bị, nhưng vô tình lại trao cho anh khả năng phân tích tuyệt vời. Có những cầu thủ chơi bóng bằng bản năng. Có những ngôi sao được ví như “đao phủ” chỉ đâu đánh đấy.
Nhưng cũng có những cầu thủ mà trong đầu họ, sân cỏ hiện lên như một sa bàn ngay từ thời còn xỏ giày đá bóng. Ole Gunnar Solskjaer chính là đại diện tiêu biểu cho hình mẫu hiếm có này.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy thì Solskjaer đã được mời tới phòng làm việc của ông chủ Avram Glazer sau chiến thắng 3-0 trước Fulham. Avram Glazer đóng vai một nhà tuyển dụng và ông muốn được thuyết phục một cách logic nhất tại sao Solskjaer xứng đáng với một bản hợp đồng dài hạn.
Bản thân Solskjaer cũng thừa hiểu Man United không thiếu cả tiền và sức hút để lôi kéo Mauricio Pochettino hay thậm chí là Zinedine Zidane về ngồi ghế huấn luyện viên trưởng.
Đối với một thương nhân sở hữu khối tài sản 3,3 tỷ bảng, thời gian của Glazer là vàng bạc, khối óc của ông là một cỗ máy tính. Vậy nên nếu Solskjaer không có những logic vững chắc, những kế hoạch lâu dài và khả thi, anh không thể buộc Glazer phải gật đầu.
Nhưng Avram Glazer - theo tờ Daily Mail - đã gật đầu đồng ý sẽ ký hợp đồng dài hạn với chiến lược gia người Na Uy. Lịch sử Man United sẽ lần đầu tiên xuất hiện một huấn luyện viên mang quốc tịch Na Uy.
Solskjaer không phải cái tên Sir Alex nghĩ tới sau khi ông giải nghệ. Nhiều nguồn tin cho rằng Fergie muốn mời Jose Mourinho, nhưng kế hoạch thất bại mới chuyển sang David Moyes. Sau này, sự xuất hiện của Louis van Gaal cũng được cho là có tiếng nói góp ý của Sir Alex.
Những “người được chọn” ở Man United đều đã thất bại. Và Solskjaer xuất hiện như một cái tên được chính lịch sử "Quỷ đỏ" chọn. Thời còn là cầu thủ, Solskjaer quan sát, phân tích tình hình từ băng ghế dự bị rồi vào sân nhiều lần đưa Man United qua cơn nguy khốn. Trận chung kết Champions League 1999 chính là một trong những ví dụ kinh điển.
Solskjaer giờ đây vốn dĩ cũng chỉ là một cái tên dự bị cho nhiều chiến lược gia tên tuổi khác và số phận lại đưa anh vào vai trò của người cứu tinh.
Vào thời điểm Sir Alex Ferguson tiếp quản Man United, nước Anh vốn nằm dưới gót giày của Liverpool. "Lữ đoàn đỏ" vùng Merseyside khi đó đã sưu tập tới 18 chức vô địch quốc gia, còn Man United chỉ mới 7 lần đăng quang.
Truyền thông Anh vẫn còn nhớ giới mộ điệu bóng đá đã cười chê Sir Alex lớn tiếng thế nào khi ông tuyên bố sẽ đưa Man United vượt mặt Liverpool. Cách biệt giữa 2 đội bóng là 11 chức vô địch - một khoảng cách khổng lồ.
Nhưng như tất cả đều đã biết, Sir Alex kết thúc kỷ nguyên vĩ đại của mình với 13 lần vô địch Premier League, để nâng tổng số lần vô địch quốc gia của "Quỷ đỏ" thành Manchester lên 20 lần. Và giờ đây, bất chấp 5 năm lao dốc không phanh của Man United thời hậu Sir Alex, Quỷ đỏ vẫn đang là tượng đài không thể bị xô đổ trong làng túc cầu xứ sương mù.
“Nghĩ xa và mơ lớn” chính là điều Sir Alex đã dạy cho những cậu học trò mà ông tin rằng sớm muộn gì cũng sẽ nối nghiệp ông. Một trong số đó chính là Solskjaer. Điều này được Ole khẳng định trong bài phỏng vấn trên tạp chí M.E.N. Sport năm 2012.
“Sir Alex luôn động viên tôi trở thành huấn luyện viên và thúc giục tôi sớm tới Premier League. Ông dạy cho tôi phải nghĩ xa hơn và mơ lớn hơn. Giấc mơ không biến chúng ta thành những kẻ mộng mị, mà trở thành động lực để chúng ta không ngừng cố gắng. Tôi không phải người ngây thơ, cũng không phải người mơ mộng. Tôi là người có khát vọng lớn mà thôi”, Solskjaer phát biểu cách đây 7 năm.
Không rõ có phải là lịch sử đã sắp đặt hay không. Năm xưa, Sir Alex bắt đầu hành trình giúp Man United vĩ đại trở lại (so với thời của Sir Matt Busby) với cách biệt 11 chức vô địch so với Liverpool.
Còn Solskjaer cũng vừa làm được một điều không tưởng là mất 48 ngày để san bằng cách biệt 11 điểm với Chelsea trên bảng xếp hạng, giúp Man United lần đầu tiên trong mùa 2018/19 kết thúc vòng đấu ở một vị trí trong Top 4.
Tuy bản chất 2 sự kiện là khác nhau và độ khó cũng khác nhau hoàn toàn, nhưng lạc quan mà nghĩ đó phải chăng là một tín hiệu mà thời cuộc muốn nhắn tới ban lãnh đạo Man United?
Vẫn còn quá sớm và quá mơ mộng để khẳng định Solskjaer là một huấn luyện viên giỏi, cho dù những điều ông làm được trong gần 2 tháng dẫn dắt Man United toàn là những chiến tích thần kỳ.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của cây bút kỳ cựu Henry Winter thì phong cách của Solskjaer có chút gì đó hoài cổ, và trong thời buổi bóng đá bão hòa như hiện tại, những gì đã từng thành công trong quá khứ lại vô cùng bền vững.
Nhiều người từng nghĩ rằng bóng đá trong 5 năm trở lại đây vận hành theo tư duy chiến thuật. Tức là những chiến lược gia giỏi tính toán, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu đối thủ, vận dụng tiến bộ của công nghệ sẽ dễ thành công.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Antonio Conte là mẫu HLV cực kỳ cơ bản, có nền tảng chiến thuật rất tốt, cá tính mạnh, nhưng rốt cuộc vẫn thất bại ở Chelsea.
Maurizio Sarri tạo ra vũ khí của riêng mình mang tên Sarri-ball - lối chơi được đúc kết từ tinh hoa nhiều năm làm việc miệt mài của ông. Nhưng kết quả ra sao chắc không cần nói thêm.
Unai Emery cũng được báo chí miêu tả là một người cuồng công việc, có thể ngồi nhiều ngày liền trong phòng làm việc với những con số phân tích khô khan. Tuy nhiên, Arsenal cũng chỉ thi đấu như một đội bóng trung bình. Ngay cả Jose Mourinho cũng là một chuyên gia tính toán đầy lọc lõi rốt cuộc cũng thua tan tác ở Man United.
Trong khi đó kể từ ngày lên nắm quyền, Solskjaer hầu như chỉ tập trung vào trận chiến tâm lý. Jordi Cruyff vừa phát biểu rằng riêng ở mặt trận làm tâm lý cho cầu thủ, ông tin Solskjaer đang là HLV tài ba bậc nhất Premier League vào lúc này.
Solskjaer đã đi một nước cờ tuyệt diệu khi xây dựng một nền tảng niềm tin bền vững. Trước tiên, Solskjaer cần chắc chắn rằng trong tay mình có một dàn chiến binh sẵn sàng chiến đấu vì ông, giống như hình ảnh 300 chiến binh Sparta chiến đấu cho đức vua Leonidas. Solskjaer cần những chiến binh trung thành mới bắt đầu áp đặt triết lý.
Đó thực tế cũng chính là điều Sir Alex làm năm xưa. Ông tạo nên một kỷ nguyên huy hoàng dựa trên một dàn cầu thủ coi ông như người cha thứ hai. Họ chiến đấu vì Fergie vì lòng kính trọng dành cho ông chứ không vì bất kỳ nghĩa vụ, trách nhiệm nào.
Thành công của một kỷ nguyên dựa vào vô số yếu tố: Chiến thuật, chuyển nhượng, lịch thi đấu, may mắn, chất lượng đối thủ. Và quá nửa trong số đó không nằm trong quyền kiểm soát của bất kỳ HLV nào. Điều duy nhất mà một HLV có thể kiểm soát được chính là tình yêu của các học trò.
Ole Gunnar Solskjaer đang bắt đầu từ vạch xuất phát rất cổ điển này để giúp Man United vĩ đại như xưa.