Ngày 21/4, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh tiếp tục cấm tắm biển, cấm các quán bán thức ăn tại chỗ cho đến hết tháng 4.
Ông Tài cho hay địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao; tuy nhiên, người dân có tâm lý chủ quan. Do đó, tỉnh phải tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Khánh Hòa tiếp tục cấm tắm biển, hàng quán tới ngày 30/4. Ảnh: An Bình. |
Khánh Hòa đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội; kiểm soát chặt các cửa khẩu, cửa ngõ vào tỉnh với mục tiêu không để dịch bệnh bên ngoài xâm nhập.
Tỉnh giao ngành giáo dục nghiên cứu, đề xuất thời gian đi học ở các cấp. Sở Tài chính làm việc với Công ty xổ số kiến thiết tham mưu UBND tỉnh phương thức hỗ trợ cho những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn.
“Sau 30/4, các cấp ngành, địa phương đánh giá lại tình hình dịch bệnh, tham mưu cho UBND tỉnh có hướng tháo gỡ dần các quy định về giãn cách xã hội phù hợp”, ông Tài nói.
Trong khi đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Lao động thống kê các số liệu để hỗ trợ người dân theo chế độ chính sách của Nhà nước. Sở này đang thống kê các nhóm cần được hỗ trợ, riêng người bán vé số đã được trợ cấp. Kinh phí sẽ do Trung ương hỗ trợ 70%, còn lại là ngân sách địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, tỉnh giao Sở Kế hoạch Đầu tư thành lập Ban chỉ đạo tham mưu, tháo gỡ các khó khăn cho các đơn vị.
Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đang chờ Thủ tướng chỉ đạo nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 22/4. Sóc Trăng dự kiến cho học sinh các cấp đi học trở lại vào ngày 4/5.
Một quán bún ở TP Sóc Trăng hoạt động bình thường trở lại từ 16/4. Ảnh: Việt Tường. |
Cà Mau cũng cho phép học sinh lớp 9 và 12 đi học trở lại từ 20/4. Sở GD&ĐT phải có biện pháp chia nhỏ sĩ số, giãn cách xã hội đối với phụ huynh khi đưa rước con em. Các cấp học, bậc học còn lại tiếp tục nghỉ, chờ thông báo tiếp theo.
Đối với dịch vụ massage, gội đầu, hớt tóc, cơ sở thẩm mỹ, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim… tiếp tục ngưng hoạt động.