Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kháng sinh có chữa được bách bệnh?

Việc lạm dụng kháng sinh mỗi khi ốm đau là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh.

Các bạn ạ, bệnh nhân đến một phòng khám nào đó rồi được nhân viên y tế tiêm thuốc trực tiếp vào khớp, vào vai gáy mà không kèm theo một lời giải thích về thành phần, tác dụng, tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm và bệnh nhân cũng không một thắc mắc hay câu hỏi đi kèm là điều rất bình thường hiện nay.

Thậm chí, khi bác sĩ hỏi thêm về tên thuốc, bệnh nhân cũng không biết. Một lần khác, bác sĩ kê đơn điều trị thoái hóa cột sống, bệnh nhân thắc mắc tại sao trong đơn lại không có kháng sinh, hoặc bệnh nhân luôn bày tỏ mong muốn những thuốc gì “tốt nhất, đắt nhất”, trong khi thuốc đúng bệnh mới là điều quan trọng.

Ngoài ra, hiện nay, mọi người cũng dễ dàng mua các loại thuốc ở bất cứ quầy dược nào mà không cần đơn kê từ các bác sĩ.

Do đó, sự hiểu biết của người dân về thuốc, tác dụng điều trị cũng như những mặt trái khủng khiếp của nó chưa thực sự cao, mọi người dễ dàng tiếp nhận viên thuốc cho vào miệng với hy vọng bệnh sẽ qua nhanh và chẳng mảy may nghĩ gì đến hậu quả lâu dài ẩn chứa phía sau.

Mọi người đâu biết rằng những mặt trái từ thuốc chữa bệnh mang đến có thể còn nặng nề hơn gấp rất nhiều lần, nếu chúng ta thiếu hiểu biết hoặc lạm dụng nó.

Với mong muốn có thể góp một phần nhỏ giúp mọi người hiểu biết hơn về vấn đề này, bác sĩ xin chia sẻ một số thông tin như sau:

1. Hơn một phần ba việc sử dụng kháng sinh ở người là không cần thiết

Theo trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (U.S. CDC) có tới một phần ba đến một nửa việc sử dụng kháng sinh ở người là không cần thiết hoặc không phù hợp.

Các trường hợp đau họng, đau nhức xương khớp, sốt và hắt hơi sổ mũi… có nguyên nhân từ các virus, mà virus lại không bị tiêu diệt bởi kháng sinh. Chính vì vậy, kháng sinh sẽ không có tác dụng điều trị gì, thậm chí khi dùng kháng sinh sẽ làm cơ thể mệt mỏi hơn hoặc có thêm những tác dụng phụ khác.

Khi có những triệu chứng như trên, chỉ cần các bạn ăn uống nâng cao thể trạng, tăng cường sử dụng hoa quả tươi, hạn chế ra ngoài gió và tránh tiếp xúc với mọi người.

Ngoài ra có thể điều trị triệu chứng như: Uống thuốc ho, long đờm, hạ sốt, bổ sung vitamin, dùng nước muối biển vệ sinh mũi hầu họng, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin.

Chỉ khi bác sĩ xác định nguyên nhân của bệnh là do nhiễm khuẩn hoặc cảm cúm có bội nhiễm vi khuẩn thì mới được sử dụng những loại kháng sinh phù hợp. […]

2. Thuốc kháng sinh không chữa bách bệnh

Nhiều người đang có suy nghĩ “kháng sinh chữa bách bệnh”, sự thật lại không như vậy.

Để dễ tưởng tượng, bệnh tật có thể chia làm 7 nhóm cơ bản, bao gồm: Bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý do ngộ độc, bệnh lý miễn dịch, bệnh lý do thoái hóa, bệnh lý nhiễm trùng, những chấn thương do tai nạn gây ra.

Trong 7 nhóm trên, hầu như chỉ có nhóm bệnh lý nhiễm trùng và những tai nạn rách da, chảy máu, bệnh nhân mới có chỉ định sử dụng kháng sinh, đa số bệnh lý còn lại sử dụng những nhóm thuốc chuyên biệt khác.

Nói vậy để mọi người hình dung ra, kháng sinh không được chỉ định sử dụng nhiều như chúng ta nghĩ.

3. Kháng kháng sinh đang là vấn đề y tế nhức nhối toàn cầu

Khi một loại kháng sinh không còn có tác dụng trên một chủng vi khuẩn nhất định, những vi khuẩn này được gọi là “kháng kháng sinh” và đây chính là một trong những thách thức sức khỏe toàn cầu.

Bất kỳ loại vi khuẩn nào tồn tại trong điều trị, kháng sinh đều có thể nhân lên và truyền lại tính kháng của nó cho thế hệ sau.

Nguy hiểm hơn, một số vi khuẩn có thể chuyển các đặc tính kháng thuốc của chúng sang các chủng vi khuẩn khác làm cho tình trạng kháng thuốc càng trở nên phức tạp và lan rộng.

Riêng ở Mỹ mỗi năm có khoảng 2 triệu ca nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh và trong đó có đến 23.000 ca tử vong.

Ngoài ra, những chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm như tụ cầu vàng, lao kháng thuốc, ký sinh trùng sốt rét đang từng giờ, từng phút được tạo ra và gây rất nhiều thách thức cho hệ thống y tế các quốc gia.

Trần Quốc Khánh/ Thái Hà Books và NXB Công thương

SÁCH HAY