Ngày 21/11, mạng xã hội Việt Nam chia sẻ nhiều bài viết về bộ sưu tập thời trang của thương hiệu Ne-Tiger. Bộ sưu tập được giới thiệu trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân hè 2019, tổ chức từ tháng 10/2018.
Áo dài bị chú thích "phong cách Trung Quốc"
Cộng đồng mạng Việt Nam bức xúc khi tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đăng nhiều hình ảnh trình diễn của dàn mẫu nữ trong trang phục áo dài cùng dòng tiêu đề: "Chinese style delights China S/S Fashion Week'' (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week)
Điều này khiến khán giả Việt Nam bức xúc khi áo dài truyền thống của dân tộc bỗng dưng trở thành thành quả sáng tạo mới của nhà thiết kế đất nước tỷ dân. Đồng thời lên tiếng tố cáo Ne-Tiger ăn cắp trắng trợn quốc phục Việt Nam.
"Áo dài đã được cả thế giới công nhận là của Việt Nam. Việc cách tân hay không là sự ăn cắp", "Có vẻ như NTK đã tự cho mình cái quyền sử dụng áo dài dân tộc quốc gia khác vào bộ sưu tập một cách tùy tiện", cư dân mạng bình luận.
Áo dài Việt Nam bất ngờ xuất hiện trong bộ sưu tập của nhà mốt Trung Quốc. |
Theo bài viết trên trang Sina vào tháng 10/2018, bộ sưu tập này của Ne-Tiger được "lấy cảm hứng" từ quốc phục các quốc gia nằm trên Con đường tơ lụa cách đây 613 năm.
Trương Chí Phong - nhà sáng lập thương hiệu cho hay bộ sưu tập giới thiệu các mẫu trang phục truyền thống tại các quốc gia Đông Nam Á giúp công chúng nhận thấy sự khác biệt về mặt thời trang cũng như văn hóa, lịch sử giữa các nước. Đồng thời tích hợp các họa tiết văn hóa đặc trưng của các nước này vào trang phục của người Trung Quốc
"Đội ngũ thiết kế của chúng tôi đã mất hơn một tháng để thu thập tư liệu trang phục truyền thống tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia và các quốc gia khác. Hình ảnh về vật tổ, phù hiệu đặc trưng của từng nước sẽ được tích hợp vào mẫu trang phục Trung Quốc để tái hiện sự hùng vĩ của con đường tơ lụa trên biển", Trương Chí Phong chia sẻ trên Sohu.
Nhiều mẫu thiết kế trong show diễn được cách điệu từ trang phục truyền thống các nước. |
"Đội ngũ thiết kế của chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống của Trung Hoa. Nhưng cũng sẽ học hỏi và kết hợp chúng với các xu hương thời trang hiện đại của thế giới để đưa nó ra toàn cầu", ông này nói.
Ne-Tiger được thành lập vào năm 1982 và là thương hiệu thời trang cao cấp ở Trung Quốc. Các thiết kế của nhãn hiệu này từ khi thành lập đến nay đều tuân theo tôn chỉ bảo vệ văn hóa trang phục truyền thống Trung Quốc.
"Hoàn toàn là ăn cắp ý tưởng"
Trả lời Zing.vn, NTK áo dài Võ Việt Chung cho biết đây không phải là lần đầu anh chứng kiến các mẫu áo dài của Việt Nam xuất hiện trong các bộ sưu tập của các nhà thiết kế Trung Quốc. Anh kể 10 năm trước dự Tuần lễ thời trang ở Thượng Hải, anh đã chứng kiến điều này.
Theo quan điểm của người làm thời trang, nhà thiết kế cho rằng không thể có sự mượn ý tưởng ở đây. "Trong thời trang, chất liệu của nhà thiết kế này đã làm thì nhà thiết kế khác cũng không thể sử dụng. Ở đây lại là trang phục truyền thống của dân tộc. Tôi cho rằng đây hoàn toàn là sự copy, ăn cắp ý tưởng, hoàn toàn không thể lý giải bằng sự mượn ý tưởng", Võ Việt Chung nhấn mạnh.
NTK Võ Việt Chung, Ngọc Hân và Sỹ Hoàng đều cho rằng đây là hành động sao chép. |
NTK Võ Việt Chung cho rằng nếu các mẫu thiết kế này biểu diễn trong một chương trình hợp tác về văn hóa thì chấp nhận được nhưng lại đưa vào bộ sưu tập, trình diễn trong khuôn khổ tuần lễ thời trang thì là copy phản cảm.
Hoa hậu Ngọc Hân, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế áo dài, cũng chung quan điểm: "Dù trong trường hợp nói rằng bộ sưu tập tích hợp các họa tiết văn hóa đặc trưng của các nước khác như Việt Nam, Indonesia... vào trang phục của người Trung Quốc, tôi thấy vẫn phản cảm. Vì đa số thiết kế giống áo dài đến 99%. Chưa kể phụ kiện nón lá của người Việt cũng được sao chép lại nguyên mẫu, không có cách điệu".
"Khi lấy ý tưởng từ trang phục của một quốc gia khác, nhà thiết kế chỉ nên sử dụng những chi tiết nhỏ như cổ áo, hoa văn và phải có sáng tạo", cô nhấn mạnh.
Chia sẻ với Zing.vn, NTK áo dài Sỹ Hoàng kể: "Năm 2008, trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản tổ chức tại Tokyo - Nhật Bản, tôi vinh dự có mặt trong đoàn của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trong vai trò trình diễn giới thiệu áo dài. Sau đó, tôi và trưởng đoàn đi tham quan Bảo tàng Kimono, thời may cùng lúc đó tại bảo tàng có triển lãm chuyên đề Lịch sử trang phục 5000 năm Trung Quốc".
"Nhưng thật bất ngờ, lo lắng và phẫn nộ khi tủ kính trưng bày hiện vật cuối cùng của triển lãm tôi nhìn thấy là hiện vật nguyên bản một bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc. Phía dưới là bảng ghi chú thích hàng chữ trang phục hiện đại Trung Quốc. Tôi cho rằng dù với lý do nào, những mẫu trình diễn trong bộ sưu tập vừa qua đều là nguyên bản của áo dài, không thể nói đó là mượn ý tưởng, là sự ăn cắp", anh bức xúc.