Phụ nữ Triều Tiên mặc áo choàng lông trong mùa đông. Ảnh: AP |
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên xuất khẩu hàng hóa chủ yếu sang nước láng giềng Trung Quốc. Khoáng sản thô (đặc biệt là than) và máy móc là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên.
Tuy nhiên, ấn phẩm tháng 6 của tạp chí Ngoại thương, một tờ báo nhà nước ở Bình Nhưỡng, dành nhiều trang nội dung để quảng bá về những sản phẩm cao cấp như áo choàng lông thú và loại thuốc đa công dụng.
Tờ báo khẳng định, những sản phẩm dệt may và các bộ áo choàng lông thú của Tập đoàn Taehung rất được khách hàng "châu Á và châu Âu" ưa chuộng.
Taehung cho biết, những sản phẩm áo khoác của họ sử dụng lông của các loại thú như cáo xám bạc, chuột hải ly, rái cá, con lửng và thỏ. "Tập đoàn đang phát triển những công nghệ xử lý hiện đại hơn, tăng cường giao lưu và hợp tác với thế giới", bài báo viết.
Hồi tháng 2, một tờ báo Hàn Quốc cho biết giới nhà giàu ở Bình Nhưỡng rất chuộng loại áo khoác lông thú dùng trong mùa đông. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một kênh truyền thông nhà nước chính thức giới thiệu về sản phẩm thời trang cao cấp này.
"Thần dược" chữa bách bệnh?
Một sản phẩm mà tờ Ngoại thương quảng bá đặc biệt là những viên thuốc đa chức năng, với thành phần từ "nhiều loại vitamin và các chất hoạt hóa sinh lý". Những hiệu quả của viên thuốc như "kích thích hormone tăng trưởng", "cải thiện khả năng sinh lý ở người lớn tuổi".
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm Viện Công nghệ sinh học ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP |
Theo quảng cáo, đối tượng sử dụng thuốc rất đa dạng. Trẻ em có thể uống để kích thích phát triển, giúp vận động viên tăng cường dẻo dai và khả năng tập trung sâu, làm giảm sự mệt mỏi, chứng say xe và chữa bệnh thiếu máu. Bài viết không đề cập đến những tác dụng phụ của viên thuốc.
Chỉ dẫn sử dụng của nó cũng rất đơn giản: người lớn uống từ 2 đến 3 viên "vài lần mỗi ngày", trẻ em chỉ dùng từ một đến 2 viên hàng ngày. Các chuyên gia lưu ý, đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên xuất khẩu những viên thuốc do họ tự sản xuất.
"Nếu họ đã có thể sản xuất Viagra thì việc sản xuất những viên thuốc có tác dụng tích cực tương tự không phải chuyện khó", ông Kim Seung Chul, một nhà quan sát Triều Tiên, nói với tờ Guardian.
Bang Jun Seok, giáo sư dược phẩm tại Đại học Sookmyung (Seoul), nói: "Tôi tin rằng những viên thuốc này sẽ đến tay người tiêu dùng chủ yếu ở Trung Quốc và một số địa phương tại Hàn Quốc, nơi mà người dân vẫn tin vào đông y".