Bộ Quốc phòng Nga cùng nhà máy đóng tàu Sevmash vừa làm lễ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân chiến lược Belgorod. Đây là tàu ngầm đầu tiên thuộc Dự án 09852. Con tàu được đặt tên K-139 Belgorod. Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bình luận về thiết kế và nhiệm vụ của tàu ngầm này. Ảnh: TASS. |
Thuyền trưởng tàu ngầm đập vỡ chai champagne vào đuôi tàu trong tiếng vỗ tay của những người tham dự. Đây là nghi thức truyền thống khi hạ thủy các con tàu. Tổng thống Vladimir Putin chứng kiến lễ hạ thủy qua sóng truyền hình trực tiếp. Ảnh: Oleg Kuleshov. |
Hình ảnh tổng thể của tàu ngầm không được công bố. Các nhiếp ảnh gia tham dự lễ hạ thủy chỉ được chụp một phần rất nhỏ ở đuôi tàu ở vị trí chân vịt và bánh lái. Chân vịt của tàu cũng được phủ bạt để bảo mật thông tin về cánh quạt. Ảnh: TASS. |
Theo hãng tin TASS, Belgorod có chiều dài 184 m, trở thành tàu ngầm dài nhất thế giới từng được chế tạo. Tàu có lượng choán nước khi nổi khoảng 14.700 tấn, lượng choán nước khi lặn khoảng 24.000-30.000 tấn. Việc Nga hạ thủy tàu ngầm dài nhất thế giới nhanh chóng thu hút sự chú ý của các chuyên gia quốc tế. Ảnh: Military Russian. |
Theo Oleg Kuleshov, nhiếp ảnh gia hải quân kỳ cựu của Nga, K-139 Belgorod thực chất là phiên bản cải tiến từ tàu ngầm tấn công hạt nhân Đề án 949A Antey (NATO gọi là lớp Oscar II). K-139 Belgorod được khởi đóng từ năm 1992. Quá trình đóng tàu bị dừng lại do thiếu kinh phí thời hậu Xô Viết. Ảnh: Military Russian. |
Năm 2010, Nga lên kế hoạch chuyển đổi tàu ngầm K-139 đang đóng dang dở thành tàu ngầm cho mục đích đặc biệt. Quá trình tái đóng bắt đầu từ năm 2012. Nó được đổi tên thành Đề án 09852. Tàu ngầm này được thiết kế để mang theo các tàu ngầm mini có hoặc không có người lái. Ảnh: Military Russian. |
Các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra điểm tương đồng về cách bố trí chân vịt giữa tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar II (trước) và Belgorod (sau). Dù vậy, phần đuôi của Belgorod có thêm một số tính năng mới chưa được phân loại. Ảnh: Reddit/Russian Military. |
So sánh chiều dài của tàu ngầm Belgorod so với các tàu ngầm hạt nhân khác của Nga. Việc cải tiến cho nhiệm vụ mới khiến thân tàu phải kéo dài thêm khoảng 34 m. Khoang chứa tên lửa hành trình P-700 hai bên hông tàu bị loại bỏ để thiết kế khoang chứa tàu ngầm không người lái. Đồ họa: Military Russian. |
Tàu ngầm Belgorod được cho là sẽ trở thành tàu mẹ cho tàu ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon, thuộc dự án vũ khí chiến lược Status-6 mà Tổng thống Putin từng đề cập trong Thông điệp Liên bang. Ảnh: Military Russian. |
Poseidon là sự kết hợp giữa ngư lôi và tàu ngầm không người lái. Nó được trang bị lò phản ứng hạt nhân mini cho phép hoạt động với phạm vi tới 10.000 km. Poseidon di chuyển dưới nước ở độ sâu khoảng 1.000 m nên rất khó phát hiện và đánh chặn. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Poseidon mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ tới 200 megaton. Nó được thiết kế để kích nổ dưới nước, biến các thành phố, căn cứ quân sự ven biển của đối phương thành khu vực chết. Poseidon được ví von là "vũ khí ngày tận thế". Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |