Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện được hệ thống hang động núi lửa gồm các hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm. Hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên được phát hiện ở tỉnh Đắk Nông, chủ yếu ở huyện Krông Nô. Hang dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp. Đây là hệ thống hang động hiếm gặp bao gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham, được cho là cách đây hàng triệu năm. |
Việc khảo sát khu vực này bắt đầu từ năm 2007 bởi các nhà khoa học của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Một số thông tin ban đầu được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài. Một số nhà khoa học thuộc Hội Hang động Nhật Bản biết đến và bỏ tiền túi để tổ chức những chuyến khảo sát ở đây. Trong ảnh các nhà khoa học đo đạc bằng tia Laser ở phần thượng lưu. |
Các nhà khoa học đo đặc bằng tia Laser trong hang C3 - Đây là hang động đứng thứ 2 về độ dài của hang động dung nham ở Đông Nam Á |
Một đoạn hình ống thuộc hang C3 |
Dấu vết về mức dòng dung nham còn lưu lại trên thành hang C7 - Hang lớn nhất có chiều dài gần 1.100 m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược. |
Một phần trần hang bị sập mở ra cửa hang nhìn về phần thượng lưu hang C7 - hang được các nhà khoa học kết luận là hang dung nham dạng ống dài nhất Đông Nam Á. Các nhà khoa học mới khảo sát được 3 hang, dự kiến còn hàng chục hang động chưa được nghiên cứu. |
Cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Ảnh: Những vết bám màu trắng trên thành hang C7 có thể là do một loại vi khuẩn tạo ra. |
Một góc ở thượng lưu hang C7, việc còn sót lại 3 tầng địa mạo chứng tỏ dòng dung nham có thời gian phun trào khác nhau. |
Trong lòng các hang C7, C3, A1 có đặc điểm: lòng hang hình ống, trên tường hang có thạch nhũ dung nham, các "kệ" nham thạch, những dấu vết nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang thể hiện mức dung nham và hướng của dòng nham thạch, ống trong ống, hang phân nhánh... |
Dung nham với nhiệt độ cao tạo nên đường cong có hình dạng chiếc bàn độc đáo |
Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống. |
Phát hiện rắn cạp nia trong hang C7. |
Một phần hang hình ống cong được tạo bởi dòng dung nham chảy trong hang C7. Ngay từ ngày mai, 27/12, các nhà khoa học sẽ đo vẽ chính xác hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Krong Nô để xác định đặc điểm phân bố hang núi lửa, cụ thể đợt khảo sát tới sẽ đô vẽ chi tiết các hang C8, C6 và C1 |
Thời gian tới các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu các sản phẩm bên trong của dòng dung nham, những di chỉ khảo cổ, đa dạng sinh học cũng như cơ chế sinh thành ra chúng. Ảnh: Ánh nắng chiếu thẳng vào cửa hang C8. |
Cùng với những di sản địa chất, văn hóa cũ, với việc phát hiện hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, Đắk Nông đang hội tụ đầy đủ những tiêu chí để thành lập công viên địa chất. Các giải pháp bảo vệ bảo tồn, quản lý, khai thác phát triển du lịch cũng sẽ được nghiên cứu đề xuất |
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ huy động thêm các nhà đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu tiếp tục. Sau khi hoạt động nghiên cứu kết thúc, tỉnh sẽ có kế hoạch công bố với thế giới, xúc tiến thành lập công viên địa chất toàn cầu. |
Cảnh bên ngoài, phía Nam - Tây Nam ngọn núi lửa Chư B'luk |