Theo TS Nguyễn Nam (nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tư tưởng Đông Á ở Đại học Fullbright), Trịnh Công Sơn không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một nhà thơ hát lên những tác phẩm của mình. Và nhạc Trịnh có thể được xem là “một thứ văn học được biểu diễn bằng âm nhạc”.
TS Nguyễn Nam là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tư tưởng Đông Á ở Trường đại học Fullbright. Ông còn là một trong những giảng viên sáng lập trường. Ảnh: Fullbright University Vietnam. |
Tại chương trình “Trò chuyện với bạn trẻ - Câu hỏi về tự ngã: Nghe và đọc lại Trịnh Công Sơn - Tôi là ai, là ai…”, TS Nam đã cùng nhạc sĩ Dương Thụ (người sáng lập Chuỗi hoạt động Cà Phê Thứ Bảy) phân tích về hành trình phát triển “cái tôi” của Trịnh Công Sơn trong khoảng 30 năm trước khi ông qua đời.
“Cái tôi của cụ Trịnh đã phát triển qua ba hình thái khác nhau chỉ trong vài chục năm. Ban đầu, ông là một ‘cái tôi cô liêu’, khao khát chia sẻ rồi trở thành một ‘cái tôi vô ngã’ (thuật ngữ trong Phật giáo, chỉ những gì trường tồn, bất biến bằng cách cộng hưởng với một sự vật, hiện tượng nào đó - PV). Và từ ‘cái tôi vô ngã’, ông lại quay về với cái tôi cá nhân của một người công dân yêu Tổ quốc, quê hương”, TS Nguyễn Nam nhận định.
Cái tôi cô liêu, khao khát chia sẻ
Theo TS Nam, ban đầu, Trịnh vốn là một “cái tôi cô liêu”, đôi khi thiếu vắng một người đồng cảm, chia sẻ. Từ đó, ông chắt lọc sự cô đơn của mình và đổ vào bài hát Lời buồn thánh (sáng tác 1965), nỗi cô đơn của Trịnh Công Sơn đã lên cao nhất ở câu hát: “Trời mưa, trời mưa không dứt / Ô hay mình vẫn cô liêu”.
Tuy nhiên, “cái tôi cô liêu” của Trịnh không kéo dài quá lâu vì ông nhanh chóng nhận ra "Em là tôi và tôi cũng là em" (Tôi ơi, đừng tuyệt vọng, sáng tác 1994).
TS Nam lý giải: “Đừng hiểu lầm ‘tôi và em’ là hai người yêu nhau. Ở đây Trịnh Công Sơn đang nhắc về cái tôi và cái ta - nói rộng ra là cả nhân loại. Ông muốn nhấn mạnh rằng ai cũng là những con người biết yêu, biết cô đơn, biết vui, biết buồn. Cái tôi của Trịnh Công Sơn lúc này đã nhận ra nỗi đau chung của con người”.
Cũng trong bài hát này, Trịnh Công Sơn đã liên tục tự hỏi “Tôi là ai?”: “Tôi là ai mà còn khi giấu lệ? / Tôi là ai mà còn trần gian thế? / Tôi là ai là ai là ai mà yêu quá đời này”. “Những từ ‘giấu lệ’, ‘trần gian thế’, ‘yêu quá đời này’ đại diện cho những cảm xúc yêu, buồn, hờn, giận của con người trên ‘trần gian’. Cố nhạc sĩ đã lần nữa khẳng định mình cũng là một con người trần tục, biết yêu ghét giận hờn”, TS Nam phân tích.
Rồi từ những cảm xúc “trần gian thế”, Trịnh Công Sơn lại đi trước cả thời gian, trở về tận “ba trăm năm trước” để hỏi “Tôi là ai”: “Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa / Bỏ mặc tôi là tôi là ai” (Em đi bỏ lại con đường, sáng tác 1994). Không chỉ đi đến tương lai, ông còn ngược dòng quá khứ để tìm câu trả lời: “Tôi là ai, là ai / Ba trăm năm trước, tôi là ai?” (Tôi tìm tôi).
Trong khoảng 30 năm, cái tôi của Trịnh Công Sơn đã trải qua ba trạng thái khác nhau. Ảnh: Dương Minh Long. |
“Trịnh đã mượn khái niệm luân hồi của nhà Phật để tìm về kiếp trước lẫn đi đến kiếp sau. Và trong suốt quá trình đó, ông vẫn liên tuc hỏi: ‘Tôi là ai?’. Để rồi, ông hiểu được: Ông chính là kết quả của muôn kiếp nhân sinh của quá khứ và cũng là tiền đề cho muôn kiếp nhân sinh sau này. Đây là thời khắc mà cái tôi cá nhân trở thành cái tôi vô ngã, vượt cả thời gian lẫn không gian”, TS nói.
Tìm về bình yên từ bên trong
Khi đã hiểu về khái niệm “luân hồi”, cái tôi của Trịnh bắt đầu nhận ra bản chất của những mâu thuẫn trong cuộc sống. Sự “giác ngộ” của ông thể hiện đặc biệt rõ ở những câu hát: “Biển sóng biển sóng đừng âm u / Đừng nuôi trong ấy trái tim thù” (Sóng về đâu, sáng tác 1995), “Biển đánh bờ / Xôn xao bờ đánh biển / Đừng đánh nhau biển sóng sẽ tàn phai” (Biển nghìn thu ở lại, sáng tác 2001).
Theo TS Nam, nhiều bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh còn mượn một số quan điểm Phật giáo để truyền đạt thông điệp về bình yên là ở bên trong mỗi người. Ảnh: Tư liệu. |
“Khi đã giác ngộ, cố nhạc sĩ hiểu rằng những thứ trông có vẻ đối lập nhau thực chất không thể tồn tại nếu thiếu nhau. Ví dụ biển không thể tồn tại nếu không có bờ, bờ cũng không thể gọi là bờ nếu không có biển. Giống trong mỗi con người đều tồn tại các cặp đối lập: yêu - ghét, vui - buồn, thiện - ác… Ông kêu gọi mọi người hãy chấp nhận những điều chưa hoàn hảo của bản thân và người xung quanh”, TS Nam nhấn mạnh.
Vậy làm sao để chấp nhận những khiếm khuyết đó? Giống làm sao để “sống trong đời sống” (Để gió cuốn đi, sáng tác 1971)? Ngay câu hát tiếp theo, ông đã trả lời cho câu hỏi này: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng / Để làm gì, em biết không? / Để gió cuốn đi”.
“‘Gió cuốn đi’ ở đây không phải là cuốn trôi mà nên hiểu theo nghĩa ‘lan tỏa’. Có một tấm lòng để lan tỏa yêu thương cho cuộc đời”, ông Nam nói thêm. "Lúc này, ông cũng nhận ra con người không thể tồn tại độc lập mà phải hòa vào cộng đồng, yêu thương con người khác. Có như vậy mới đạt được sự vĩnh cửu, vô ngã".
Khi ‘cái tôi vô ngã’ hoàn thiện, Trịnh Công Sơn lại trở về sống như một con người yêu quê hương, Tổ quốc. Ảnh: Tư liệu. |
Và nhờ lòng yêu thương với con người, nhạc sĩ sinh năm 1939 lại “thấy trong ta hiện bóng con người” (Một cõi đi về, sáng tác 1974). Cụm từ “bóng con người” đại diện cho tình yêu thương, vốn đã được "cuốn đi", trở về với tâm hồn người nhạc sĩ.
Lúc này, “cái tôi vị nhân sinh” (cái tôi sống vì nhân sinh) đã được phát triển gần như hoàn thiện. Cố nhạc sĩ đã tìm thấy bình yên, tình yêu ngay trong tâm hồn.
“Khi ‘cái tôi vô ngã’ hoàn thiện, Trịnh Công Sơn lại rũ bỏ mọi thứ siêu việt, trừu tượng mà ông luôn tìm kiếm. Ông trở về sống như một con người yêu quê hương, Tổ quốc qua bốn câu hát: ‘Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên / Nhìn rõ quê hương nhìn rõ lại mình / Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống / Vì đất nước cần một trái tim’ (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui - PV)”, ông Nam vừa nói vừa hát để kết lại buổi trò chuyện.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.