Ahmad Fariza là nhà thiết kế đồ họa 27 tuổi sống ở Bekasi, ngoại ô thủ đô Jakarta. Năm 2021, Fariza lần đầu biết tới ứng dụng Alodokter khi làm việc cùng chính phủ cung cấp dịch vụ y tế tới các khu vực xa xôi hẻo lánh tại Indonesia trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
"Khám bệnh qua điện thoại rất tiện lợi, sau này khi bị ốm, tôi có thể sử dụng ứng dụng. Khám bệnh trực tuyến thay vì đến tận bệnh viện giúp tiết kiệm công sức và chi phí cho người bệnh", Fariza nói.
Tư vấn trực tuyến bùng nổ
Do đặc điểm địa hình bị chia cắt, nhiều đảo, một bộ phận không nhỏ người dân Indonesia từ lâu đã gặp khó khăn khi muốn tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, các công ty bắt đầu tung ra thị trường các dịch vụ khám bệnh qua điện thoại, giúp loại bỏ những khó khăn như thế. Riêng ứng dụng Alodokter có 80.000 bác sĩ trực thuộc.
Tư vấn sức khỏe trực tuyến thông qua ứng dụng di động đang trở nên phổ biến tại Indonesia cũng như nhiều nước khác ở Đông Nam Á, xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng, trong khi số lượng bác sĩ thiếu hụt.
Số khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn trực tuyến ngày càng tăng. Ảnh: World Economic Forum. |
Số người sử dụng điện thoại thông minh ở Đông Nam Á tăng nhanh cho phép họ trải nghiệm các dịch vụ tiện nghi thông qua ứng dụng di động như giao thông, giao hàng, thanh toán điện tử.
Trong xu thế ấy, tư vấn sức khỏe trực tuyến không phải ngoại lệ. Các công ty công nghệ đang cạnh tranh gắt gao để giành thị phần chăm sóc y tế trực tuyến.
Tháng 12/2022, ứng dụng Doctor Anywhere đã gọi vốn thành công 38,8 triệu USD. Số tiền này được đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, một phần dùng cho thương vụ thâu tóm tập đoàn y tế Asian Healthcare Specialists với 10 cơ sở y tế.
Sau một cuộc tư vấn sức khỏe trực tuyến, Doctor Anywhere có thể hướng dẫn bệnh nhân tới điều trị hoặc phẫu thuận tại một cơ sở điều trị đối tác, trong đó có Asian Healthcare Specialists. Ứng dụng này hiện có 2,5 triệu người dùng ở Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
"Đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của chúng tôi xây dựng hệ sinh thái chăm sóc y tế điện tử, nhằm điều trị tốt hơn cho bệnh nhân, cũng như định hình tương lai ngành chăm sóc y tế tại Đông Nam Á", Lim Wai Mun, CEO của Doctor Anywhere, cho biết.
Theo ông Lim, các khách hàng ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của các biện pháp y tế dự phòng, điều này giúp mô hình tư vấn sức khỏe trực tuyến có cơ hội phát triển.
Tại Philippines, tập đoàn Ayala năm ngoái tuyên bố sẽ hợp nhất 3 công ty gồm KonsultaMD, HealthNow và AIDE thành một siêu ứng dụng y tế công nghệ. Ứng dụng mới dự kiến sẽ được ra mắt trên kho ứng dụng trực tuyến vào cuối Quý I/2023.
Giải pháp cho khu vực
Với Indonesia, quốc gia có quy mô dân số và nền kinh tế lớn nhất khu vực, các chuyên gia nhận định vẫn còn "nhiều vấn đề y tế khác nhau". Jonathan Sudharta, CEO của công ty cung cấp dịch vụ tư vấn y tế từ xa Halodoc, cho biết mô hình tư vấn sức khỏe trực tuyến sẽ giúp giải quyết các vấn đề của Jakarta.
Halodoc ra mắt năm 2016. Đến nay, ứng dụng này đã có hơn 20 triệu người dùng mỗi tháng. Số khách hàng lựa chọn Halodoc đang tăng trưởng nhanh, đặc biệt kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo ông Sudharta, mục tiêu của Halodoc là 100 triệu khách hàng trong nước, cũng như mở rộng sang các thị trường chiến lược như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Theo thống kê tháng 12/2022, Halodoc đưa thuốc tới bệnh nhân ở 400 thành phố, thị trấn. Trong đó, bệnh nhân ở 120 thành phố có thể nhận thuốc chỉ trong vòng 15 phút sau khi kê đơn.
Tư vấn trực tuyến giúp giải quyết vấn đề thiếu bác sĩ. Ảnh: Doctor Anywhere. |
Tư vấn y tế trực tuyến đang giúp hệ thống y tế Đông Nam Á giải quyết vấn nạn thiếu bác sĩ.
Indonesia, nước đông dân nhất khu vực, có 6,95 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2021. Tỷ lệ này ở Thái Lan là 9,28 bác sĩ/10.000 dân, theo thống kê của WHO. Trong khi đó, các nước như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc đều có tối thiểu 23 bác sĩ/10.000 dân.
Năm 2020, chi tiêu dành cho y tế của Indonesia là 36 tỷ USD, tăng 71% so với năm 2010. Trong cùng thời kỳ, Thái Lan tăng gấp đôi chi tiêu cho y tế lên mức 22 tỷ USD. Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tăng trưởng mạnh mẽ là xu thế chung của Đông Nam Á.
Bên cạnh nhiều lợi ích to lớn, dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến cũng đi kèm rủi ro về mặt dữ liệu, theo ông Abhay Bangi, trưởng bộ phận tư vấn khoa học và y tế tại Ernst & Young.
"Lượng dữ liệu được tạo ra, thu thập nhân danh các cá nhân ngày càng nhiều hơn. Ngay cả khi các nhà cung cấp, các ứng dụng có thể dễ dàng tạo ra dữ liệu, vẫn có những rủi ro xung quanh quyền sở hữu, chia sẻ, sử dụng dữ liệu y tế cần phải được xử lý", ông Bangi nói.
Thời gian qua, các công ty đang tăng cường phối hợp để cải thiện trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ, điều này đòi hỏi các bên liên quan chia sẻ dữ liệu, làm tăng rủi ro với quyền tự do và bảo mật cá nhân của khách hàng.
Chuyên gia của Ernst & Young cho rằng các công ty cần đầu tư mạnh hơn vào hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ IT để quản lý và bảo vệ dữ liệu khách hàng, chống lại các nguy cơ tấn công an ninh mạng.
Tuy vẫn còn nhiêu rủi ro, ngành dịch vụ tư vấn y tế điện tử được đánh giá có nhiều dư địa phát triển bởi nhu cầu ngày một lớn. Những người không thể tới gặp trực tiếp bác sĩ, những người sống ở nơi xa xôi hẻo lánh, những nơi không có hệ thống chăm sóc y tế vật lý, sẽ là tệp khách hàng rất tiềm năng.
"Những người đã trải nghiệm và tận hưởng sự tiện lợi của dịch vụ sẽ muốn tiếp tục được tư vấn trực tuyến. Tư vấn y tế trực tuyến sẽ giúp quá trình thăm khám, điều trị trở nên thuận tiện hơn cho bệnh nhân", ông Bangi nói.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.