Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khaisilk: Giàu sang từ lụa, khủng hoảng cũng vì lụa

Khởi nghiệp bằng tơ lụa, đây cũng chính là ngành hàng làm nên thương hiệu Khaisilk, nhưng cũng chính lụa đang khiến tương lai kinh doanh của ông Hoàng Khải khó khăn.

Doanh nhân Hoàng Khải sinh năm 1964 tại Hà Nội, là con trai cả trong một gia đình có cửa hàng thêu trên phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Có vẻ sinh ra tại một trong những con phố bán vải vóc sầm uất của thủ đô nên ông Khải đã sớm có ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực này.

Khởi nghiệp nhờ lụa 

Vào những năm 80, khi 25 tuổi, ông Hoàng Khải bỏ học Nhạc viện Hà Nội và mở cửa hàng đầu tiên trên phố Hàng Gai, với mong muốn đưa những sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao của Việt Nam đến tay bạn bè quốc tế.

Cửa hàng lụa của ông Khải nhắm đến khách du lịch quốc tế. Ngoài ra còn những khách nội địa, chính là người Hà Nội có nhu cầu về lụa, về một món quà mang đặc trưng thủ đô.

Định vị phân khúc khách hàng cao cấp, lại là người đi tiên phong trên thị trường nên thương hiệu lụa Khaisilk nhanh chóng gặt hái thành công.

khai silk anh 1
Tơ lụa đã làm nên danh tiếng, thương hiệu cho doanh nhân Hoàng Khải.

Theo một số ý kiến, việc tiên phong của cửa hàng Khaisilk đầu tiên đã kéo theo sự phát triển của các khu phố Hàng Gai, Hàng Bông, biến các phố này thành nơi tập trung nhiều cửa hàng lưu niệm tơ lụa tại Hà Nội.

Ông Khải được cho là tự thiết kế các mẫu sản phẩm lụa của mình. Lụa khi đó ông nói rằng nhập từ những làng nghề thủ công có tiếng tại Hà Nội và Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, ông Hoàng Khải còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại nhiều khách sạn 5 sao. Ông còn có thêm các cửa hàng sang trọng tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc (Kiên Giang)...

Thành công với kinh doanh tơ lụa từ rất sớm được cho bệ phóng giúp ông Hoàng Khải, Chủ tịch Khaisilk có nguồn tài chính dồi dào để mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác. Ông Khải chia sẻ đã dùng tiền tích lũy được để đầu tư vào lĩnh vực tiếp theo là khách sạn, tiếp đó là nhanh chóng thành công với mảng bất động sản khi quyết định chuyển hướng làm ăn vào TP.HCM.

Ông chủ Khaisilk được cho là khá thành công trong việc đầu tư, mua đi bán lại hàng chục căn biệt thự siêu sang tại các khu vực trung tâm và phía Nam Sài Gòn. Đặc biệt, vào giai đoạn 2006-2007, khi bất động sản lên cơn sốt, việc sang nhượng lại các sản phẩm bất động sản đã đem về nhiều lợi nhuận cho doanh nhân này.

khai silk anh 2
Cửa hàng lụa trên phố Hàng Gai của doanh nhân Hoàng Khải, nơi vừa bị tố bán khăn "made in China". Ảnh: Hiếu Công.

Nhiều người cho rằng nếu không thành công từ mảng lụa, chắc chắn ông Hoàng Khải sẽ không thể có vốn để đầu tư các mảng mới như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại như hiện nay.

Lao đao cũng vì lụa

Giữa tháng 10, một doanh nghiệp tại Hà Nội tố thương hiệu Khaisilk bán hàng "made in China". Doanh nghiệp này cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác.

Nhưng sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”. Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiện dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.

Bộ trưởng Công Thương nói về việc Khaisilk bán hàng 'made in China' Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai cho rằng nhân viên kho đã nhầm lẫn khi soạn lô khăn tay cho khách. Do bị thiếu một chiếc nên nhân viên đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất khăn cho khách hàng khác để bù vào, mà không kiểm tra kỹ.

Đơn hàng bị lấy nhầm là đang sản xuất 350 khăn lụa khác cho một khách hàng ở Hong Kong. Việc may nhãn mác “made in China” là theo yêu cầu của khách hàng.

Làm việc với cơ quan quản lý thị trường chiều 26/10, đại điện cửa hàng Khaisilk Hàng Gai cho rằng do nhu cầu tăng đột biến trong đợt 20/10 vừa qua nên cửa hàng đã nhập một số sản phẩm lụa từ Trung Quốc về bán.

khai silk anh 3
Bên trong cửa hàng bán lụa trên phố Hàng Gai, nơi bán sản phẩm lụa nhập nhèm xuất xứ cho khách hàng.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn và bất ngờ, ông Hoàng Khải thừa nhận cửa hàng bán song song cả lụa Việt Nam và lụa Trung Quốc. Lỗi của ông là không làm rõ xuất xứ, nhập nhằng sản phẩm Việt và hàng Trung Quốc, khiến khách hàng bức xúc.

Hành động thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ lâu của ông Hoàng Khải nhận sự phản ứng gay gắt từ dư luận.

Nhiều người cho rằng ông đã lừa dối khách hàng chục năm qua. Một số khác tiếc cho thương hiệu lụa Việt hiếm hoi khẳng định được mình nhưng đã sụp đổ trong chốc lát. Một số người còn kêu gọi tẩy chay sản phẩm lụa của Khaisilk.

Sự việc được đẩy lên cao khi ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc và điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Việc xử lý đến đâu vẫn chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, như nhiều người nhận định, cái mất lớn nhất của ông Hoàng Khải chính là thương hiệu lụa đã gắn bó với tên tuổi ông hàng chục năm qua, và mất hết niềm tin của người tiêu dùng.

Dù doanh nhân này tuyên bố sẽ vực dậy thương hiệu lụa bằng mọi giá, từ sản xuất, phân phối và quản lý, giới kinh doanh và người tiêu dùng vẫn đặt câu hỏi và nghi ngờ, bởi sự vực dậy này sẽ bằng cách nào khi niềm tin đã mất.

Đế chế Khailsilk có những gì?

Năm 2007, ông Hoàng Khải được cho là người Việt Nam đầu tiên sở hữu chiếc Rolls-Royce Phantom với trị giá khoảng 1 triệu USD. Theo đánh giá, vào thời điểm đó, Rolls-Royce Phantom được coi là chiếc xe đắt nhất Việt Nam.

khai silk anh 4
Phối cảnh 2 cao ốc với vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD vừa được doanh nhân Hoàng Khải phát lệnh khởi công tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Bộ sưu tập xe sang của ông Khải còn nhiều hơn thế. Ông sở hữu nhiều xe sang của các nhãn hiệu lớn như Range Rover, Jaguar, Audi Q7, BMW series 7, Mercedes S500 đời 2016... với giá bán từ 3,5 - 6 tỷ đồng. Ngoài ra còn có một chiếc Maybach trị giá 7 tỷ đồng.

Trong khối tài sản kếch xù của ông Hoàng Khải đặc biệt có rất nhiều bất động sản có giá trị cao trên cả nước. Nổi bật là lâu đài Tajmasago trị giá 15 triệu USD tại Phú Mỹ Hưng. Các bất động sản giá trị khác cũng nằm tại khu nhà giàu này là Trung tâm thương mại Paragon, nhà hàng Charm Charm. Tại khu trung tâm TP.HCM còn có các biệt thự Nam Phan (8 triệu USD), biệt thự Pháp Au Manoir de Khai (9 triệu USD)... 

Mới đây, cũng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, doanh nghiệp này đã động thổ 2 tòa nhà với vốn đầu tư 40 triệu USD.

Trong một lần chia sẻ với Zing.vn, khi được đặt câu hỏi về tiềm lực tài chính của Khaisilk, tiền đâu Hoàng Khải liên tục đầu tư những công trình đồ sộ như thế? Ông Khải nói rằng tiền đó từ ngân hàng. Doanh nhân này khẳng định làm ăn thì lúc nào cũng khó và lúc nào cũng dễ. Việc thuyết phục được ngân hàng cho vay là cái giỏi của doanh nghiệp.

Tất nhiên, bản thân mình phải có uy tín, dự án tốt và có vốn đối ứng.

“Nói như vậy để thấy rằng, trong làm ăn uy tín rất quan trọng. Anh mang uy tín, dự án tốt đi ‘thế chấp’ với ngân hàng thì họ cho anh vay thôi”, ông Khải khẳng định.

Chủ thương hiệu Khaisilk còn nói người Việt hay lo xa, thấy doanh nghiệp nhiều tiền lại nghĩ làm bậy, là rửa tiền. Nhưng ông cũng cho rằng để giàu phải có nhiều những thứ mà mình phải trả giá, chứ không phải cứ làm giàu một cách dễ dàng. Làm giàu không thể ngày một ngày hai.

Nhưng nếu giàu có về nhân cách sẽ dễ dàng dẫn bạn đến thành công trong cuộc sống nhiều hơn giàu về tiền bạc.

khai silk anh 5
 

Tượng đài 'bàn tay, khối óc Việt' Khaisilk sụp đổ

Nhiều độc giả Zing.vn bày tỏ sự thất vọng với thương hiệu Khaisilk khi ông chủ Hoàng Khải thừa nhận gần 30 năm nay bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm