Quyết định hủy đường ống Keystone XL được đưa ra sau khi "đánh giá toàn diện, và tham vấn các bên có liên quan cùng chính quyền bang Alberta, Canada", đơn vị chủ quản dự án thông báo hôm 9/6.
Tập đoàn TC Energy, chủ sở hữu dự án, cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các bên có liên quan nhằm "đạt các cam kết về môi trường và pháp lý, qua đó chấm dứt và rút khỏi dự án an toàn".
Theo Reuters, việc đường ống trị giá 9 tỷ USD bị hủy là chiến thắng lớn của các nhóm hoạt động vì môi trường, khi họ cho rằng đường ống này là không cần thiết và sẽ ngăn cản quá trình chuyển sang năng lượng sạch của nước Mỹ.
Các đoạn đường ống của dự án Keystone XL tại bang Nebraska, Mỹ. Ảnh: AP. |
"Đây là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi hy vọng chính quyền Biden sẽ tiếp tục đưa đất nước đi đúng lộ trình bằng cách chống các dự án năng lượng hóa thạch", Jared Margolis, một luật sư tại Trung tâm Đa dạng Sinh học, bình luận.
Được khởi công vào năm 2008, đường ống Keystone XL dự kiến chuyển hơn 830.000 triệu thùng cát dầu mỗi ngày từ bang Alberta, Canada đến bang Nebraska, Mỹ để tinh luyện, và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân cả hai nước.
Tuy nhiên, dự án đã bị trì hoãn trong 12 năm qua vì các vấn đề pháp lý, cũng như vấp phải sự phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường và cư dân bản địa.
Vào năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt dự án Keystone XL, song việc thi công vẫn chậm trễ do vướng mắt pháp lý.
Tổng thống Joe Biden cam kết cho hủy dự án này nếu ông thắng cử, và đã rút giấy phép xây dựng phần đường ống trên đất Mỹ ngay trong những ngày đầu nhậm chức.
Hiện Nhà Trắng chưa bình luận về vụ việc.
Về phần mình, chính quyền bang Alberta cho biết họ "thất vọng và chán nản về triển vọng của dự án Keystone XL".