Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại phiên họp tổ chiều 25/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu lại vấn đề khai thác cát lậu. "Báo chí đăng xuất qua Singapore 67 triệu m3, còn khai thác cát lậu trong nước bao nhiêu?", ông Nghĩa nêu.
“Chính phủ phải kiểm điểm lại 10 năm qua vấn đề khai thác cát ai ra chủ trương, chủ trương đúng hay sai? Nếu chủ trương đúng nhưng làm sai thì ai chịu trách nhiệm”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo ông Nghĩa, cần phải làm rõ lợi ích thu được từ khai thác hàng trăm triệu tấn cát trong đó có 67 triệu tấn bán qua Singapore. Số tiền này đi vào túi nào và đi vào ngân sách được bao nhiêu. Quan trọng hơn, cái giá phải trả cho việc đào hàng trăm triệu tấn cát như thế nào.
Ghe hút cát trái phép bị Công an Đồng Nai tạm giữ. Ảnh: Ngọc An. |
“Tăng GDP nhưng đánh đổi bằng những hậu quả mà báo chí vẫn đăng chuyện xóm này xóm kia lở hàng chục căn nhà. Nghe nói nhiều bí thư, chủ tịch các địa phương ủng hộ nhưng cũng có nhiều người không muốn khai thác cát nhưng Bộ thì cấp phép cho tư nhân”, ông Nghĩa nói thêm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng câu chuyện đặt ra ở Sơn Trà, Cát Bà, Hạ Long, Sơn Đoòng cho thấy thiên nhiên đang bị tán phá cho mục đích kinh tế. Chúng ta giữ cái đó nghĩa là tiền của ở đó, GDP ở đó. Du khách người ta đến đây để tận hưởng thiên nhiên chứ không phải để xem những công trình hàng chục tầng này kia.
Liên quan đến chỉ tiêu GDP, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Chính phủ đặt ra chỉ tiêu GDP 6,7%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ủng hộ.
Tuy nhiên, ông cho rằng, có thể nói chúng ta đặt ra như thế "chỉ để quyết tâm". Đại biểu nêu ra thắc mắc đánh giá phát triển theo GDP đã lạc hậu rồi nhưng tại sao mình vẫn cắm đầu cắm cổ vào chỉ số này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Cái giá phải trả cho việc đào hàng trăm triệu tấn cát là bao nhiêu?". Ảnh: Hiếu Duy. |
Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng các nước đã phải trả giá rất nhiều trong việc hy sinh con người, môi trường cho phát triển. Trong đó, Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho suốt 30 năm tăng trưởng. Ở Việt Nam, sau quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi thì vẫn chậm, mô hình cũ, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên.
Vấn đề lạm phát cũng rất đáng báo động. Theo ông Nghĩa, con số trên báo cáo rất khác với lạm phát thực sự trong đời sống hàng ngày của người dân đặc biệt ở các vùng miền xa xôi.
“100.000 đồng mấy năm trước khác 100.000 đồng hiện nay rất nhiều. Lạm phát đang tác động lớn vào bữa ăn người lao động. Đời sống công nhân các khu công nghiệp, các nhà máy rất khó khăn, thực phẩm chất lượng kém, giá nông sản cao nhưng người nông dân không được bao nhiêu do quá nhiều khâu trung gian”, ông Nghĩa nói.