Sáng 22/5, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, MTTQ tổng hợp được gần 3.300 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội.
Trong đó, hơn 740 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và gần 2.550 ý kiến, kiến nghị của người qua MTTQ Việt Nam các cấp. Cử tri và người dân ghi nhận những kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Xử lý án tham nhũng chậm, chưa rõ trách nhiệm người đứng đầu
Việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước người dân.
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội. Ảnh: Như Linh. |
Tuy nhiên, cử tri và người dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.
Liên quan đến cải cách bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc sắp xếp cán bộ, công chức chưa phù hợp, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra.
“Cử tri và người dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp. Tiếp tục chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển và thi chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức”, ông Nhân nói.
Trong báo cáo, MTTQ Việt Nam cũng nêu 6 kiến nghị, trong đó đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.
“Đề nghị các cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp, các bộ, ngành với tinh thần thẳng thắn đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý thực thi nhiệm vụ.
"Kiên quyết xử lý trách nhiệm về Đảng và Nhà nước đối với vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên để giữ gìn sự trong sạch và uy tín của Đảng, Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật và củng cố niềm tin trong người dân”, báo cáo nêu.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 22/5. Ảnh: Phạm Duy. |
Cử tri đòi hỏi hành động cụ thể với "cát tặc", phá rừng
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh tình trạng “cát tặc”, phá rừng diễn ra nghiêm trọng và kéo dài khiến cử tri, người dân bức xúc. Khai thác cát làm sạt lở bờ sông và sẽ còn tiếp tục gây sạt lở, báo chí phản ánh rất nhiều nhưng nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố chưa thực sự lên tiếng.
Trong kiến nghị, Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, về bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước; kiên quyết xử lý các vi phạm và báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.
"Đề nghị Chủ tịch tỉnh, thành phố phải có tuyên bố chung và chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng khai thác cát trái phép, phá rừng trên địa bàn quản lý để Mặt trận, báo chí và nhân dân giám sát, coi đây là tiêu chí cụ thể để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của mỗi đồng chí", báo cáo nêu rõ.