Đầu tháng 7, các cựu quân nhân, thủy thủ và nhân viên Không quân Hoàng gia Anh (RAF) sẽ làm việc với nhóm khảo cổ học do giáo sư Tony Pollard của Đại học Glasgow dẫn đầu để khám phá di tích nông trại Mont-St-Jean, nơi hàng nghìn binh sĩ bị thương đã được sơ cứu do bị trúng đạn pháo trong trận chiến lịch sử.
Trận chiến Waterloo đã thay đổi bộ mặt của châu Âu. Ảnh: Alamy. |
Nơi Napoleon thảm bại
Theo Guardian, cuộc khai quật được tổ chức bởi Waterloo Unpacked, tổ chức từ thiện được thành lập bởi hai sĩ quan Vệ binh Coldstream là Charles Foinette và Mark Evans.
Cả hai đều mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) sau trận đánh ở Afghanistan.
Dự án này, như nhiều dự án khác của Waterloo Unpacked, hướng tới kết hợp khảo cổ học với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ các cựu binh thời kỳ hậu chiến.
Tháng 6/1815, Napoleon đã lãnh đạo quân đội Pháp chiến đấu giành được vị trí của Wellington trên dãy Mont-St-Jean cách Brussels chỉ vài dặm.
“Khi pháo nổ, các trang trại ngay lập tức tràn ngập người bị thương”, GS. Pollard nói, “Mont-St-Jean gắn liền với nỗi đau và sự chịu đựng. Ước tính đã có tới 6.000 ca thương vong từng lưu lại đây. Di tích này chưa từng được khai quật. Đối với các nhà khảo cổ học, đây là cơ hội quý để tìm kiếm bằng chứng về cuộc chiến bền bỉ giành giật mạng sống từ tay tử thần”.
Địa điểm trước kia là chiến trường Waterloo không có nghĩa trang nhưng đã có một bảo tàng và đài tưởng niệm được dựng lên. Các xác chết được hỏa thiêu hoặc chôn cất trong những ngôi mộ không tên, xương cốt được lấy để tưởng niệm hoặc sử dụng làm phân bón cho nông dân địa phương.
“Việc khai quật địa điểm bệnh viện dã chiến sẽ khiến nhiều người trong chính chúng tôi không khỏi suy nghĩ và xúc động bởi họ cũng từng tham gia sơ cứu tại chiến trường”, ông Evans cho biết.
“Những người tham chiến năm 1815 hẳn đã không hy vọng gì nhiều. Kể cả những người sống sót trở về cũng phải đối mặt với tương lai bất định do chấn thương nghiêm trọng. Việc điều trị và phục hồi, so với thời đó, thì nay đã tiến bộ rất nhiều”.
Quan trọng với lịch sử châu Âu
Trong nhóm làm việc tại di tích từ tháng 7 sẽ có các thương binh, cựu binh bị chứng căng thẳng sau chấn thương sau thời gian chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, độ tuổi dao động từ 19 (một người thuộc Vệ binh Coldstream đang hồi phục chấn thương trong quá trình huấn luyện) đến ngoài 70.
Bệnh viện dã chiến Mont-St-Jean cách tiền tuyến 600 m về phía bắc, tại đó đặt tấm bia ghi nhận công lao của các bác sĩ phẫu thuật thuộc Quân Y Hoàng gia. Trong số bệnh nhân của họ có cả Hoàng tử xứ Orange và Chỉ huy Quân đội Wellington, Lãnh chúa FitzRoy Somerset.
William Gibney, trợ lý bác sĩ phẫu thuật cho Vua Hussars thứ 15, miêu tả cảnh tượng khi đó: “Không có gì có thể vượt qua sự đau thương đã từng bao phủ nơi này. Có người chỉ còn một cánh tay treo lơ lửng, gắn với phần còn lại duy nhất bằng một sợi cơ, hay có người bị thương chỉ còn lại nửa bên mặt”.
Sự tham gia của 8 cựu binh thuộc quân đội Hà Lan được đại tá Lud Lud de Vos của Viện Cựu chiến binh Hà Lan rất hoan nghênh. Ông rất tự hào khi đất nước của mình đã anh dũng tham gia trận chiến Waterloo.
“Chúng tôi rất vui mừng khi các cựu binh Hà Lan được phối hợp cùng các đồng nghiệp Anh và quốc tế tại một di tích có vai trò rất quan trọng đối với lịch sử châu Âu”.