Quốc hội khóa XIV sẽ có 26 ngày làm việc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo dự kiến chương trình, kỳ họp này sẽ dành gần 2/3 thời gian để xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật và 1 nghị quyết khác.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 và nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp...
Quốc hội cũng dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, một trong những điểm mới của kỳ họp là Quốc hội sẽ tạo điều kiện để đại biểu tranh luận, trao đổi hết các vấn đề trong các phiên thảo luận.
Cụ thể, trong quá trình xin ý kiến về các dự án luật, nếu còn có nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thảo luận để bảo đảm dự án luật khả thi khi đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, Quốc hội tạo điều kiện tranh luận về các báo cáo kinh tế. Các bộ trưởng, trưởng ngành của cơ quan trực tiếp trình các dự án luật sẽ tranh luận trên nghị trường với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong quá trình thảo luận, đại biểu muốn tranh luận với đại biểu khác hoặc với bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể đăng ký phát biểu.
Như thường lệ, kỳ họp cuối năm dành 2,5 ngày cho chất vấn và trả lời chất vấn.