Tổng Thư ký Ban Ki-moon phát biểu tại phiên toàn thể khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Ảnh: Reuter/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ), ngày 25/9, hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã được khai mạc tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng, trưởng đoàn đại biểu 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu.
Tham dự hội nghị còn có đông đảo các đại diện của giới khoa học, tài chính, doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và báo giới.
Sau khi lắng nghe bài diễn văn của Giáo hoàng Francis, các đại biểu đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2030, bao gồm 17 mục tiêu đầy táo bạo nhằm đạt được ba thành tựu "phi thường," đó là chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và vô luật pháp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Chương trình đề ra những mốc thời gian cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái Đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đó. Trong vòng 15 năm tới, các chính phủ và tổ chức sẽ tăng gấp đôi những nỗ lực phát triển để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên hành tinh để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Ban Ki-moon nói: “Chương trình nghị sự Phát triển bền vững là lời hứa của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một chương trình nghị sự vì nhân dân, để chấm dứt mọi hình thức nghèo đói. Đó là một chương trình nghị sự vì sự chia sẻ thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, cùng hành động để chống biến đổi khí hậu, chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người. Trên hết, đó là cam kết rằng sẽ không có ai bị tụt lại đằng sau."
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kết luận: "Cam kết với chương trình nghị sự 2030 sẽ được chứng tỏ bằng hành động. Chúng ta cần hành động từ mọi người, từ mọi nơi. 17 mục tiêu phát triển bền vững là kim chỉ nan cho chúng ta. Chúng là danh sách những điều cần phải làm cho mọi người dân trên trái đất, và là một dự thảo của thành công."
Các Mục tiêu phát triển bền vững mới được xây dựng dựa trên các chương trình nghị sự đề ra mục tiêu của các hội nghị Liên Hợp Quốc và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vốn đã được đông đảo dư luận ghi nhận là thành công trong việc giúp hàng triệu người cải thiện cuộc sống.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng khẳng định những thành tựu quan trọng mà Liên Hợp Quốc đã đạt được trong 70 năm qua. Theo ông Ban Ki-moon, trong bối cảnh thế giới những năm qua có nhiều biến đổi nhanh và khác thường, Liên Hợp Quốc đã có công lớn trong việc đề ra những quy định, những điều luật quốc tế để đảm bảo nhân quyền cho tất cả mọi người dân trên trái đất, tham gia giải quyết vô số cuộc xung đột, triển khai các họat động gìn giữ hòa bình cũng như làm tốt công tác trung gian hòa giải.
Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon thừa nhận những điểm nóng nổi lên trên thế giới trong mấy năm trở lại đây cho thấy Liên Hợp Quốc cần tiếp tục có sự cải tổ và điều chỉnh thì mới có thể theo đuổi mục tiêu cuối cùng đó là trợ giúp tất cả các quốc gia trên trái đất.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng Hội đồng Bảo an, các Cơ quan Tài chính và một số tổ chức hoặc cơ chế được thiết lập để xử lý các cuộc khủng hoảng kinh tế là những định chế mà Liên Hợp Quốc cần phải cải tổ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng nêu quan ngại về những cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra dai dẳng tại Ukraine, Syria, Iraq, Libya, Nam Sudan... Ông nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế, thông qua những cơ chế luật quốc tế, cần phải làm mọi việc để chấm dứt và ngăn chặn tình trạng bạo lực" đang cướp đi sinh mạng của vô số người dân vô tội tại những quốc gia này.