Hình ảnh tại đỉnh Hoàng Sơn, tỉnh An Huy hôm 4/4 cho thấy điểm tham quan này đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng áp dụng lệnh phong toả. Hàng nghìn du khách chen chúc để thưởng ngoạn cảnh đẹp từ sáng sớm.
Theo Global Times, các nhà chức trách mới đưa ra thông báo đỉnh Hoàng Sơn đã đón khách vượt mức tối đa, 20.000 người/ ngày, và sẽ không tiếp nhận thêm du khách.
Đỉnh Hoàng Sơn, tỉnh An Huy chật kín du khách hôm 4/4. Ảnh: CNN. |
Tương tự, khu vực Bến Thượng Hải cũng đông đúc, tấp nập người qua lại. Các nhà hàng “cửa đóng then cài” vài ngày trước, nay lại có hàng dài người xếp hàng để vào ăn. Tại thủ đô Bắc Kinh, người dân đổ ra đường vui chơi như để giải toả tình trạng bí bách thời dịch.
Chỉ vài tháng trước, Trung Quốc vẫn còn chật vật ngăn chặn Covid-19 lây lan. Ở đỉnh dịch, nước này ghi nhận hàng nghìn trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày.
Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm của virus corona đã giảm tốc trong thời gian gần đây. Hôm 6/4, Trung Quốc chỉ có 39 ca nhiễm bệnh, hầu hết trong số đó đến từ nước ngoài. Đến ngày 7/4, lần đầu tiên nước này không báo cáo thêm ca nhiễm mới nào trong 24 giờ trước đó. Tính đến nay, đại lục có tổng cộng 82.641 ca nhiễm và 3.335 ca tử vong do Covid-19.
Chưa phải lúc để mất cảnh giác
CNN nhận định với số ca nhiễm bệnh giảm đáng kể, chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra nhiều biện pháp để hồi phục kinh tế, tái khởi động các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, giới chuyên gia quan ngại những động thái nới lỏng có phần vội vã này có thể là tác nhân của một đợt bùng phát dịch thứ hai.
Theo nhà dịch tễ học Zeng Guang của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, “Trung Quốc chưa hề hết dịch mà đang bước vào một giai đoạn mới. Trong khi đó, thế giới vẫn đang chật vật với con virus này”.
Thủ đô Bắc Kinh tấp nập nguời qua lại hôm 6/4. Ảnh: CNN. |
Theo truyền thông trong nước, chính phủ có ý định mở lại các rạp chiếu phim rồi huỷ bỏ kế hoạch này ngay sau đó. Trong khi đó, các điểm du lịch ở Thượng Hải chỉ mở cửa lại trong 10 ngày rồi tiếp tục dừng hoạt động vào cuối tháng 3.
Tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ trích hình ảnh tại đỉnh Hoàng Sơn và yêu cầu người dân không tụ tập đông người. Tác giả viết, “giờ chưa phải lúc để mất cảnh giác”.
“Nếu những người mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng xuất hiện tại nơi đông người, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”, bài báo nhận định. Đỉnh Hoàng Sơn tuyên bố dừng tiếp nhận khách du lịch ngay sau chỉ trích nói trên.
Hệ quả tiềm tàng cho khu vực
Lo ngại về việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch quá sớm, nhiều chuyên gia ở Hong Kong đưa ra cảnh báo về đợt bùng phát dịch thứ ba tại khu vực này.
Theo nhà dịch tễ học Yuen Kwok-yung, một làn sóng ca ngoại nhập từ Trung Quốc có thể sẽ nối tiếp hàng loạt ca nhiễm bệnh từ châu Âu và Mỹ, vốn tạo nên "làn sóng thứ hai" tại Hong Kong.
“Hong Kong có thể hứng chịu hệ quả nếu Trung Quốc tiếp tục bùng phát dịch”, ông nói.
Hong Kong vẫn đang chật vật trong công tác kiểm soát làn sóng “ca ngoại nhập”. Ảnh: China Daily. |
Ông Kwok-yung bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp tại Hong Kong. “Điều đáng lo nhất là nhiều bệnh nhân với ít triệu chứng không được xét nghiệm đầy đủ. Việc này có thể cản trở nỗ lực chặn đứng dịch bệnh”.
Hong Kong vẫn đang chật vật trong công tác kiểm soát làn sóng “ca ngoại nhập”. Kể từ cuối tháng 3, người hồi hương và du khách từ châu Âu khiến số ca nhiễm bệnh ở Hong Kong tăng đột biến. Chỉ trong 2 tuần, số ca nhiễm ở khu vực này tăng từ 317 lên gần 900 trường hợp.
Theo ông Benard Chan, cố vấn hàng đầu của chính quyền, Hong Kong vẫn duy trì và cân nhắc thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch, bao gồm phong toả thành phố.