Kinh doanh nhà hàng, khách sạn cao cấp không phải là lĩnh vực đầu tư mà nhà đầu tư nào cũng có thể nhảy vào, vì nó đòi hỏi vốn ban đầu rất lớn và thời gian dài mới có thể sinh lời. Vì thế, bên cạnh lĩnh vực chính, nhiều ông chủ khách sạn còn tham gia song song vào cả những lĩnh vực khác đem lại lợi nhuận nhanh chóng hơn. Đôi khi, nghề tay trái lại có tỉ suất sinh lời cao hơn cả nghề tay phải.
Công ty Cổ phần Khách sạn & Dịch vụ Đại Dương (OCH) hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Khác với nhiều tập đoàn kinh doanh khách sạn ở Việt Nam thường dựa vào các thương hiệu khách sạn đã nổi tiếng thế giới (như SEA Bank sử dụng thương hiệu của Hilton, Berjaya với Sheraton Hà Nội), OCH tự mình triển khai các thương hiệu của riêng là Sunrise và Starcity Hotel.
Nhiều khách sạn đã thu lãi lớn nhờ... bán bánh. |
Tuy nhiên, dù nổi tiếng trong mảng kinh doanh khách sạn, OCH lại thu lãi nhanh hơn nhiều từ một lĩnh vực khác, đó là ... bán bánh. Hiện tại, tập đoàn này đang sở hữu Givral, một thương hiệu bánh kem khá nổi tiếng ở Sài Gòn.
Kể từ khi về tay OCH, Givral đã đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn, chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Thậm chí, có thời điểm doanh thu từ bán bánh của OCH còn nhỉnh hơn mảng kinh doanh khách sạn.
Năm 2011, bánh Girval đem lại 195,5 tỷ đồng cho OCH, chiếm tới 63% tỷ trọng doanh thu. Năm 2012, con số này là 203,6 tỷ đồng, chiếm 40,2%. Tỷ trọng doanh thu từ bánh cao một phần là nhiều dự án khách sạn lớn của OCH vẫn chưa đi vào hoạt động.
Về lợi nhuận gộp, năm 2011, bánh Girval thu về 59,2 tỷ đồng kém hơn một chút so với mức 62,2 tỷ đồng của mảng kinh doanh khách sạn. Sang đến năm 2012, khi mảng kinh doanh khách sạn gặp nhiều khó khăn, mảng bánh kẹo của OCH vẫn tăng trưởng mạnh. Tổng kết cả năm, lợi nhuận gộp từ bánh kẹo của OCH đạt 86,1 tỷ đồng, tăng mạnh và vượt qua mảng kinh doanh khách sạn.
Nhận thấy tiềm năng của Givral, OCH cũng rất tích cực mở rộng thương hiệu này không chỉ ở miền Nam mà còn "Bắc tiến". Hiện tại, Givral đã có một số cửa hàng ở Hà Nội.
Tiền thu về từ bán bánh (màu tím) luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu/lợi nhuận gộp của OCH. |
Quay lại lĩnh vực bánh kem, cùng đứng bên Girval trên đất Sài Gòn còn có một thương hiệu nội khá nổi tiếng khác là bánh kem Brodard. Ra đời năm 1948, Brodard cũng có truyền thống chẳng kém gì so với Givral.
Tương tự Givral, thương hiệu Brodard hiện cũng thuộc quyền sở hữu của một đơn vị chuyên trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng: công ty Cổ phần Bông Sen. Đây cũng là ông chủ cũ của bánh Givral. Bông Sen hoạt động khá mạnh ở miền Nam, phát triển tổ hợp du lịch - khách sạn - nhà hàng. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) hiện đang nắm giữ 21% cổ phần.
Năm 2009, khi kinh tế rơi vào suy thoái, hoạt động kinh doanh khách sạn giảm, Bông Sen đã nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh. Bên cạnh việc duy trì mảng kinh doanh nhà hàng, khách sạn, công ty này còn tập trung vào mảng kinh doanh bánh kem, tăng kênh phân phối cho bánh Brodard để bù đắp cho mảng khách sạn.
Trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn Bông Sen, Brodard cũng đóng góp một phần rất lớn. Năm 2011, doanh thu từ bán bánh của Brodard đạt 101 tỉ đồng, chiếm 26% trong cơ cấu doanh thu của công ty. Năm 2012, trong khi mảng kinh doanh khách sạn có dấu hiệu giảm sút (Doanh thu giảm từ 204 tỉ xuống còn 196 tỉ), doanh thu của Brodard vẫn tăng lên 108 tỉ đồng.
Về lợi nhuận gộp, năm 2012 bánh Brodard thu về 25 tỉ đồng lợi nhuận gộp, chỉ xếp sau mảng kinh doanh khách sạn (101 tỉ đồng).