Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương là chủ sở hữu và vận hành khách sạn Sheraton Grand Danang Resort - một trong những khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2019 vừa công bố của doanh nghiệp này, sang năm thứ 2 hoạt động thương mại, tình hình kinh doanh của khách sạn vẫn tiếp tục thua lỗ.
Năm 2019, doanh thu từ hoạt động phòng nghỉ khách sạn mang về cho Sheraton Đà Nẵng trên 382 tỷ đồng, tăng tới 47%, lợi nhuận gộp nhờ đó đã tăng gần 8 lần, đạt trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chi phí phát sinh trong kỳ lớn hơn nhiều năm trước (riêng chi phí lãi vay là 133 tỷ) khiến khách sạn lỗ trước và sau thuế gần 144 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp từ khi đi vào hoạt động khách sạn 5 sao này thua lỗ. Số lỗ ròng thực tế năm qua còn cao hơn con số dự kiến của lãnh đạo công ty là 125 tỷ đồng.
Với vốn điều lệ 250 tỷ nhưng lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đã là trên 334 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 80 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả đến cùng thời điểm của doanh nghiệp là trên 3.200 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay tài chính và nợ phải trả khác.
Trong đó, hơn 1.300 tỷ nợ phải trả khác là của 2 đối tác Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Vượng Phát (790 tỷ) và Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương Mại Hòa Quý (520 tỷ).
Đây là 2 doanh nghiệp có hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng trong đó Công ty Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất và các chi phí đầu tư vào dự án còn 2 doanh nghiệp trên góp bằng tiền mặt để hưởng lợi ích phân chia lợi nhuận sau này.
Tính riêng quý IV/2019, khách sạn này đạt gần 90 tỷ đồng doanh thu, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, toàn bộ doanh thu đều đến từ hoạt động chính là bán hàng và cung cấp dịch vụ cho thuê phòng khách sạn.
Tuy nhiên, giá vốn tăng cao đã khiến biên lãi gộp của Sheraton Đà Nẵng giảm từ 43,7% (2018) xuống 22,9% (2019). Kết quả là lợi nhuận gộp khách sạn thu về giảm 30%, đạt 21 tỷ đồng.
Khoản lãi gộp không đủ bù các chi phí phát sinh trong quý (chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp) khiến khách sạn 5 sao này lỗ trước thuế gần 31 tỷ đồng trong quý.
Do toàn bộ số lỗ trước thuế đều đến từ hoạt động kinh doanh chính, đây cũng là số lỗ ròng của Sheraton Đà Nẵng trong 3 tháng cuối năm. Cùng kỳ năm 2018, khách sạn này cũng lỗ ròng gần 18 tỷ đồng.
Khách sạn Sheraton Đà Nẵng với tiêu chuẩn 5 sao thuộc hàng lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Sheraton Grand Hotel Resort. |
Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort có diện tích 8,3 ha nằm trên trục đường Trường Sa thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), con đường tập trung nhiều khách sạn hạng sang nhất khu vực miền Trung. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt là 889 tỷ đồng nhưng tính đến cuối năm 2018 đã tăng lên 3.666 tỷ đồng.
Trước đó, dự án biệt thự và khách sạn này thuộc sở hữu của quỹ Vietnam Property Limited với gần 98% vốn. Nhưng đến tháng 8/2017, quỹ này đã chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An không thông qua chào bán công khai.
Từ đó, chủ đầu tư của khách sạn hạng sang này được giới thiệu là Tập đoàn BRG của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga và do Tập đoàn Marriot International phụ trách điều hành