Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách sạn 5 sao Sheraton Đà Nẵng lỗ lớn trong năm đầu hoạt động

Sau năm 2018 chịu lỗ 178 tỷ đồng, khách sạn Sheraton Đà Nẵng dự kiến tiếp tục lỗ thêm 125 tỷ đồng năm nay vì doanh thu chưa đủ bù đắp các chi phí phát sinh.

Khách sạn Biển Đông Phương (tên thương mại Sheraton Grand Danang Resort) là một trong những khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Khách sạn này nằm trên trục đường Trường Sa thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), con đường tập trung nhiều khách sạn hạng sang nhất khu vực miền Trung như Furama, Pullman, Crowne Plaza, Vinpearl, Melia…

Với diện tích 8,3 ha, Sheraton Đà Nẵng nằm trong một quần thể dự án biệt thự và khách sạn bao gồm xây dựng và kinh doanh khu khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng tiêu chuẩn 5 sao và các công trình phụ trợ khác.

khach san sheraton da nang lo lon anh 1
Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort. Ảnh: M.I.

Năm 2018 là năm đầu tiên chủ đầu tư tại đây đưa hệ thống khách sạn 5 sao này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu khai trương khách sạn này đã hứng chịu khoản lỗ lớn.

Chi phí quá lớn

Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (chủ đầu tư khách sạn) cho biết trong năm đầu đi vào vận hành, doanh thu khách sạn chỉ đạt 259 tỷ đồng, lỗ trước thuế lên tới 178 tỷ đồng.

Hoat động cho thuê phòng khách sạn và dịch vụ đi kèm vẫn mang lại lợi nhuận gộp 13,5 tỷ đồng cho chủ khách sạn này, nhưng chi phí tài chính quá lớn lên tới 109 tỷ đồng (hầu hết là lãi vay) cùng các chi phí khác đã khiến khách sạn này lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.

Theo ban lãnh đạo khách sạn, Sheraton Đà Nẵng chính thức mở cửa đón khách từ ngày 25/1/2018, nhưng do mới đi vào hoạt động nên doanh thu chưa thể bù đắp nổi chi phí phát sinh.

Trong đó, riêng chi phí lãi vay là 68 tỷ đồng do doanh nghiệp ngừng vốn hóa chi phí này vào giá trị tài sản như năm 2017. Ngoài ra, khoản bù đắp chi phí vốn cho các bên góp vốn đầu tư cũng lên tới 41 tỷ đồng, dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm đầu lỗ hơn 178 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguyên nhân thua lỗ cũng đến từ các chi phí khấu hao tài sản cố định, phân bổ công cụ dụng cụ đầu tư hình thành khách sạn.

khach san sheraton da nang lo lon anh 2

Thậm chí, sau năm đầu tiên vận hành thua lỗ, năm 2019 này ban lãnh đạo khách sạn tiếp tục đặt mục tiêu lỗ trước thuế thêm 125 tỷ đồng nữa. Và trong quý đầu tiên của năm nay, Sheraton Đà Nẵng đã lỗ trước thuế hơn 50 tỷ đồng, đẩy lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên mức 191 tỷ.

Tính đến cuối tháng 3, chủ sở hữu khách sạn này có tổng tài sản hơn 3.140 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn hơn 12 tỷ.

Như vậy, nếu tình hình diễn ra đúng như kế hoạch mà ban lãnh đạo khách sạn này đã đề ra, từ năm 2020 Sheraton Đà Nẵng sẽ phải hoạt động trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu nếu không được tăng vốn.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo tại đây cũng kỳ vọng trong thời gian tới khi hoạt động của khách sạn ổn định, tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện.

Giá phòng trung bình 4,66 triệu

Ngoài ra, năm 2019 này, chủ đầu tư cũng sẽ tiến hành chuyển nhượng khu biệt thự trong khuôn viên dự án, qua đó giúp cải thiện tình hình tài chính và bổ sung nguồn vốn lưu động cho công ty. Năm 2019, Sheraton Đà Nẵng dự kiến đạt tỷ lệ lấp đầy phòng vào khoảng 62% với giá phòng trung bình là 4,66 triệu đồng/phòng/đêm.

Dự án biệt thự và khách sạn Biển Đông Phương có tổng vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt là 889 tỷ đồng nhưng tính đến cuối năm 2018, tổng mức đầu tư theo dự kiến đã tăng lên là 3.666 tỷ đồng. Riêng về phần khách sạn Sheraton Đà Nẵng, tổng giá trị chủ đầu tư tạm tính là gần 2.147 tỷ đồng.

khach san sheraton da nang lo lon anh 3

Khách sạn Sheraton Đà Nẵng cũng chính là một trong những khách sạn hạng sang được lựa chọn để phục vụ Hội nghị APEC diễn ra vào cuối năm 2017 tại thành phố Đà Nẵng.

Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (tiền thân là Công ty TNHH Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương) được thành lập bởi 3 cổ đông, gồm Vietnam Property Limited; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Tân Tiến; và Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân vào năm 2011.

Trong đó, riêng Vietnam Property Limited đã nắm giữ tới 97,73% vốn.

Nhưng đến tháng 8/2017, quỹ này bất ngờ chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An không thông qua chào bán công khai. Đi cùng với đó, công ty cũng thay đổi hàng loạt nhân sự trong ban lãnh đạo.

Kể từ đó, chủ đầu tư của khách sạn hạng sang này được giới thiệu là Tập đoàn BRG của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga và do Tập đoàn Marriot International phụ trách điều hành.

Nhiều khách sạn cỡ lớn tại Hà Nội thua lỗ

Cùng sở hữu vị trí đắc địa tại thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, nhiều khách sạn cỡ lớn hiện nay đang hoạt động trong tình trạng kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm