Đặt cọc từ sớm, nhưng khách hàng đợi hơn 20 ngày vẫn chưa nhận được iPhone 14. Ảnh: Phương Lâm. |
Nhiều khách hàng đặt iPhone 14 từ những ngày đầu của đợt mở bán nhưng chưa nhận được sản phẩm. Điều này khiến trải nghiệm mua sắm giảm sút nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân đến từ việc Apple cung ứng hạn chế, dẫn đến thiếu hụt ở một số model nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng.
Tuy nhiên, một phần trách nhiệm thuộc về các đại lý đang chậm hàng. Những đơn vị này nhận cọc của khách khi không chủ động được nguồn hàng và ước tính được chính xác năng lực bán thực tế.
Đặt cọc từ ngày đầu vẫn chưa nhận được iPhone 14
Theo thông tin từ nhà bán lẻ, với tình trạng thiếu hàng cục bộ ở các model iPhone 14 Pro/Pro Max hiện tại, một số khách hàng sẽ phải đợi đến tháng 12 để nhận được chiếc điện thoại đã đặt trước. Điều này gây bức xúc với những người dùng đã đặt cọc từ sớm, nhưng vẫn chưa được trả máy.
Đại lý hẹn đến tháng 12 mới trả đủ đơn đã cọc. Ảnh: Phương Lâm. |
Những ngày gần đây, trên fanpage của Thế Giới Di Động, FPT Shop xuất hiện nhiều bình luận từ người dùng, phàn nàn về chất lượng dịch vụ. Nội dung các phản ánh này xoay quanh việc đại lý nhận cọc nhưng chưa trả hàng iPhone 14 dù ngày phát hành thiết bị đã trôi qua.
“Đặt cọc từ ngày 7/10 nhưng mãi không thấy cập nhật gì. Bình luận đòi máy trên fanpage hoài được cấp thành fan cứng luôn”, tài khoản Cảnh Hù bình luận trên trang Facebook của nhà bán lẻ Thế Giới Di Động.
Những nội dung tương tự cũng xuất hiện trên fanpage của nhiều nhà bán lẻ chính hãng. Tuy nhiên, tần suất tại những đơn vị khác ít hơn hai hệ thống lớn là Thế Giới Di Động và FPT Shop.
Về nguyên tắc, các hệ thống không làm sai cam kết bởi nhà bán lẻ không hứa về thời gian giao máy cho khách đặt cọc. Theo thỏa thuận, lô hàng đầu tiên được giao từ ngày 14/10. Tuy nhiên, tùy vào thời gian đặt cọc, lượng hàng có sẵn mà khách hàng sẽ được hẹn lịch nhận máy phù hợp.
Trả lời Zing, đại diện FPT Shop ước tính đến cuối tháng 11, toàn bộ khách đặt cọc iPhone 14 series tại hệ thống sẽ được giải quyết. “Nếu khách có nhu cầu, đại lý sẽ hỗ trợ chuyển đổi sang phiên bản, bộ nhớ khác nếu sẵn hàng”, phía FPT Shop trả lời.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động cho biết họ cam kết trả đủ hàng trước 30/11. Ngoài ra, phần cọc 1 triệu đồng khách có thể lấy lại nếu chờ đợi lâu, muốn đổi ý.
Đại lý lớn cháy hàng, cửa hàng nhỏ bao nhiêu cũng có
Lượng khách hàng bức xúc tại Thế Giới Di Động và FPT Shop xuất hiện nhiều bởi hai hệ thống này nhận lượng đặt trước lớn. Theo công bố từ phía cửa hàng, lượng nhận cọc lên đến hàng chục nghìn thiết bị. Tuy nhiên, số sản phẩm đã trả khách chỉ chiếm một phần nhỏ trong số này, dẫn đến bức xúc trong khách hàng.
Sau ngày mở bán rầm rộ, vẫn còn hàng nghìn khách hàng vẫn chưa nhận được chiếc iPhone 14 đã cọc. Ảnh: Phương Lâm. |
Tại những hệ thống chính hãng hãng khác có quy mô nhỏ hơn, họ chỉ nhận cọc giới hạn dựa trên năng lực cung ứng thực tế ở đợt hàng đầu. Do vậy, tỷ lệ khách hàng tiếp nhận cao hơn.
Ví dụ, Hoàng Hà Mobile không yêu cầu khách cọc ở các đợt hàng sau phải cọc tiền. Hay Minh Tuấn Mobile cũng không nhận cọc của khách đặt trước.
Nói với Zing, ông Bửu Nguyễn, ngụ TP Vũng Tàu cho biết đã đặt hai chiếc iPhone 14 Pro Max tại một hệ thống lớn từ sáng ngày 7/10. Tuy nhiên đến nay, thiết bị vẫn chưa đến tay khách hàng này.
“Hai máy đặt cách nhau 5 phút, một máy họ hẹn giao cuối tháng 11. Chiếc còn lại phải đến cuối tháng 12. Tôi đặt máy rất sớm, cùng thời điểm nhưng họ báo vậy cũng chẳng biết làm sao”, ông Bửu nói.
Một khách hàng khác đặt trước máy tại hệ thống lớn từ 0h ngày 7/10. Tuy nhiên, người này đến nay vẫn chưa có máy. “Nhân viên giải thích rằng họ phải trả máy cho khách đặt sớm. Trong khi đó, tôi cọc ngay từ nửa đêm. Vẫn không hiểu họ báo giao hàng chục nghìn máy cho những ai”, ông Quang Minh, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM bức xúc chia sẻ.
Ngoài ra, khách hàng này còn không hài lòng ở việc iPhone 14 xuất hiện nhiều trên thị trường “chợ đen”. Trong khi đó, những khách đặt từ sớm vẫn chưa nhận được máy.
“Bên ngoài họ báo giá chênh 3-4 triệu đồng, máy gì, bản nào cũng có. Trong khi đó, đại lý hàng nghìn cơ sở trên cả nước lại không có hàng giao khách. Tôi không nghĩ đây là việc ngẫu nhiên”, ông Minh nói.
Theo đó, khách hàng này nghi ngờ việc cửa hàng không quản lý chặt lượng hàng hóa. Điều này dẫn đến việc sản phẩm bị “tuồn” ra ngoài cho dân kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi chính người dùng đặt trước lại không có máy.
Trả lời Zing, các nhà bán lẻ đều cam kết siết chặt quản lý để hạn chế việc nhân sự làm sai quy tắc. Đồng thời, họ thực hiện nhiều chính sách để chống việc đầu cơ, bán lại. Tuy nhiên đến thời điểm này, tình trạng nêu trên vẫn không giảm sút.