Ngày mai, 1/12, khoảng 70.000 sản phẩm khuyến mại được giới thiệu nhân dịp Online Friday. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia chào bán. Trong số các sản phẩm khuyến mại, nhiều loại được đưa về 0 đồng. Đặc biệt, một doanh nghiệp chào bán iPhone X với giá chỉ 4,99 triệu đồng.
Khách hoài nghi về cơ hội mua được hàng
Tuy nhiên, nhiều khách hàng hoài nghi về việc hàng có giảm giá thật hay không, và ngay cả có, mình có “săn” được hàng giảm khá "khủng".
Anh Nam Anh (quận Hai Bà Trưng) cho biết anh muốn Việt Nam có một dịp mua sắm khuyến mãi sâu và mạnh như Black Friday, ngày độc thân tại một số nước trên thế giới. Nghe thông tin nhiều sản phẩm được giảm giá mạnh dịp Online Friday, anh Anh và gia đình muốn săn mua một số hàng gia dụng.
Khi truy cập vào website của ban tổ chức, nhiều sản phẩm được quảng cáo giảm giá sâu. Tuy nhiên, điều anh Nam Anh băn khoăn là ban tổ chức không cung cấp số lượng hàng khuyến mại với từng sản phẩm.
Sẽ có 4 chiếc Iphone X với giá chỉ 4,99 triệu đồng được bán ra. Ảnh minh họa. |
“Họ quảng cáo giảm giá nhưng không ghi rõ số lượng hàng bán ra là bao nhiêu. Tôi không thể biết giảm một, một vài chiếc hay số lượng không giới hạn. Tôi sợ đó chỉ là chiêu thức gây sự chú ý cho người tiêu dùng. Còn mua được hay không lại là chuyện khác”, anh Nam Anh tâm sự.
4 chiếc iPhone X giá 4,99 triệu đồng
Chị Nguyễn Huyền (quận Đống Đa) cho biết chị muốn săn iPhone X (giá chỉ 4,99 triệu đồng). Chị nhắc lại câu chuyện các năm trước thức dậy vào sáng sớm truy cập website để mua hàng nhưng nhiều loại hấp dẫn đã báo hết từ sớm. Nhiều bạn bè chị từng thức khuya để săn hàng cũng không hiệu quả.
Tuy nhiên, chị Huyền vẫn sẽ thức khuya để thử vận may của mình.
Theo thông tin từ lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, 4 chiếc iPhone X giá 4,99 triệu đồng được rao bán.
Các sản phẩm khác thì cơ quan này không rõ số lượng. Việc kiểm soát số lượng hàng được mang ra khuyến mại là khó. Theo đó, Cục sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật để giám sát số lượng hàng hóa.
Chị cũng không tin số lượng hàng lớn được khuyến mại, vì trên website không có thông tin. Hàng giảm giá thì có, nhưng nhiều hay không thì không ai biết.
“Hiện nay thông tin về giá cả sản phẩm để so sánh là khá dễ dàng tìm kiếm trên Internet. Nhưng những mặt hàng hiếm có, ít doanh nghiệp bán, thông tin giá không phổ biến, sẽ khó cho việc so sánh của khách hàng”, chị Huyền tâm sự.
Ban tổ chức cam kết gỡ ngay sản phẩm khuyến mại ảo
Trước đó, năm 2016, trong dịp khuyến mại này, Ban tổ chức đã tiếp nhận, xử lý hơn 600 phản ánh của người tiêu dùng. Trong đó, số lượng phản ánh về “khuyến mại ảo” chiếm 25%. Nhiều người tiêu dùng cũng phát hiện hàng nghìn sản phẩm do có giá cao hơn giá thực trên thị trường.
Những vấn đề mà người tiêu dùng khiếu nại với ban tổ chức là việc doanh nghiệp vi phạm các nội quy chương trình; ghi nội dung sản phẩm không đúng, gây phản cảm; giá khuyến mại trên website sai lệch với giá trên Online Friday, giá niêm yết cao hơn giá thị trường - khuyến mại ảo; sản phẩm hết hàng mà không hạ thông tin, chất lượng sản phẩm không đúng với mô tả…
Thị trường cũng từng chứng kiến việc nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy chủ động nâng giá hàng niêm yết lên cao. Sau đó đến ngày khuyến maị, họ giảm giá so với giá niêm yết cao đó. Điều đáng nói, giá này chỉ ngang bằng, thậm chí là cao hơn cả giá ban đầu.
Một chiêu khuyến mại ảo cũng từng xảy ra là việc nhiều doanh nghiệp thời trang rao bán hàng lỗi mốt, hàng size quần áo lớn, hàng để tồn từ lâu… trên các website thương mại điện tử với giá thấp để “vớt vát” lại số vốn bỏ ra. Khách hàng khi mua trực tuyến thường khó phân biệt hàng nên khi được giao hàng cảm thấy thất vọng về sản phẩm.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết năm nay quyết tâm ngăn chặn việc khuyến mại ảo bằng cách gỡ ngay sản phẩm khỏi website nếu có phản ánh của khách hàng.
Ngoài ra, đơn vị này cũng thực hiện việc theo dõi và kiểm định giá bán một cách kỹ càng trước khi sản phẩm được giới thiệu.