Nhớ lại năm 2020, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho rằng sau mỗi đợt dịch được khống chế, ngành du lịch lại bùng lên nhanh chóng với nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ.
"Năm ngoái, dịp lễ 30/4-1/5 mới kết thúc giãn cách xã hội nhưng lượng khách đã lai rai, đến tháng 6-7 thì tăng vọt. Vậy nên tôi hy vọng đến đầu tháng 4 năm nay, du lịch cũng sẽ bùng lên và khởi sắc mạnh mẽ. Mùa hè sắp tới có thể sẽ lại là cao điểm du lịch. Cách đây 2 tuần đã có những tour khởi hành, hiện khách vẫn tiếp tục mua tour, du lịch đang dần trở lại", ông nói với Zing.
Lượng khách tăng mạnh mỗi ngày
Cùng trải nghiệm dịch vụ với đoàn khách đi Côn Đảo từ ngày 15-17/3, ông Nguyễn Ngọc Tấn - Tổng giám đốc Công ty vận chuyển và du lịch Saco cho biết lượng khách đi tour hiện rất đông, số lượt đăng ký mua tour cũng liên tục tăng vọt.
Tính đến ngày 16/3, doanh nghiệp đã ký hơn 100 tour du lịch khởi hành từ nay đến hết tháng 5. Trong đó, ngày 17/3 sẽ có 400 khách đi Đà Lạt. "Đây là những tín hiệu rất tốt cho du lịch nội địa", ông nói.
Một đoàn khách tham quan Phú Quốc. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Còn tại Vietravel, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - phó giám đốc ban tiếp thị cho biết trong giai đoạn từ ngày 8-14/3, số khách mỗi ngày tăng gấp 2 lần so với tuần trước đó. Khoảng 10.000 lượt khách đã đăng ký mua tour tại doanh nghiệp lữ hành này trong tuần qua.
"Thị trường du lịch nội địa đang dần khả quan hơn khi người dân đã trở lại hỏi thông tin về các tour, một số đoàn sẽ khởi hành trong tháng 3-4", bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Phòng Tiếp thị truyền thông của Lữ hành Saigontourist nói.
Hiện tại, doanh nghiệp đang làm việc với các hãng hàng không và đối tác để đặt dịch vụ cho các tour khởi hành định kỳ. Mỗi tuần, Saigontourist có 3 hành trình đi Phú Quốc, 3 hành trình đi Đà Nẵng, 4 hành trình đi miền Bắc... Các điểm khác cũng có từ 2-3 hành trình mỗi tuần.
Theo các công ty lữ hành này, chưa bao giờ du lịch lại có giá rẻ như bây giờ. Đơn cử, một kỳ nghỉ trọn gói 3 ngày 2 đêm ở khách sạn 5 sao tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang thông thường có mức giá từ 7-8 triệu đồng trở lên, nay du khách chỉ cần bỏ ra khoảng 5 triệu đồng.
Bởi lẽ, các địa phương và công ty lữ hành, hàng không, dịch vụ du lịch hiện nay đã có kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh và đưa ra nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi, hỗ trợ du khách.
Mới đây, Đà Nẵng đã quyết định miễn thu phí tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và các công trình văn hóa, bảo tàng như Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Quảng Ninh, Hải Phòng... cũng đang tích cực đưa ra các gói hỗ trợ để ngành du lịch tái khởi động nhanh hơn.
Khách mua tour cận ngày, ưu tiên điểm đến biển đảo
Nói về xu hướng du lịch hiện nay, ông Nguyễn Ngọc An cho biết thói quen của người dân đã thay đổi. Trước đây, giai đoạn này là lúc du khách đã quyết định mua tour, dịch vụ cho dịp lễ 30/4-1/5. Tuy nhiên đến nay, xu hướng mua tour cận ngày lại nổi lên, bởi người dân có phần thận trọng hơn sau nhiều đợt bùng phát dịch.
Bởi lẽ đó, vị lãnh đạo Fiditour cho rằng đầu tháng 4 trở đi mới là giai đoạn bùng nổ nhất của du lịch trong nước.
"Khách hàng vẫn có nhu cầu đi du lịch cao trong giai đoạn lễ 30/4-1/5 cũng như mùa hè sắp tới, tuy nhiên thận trọng và chờ đợi đến thời điểm sát ngày đi mới đặt tour", bà Đoàn Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh.
Theo Outbox Consulting, quan điểm đặt dịch vụ du lịch từ sớm để tiết kiệm chi phí đã được thay thế, nhằm giảm thiểu các rủi ro khi thay đổi chính sách du lịch hay hạn chế di chuyển. Do đó, công ty nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch này cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần thay đổi các điều khoản trong việc đặt dịch vụ một cách linh hoạt hơn.
"Với các quy tắc và quy định về du lịch thay đổi hàng ngày, cách duy nhất để du khách tự tin đặt vé là cho phép họ linh hoạt thay đổi đặt phòng khách sạn hoặc chuyến bay mà không phải trả thêm phí", Outbox Consulting khuyến nghị.
Hậu Covid-19, du khách có xu hướng đi tự túc đến các TP biển đảo, đồng thời đặt dịch vụ cận ngày. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cùng với việc đặt tour cận ngày, du khách cũng có xu hướng đi tự túc theo nhóm nhỏ. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh cho biết, trước khi dịch xảy ra, tỷ trọng khách tham gia tour trọn gói chiếm gần như 80-90%, trong khi khách có nhu cầu đi du lịch tự túc chỉ dao động từ 10-20%. Nhưng hiện nay, lượng khách đăng ký tour tự túc đã chiếm đến 40-50%.
Theo đó, Vietravel cũng tập trung xây dựng gói dịch vụ vé máy bay/xe và khách sạn, đồng thời giới thiệu các loại tour trọn gói mới là du lịch bằng xe riêng và du lịch theo đoàn riêng cho nhóm khách gia đình.
Xét về yếu tố điểm đến, dựa trên khảo sát vừa qua, Outbox Consulting dự báo biển đảo và các thành phố du lịch nổi tiếng sẽ tiếp tục là các điểm đến hàng đầu trong năm nay. Trong đó, Vũng Tàu, Nha Trang, Hạ Long, Sapa, Phú Quốc hay Đà Lạt sẽ thu hút du khách.
Theo thống kê của các công ty lữ hành và lưu trú thời gian qua, các điểm đến được ưa chuộng nhất hiện nay cũng là Phú Quốc, Côn Đảo, Quy Nhơn, Đà Nẵng... và một số tỉnh khu vực phía Bắc.
Trong bối cảnh này, các địa phương đều nỗ lực phục hồi ngành du lịch bằng nhiều sản phẩm trải nghiệm mới. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết đang tham mưu cho UBND TP phát triển hơn nữa các hoạt động du lịch đường thủy nội địa, cụ thể là xây dựng các bến tàu và sản phẩm mới, tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm các du thuyền chất lượng, bảo đảm an toàn, chuyên nghiệp.
Thậm chí, các điểm đến vốn nổi tiếng với du khách quốc tế như Khánh Hòa, Quảng Nam... còn đang tính đến mở cửa du lịch với các giải pháp như "hộ chiếu vaccine" hay "du lịch cách ly".
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Trần Việt Trung mới đây khẳng định vẫn đặt mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Doanh thu du lịch dự kiến đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 243% so với năm 2020.