Chiều 25 tháng Chạp, bà Dung (45 tuổi) chờ đợi gần 30 phút tại một phòng giao dịch ngân hàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM nhưng vẫn chưa đến lượt của mình.
Bình thường 5-10 phút, ngày Tết đợi hơn nửa tiếng chưa tới lượt
Cần một khoản tiền mặt khá lớn để chi tiêu trong dịp Tết nhưng nhiều cây ATM thông báo đang bảo trì cộng với việc số tiền rút mỗi lần tại máy ATM cũng bị giới hạn nên bà Dung quyết định đến trực tiếp ngân hàng để rút tiền.
"Ngày thường tôi chỉ đợi 5, 10 phút là tối đa nhưng giờ nửa tiếng rồi mà vẫn chưa tới lượt", bà Dung chia sẻ và nói thêm khi bước vào ngân hàng thì đã thấy khoảng 20 khách hàng khác đang đợi gọi tên.
Trong khi đó, anh Nguyên (27 tuổi) cho biết cũng phải chờ vài chục phút mới có thể thanh toán khoản nợ trong thẻ tín dụng tại phòng giao dịch một ngân hàng nước ngoài ở quận Tân Bình.
Dù kỳ hạn thẻ tín dụng tháng này của anh Nguyên phải đến ngày 7/2 mới hết hạn, nhưng không muốn nhận email nhắc nợ trong ngày Tết "vì sợ xui" nên anh kiểm tra số tiền đang nợ thẻ rồi tranh thủ ra ngân hàng trả trước. "Bình thường tôi chuyển khoản để trả thẻ tín dụng, nhưng giao dịch chuyển tiền mấy hôm nay thường xuyên bị lỗi nên đến ngân hàng nộp luôn", anh Nguyên nói.
Với nhu cầu tiền mặt lớn để chi tiêu dịp Tết trong khi hệ thống máy ATM còn nhiều bất cập cùng với tâm lý muốn giải quyết xong các giao dịch tài chính trước khi sang năm mới, số lượng khách đến chi nhánh các ngân hàng trong tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết tăng vọt.
Nhu cầu tiền mặt lớn vào dịp cuối năm là một trong những lý do lượng khách đến giao dịch tại các ngân hàng tăng cao. Ảnh minh họa. |
Hết giờ giao dịch vẫn còn loạt khách ngồi chờ
Theo chị Quyên, giao dịch viên một ngân hàng trên phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, những ngày cuối năm, khách hàng ai cũng bận rộn và gấp gáp hơn ngày thường nên muốn giao dịch hoàn thành càng nhanh càng tốt. Trong khi đó, số lượng khách lại rất đông nên áp lực công việc với giao dịch viên càng lớn.
"Thời điểm trước Tết là lúc nhiều người có sổ tiết kiệm đáo hạn nên đến nhận số tiền mặt lớn. Nhiều khách lại không muốn để nhiều tiền ở nhà nên tới mở sổ mới. Người có khoản vay đã được duyệt thì cũng muốn được giải ngân trước Tết. Chủ thẻ tín dụng thì trả trước các khoản nợ vì sợ ra Tết vào muộn lại quên. Rồi cả đổi chuyển khoản, thanh toán, đổi tiền mới.
Ai cũng muốn được giải quyết nhanh nhưng giao dịch viên thì vẫn phải làm việc theo đúng quy trình, thủ tục của ngân hàng nên mấy ngày cuối năm thật sự rất mệt mỏi", chị Quyên bộc bạch.
Chung hoàn cảnh, chị Thùy, giao dịch viên làm việc tại một nhà băng trên đường Cộng Hòa, TP.HCM cho biết ngay ngày thứ hai của tuần này, lúc nào cũng có trên 20 người xếp hàng chờ đến lượt giao dịch. Con số này sẽ càng lúc càng tăng và cao nhất vào hôm nay, ngày cuối cùng làm việc trước Tết.
"Ngân hàng đóng cửa xong nhưng vẫn phải làm việc thêm gần 1 tiếng để giải quyết cho những khách ngồi chờ. Giao dịch viên chúng tôi làm phải làm xuyên trưa, thậm chí không dám đi lấy nước uống vì sợ khách chờ lâu có thể nổi cáu", chị Thùy chia sẻ.
Nhân viên ngân hàng đối diện áp lực lớn trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Có hơn 3 năm kinh nghiệm làm giao dịch viên, chị Thùy vẫn gọi ngày làm việc cuối cùng Tết là khi "ngoài đường không còn ai nhưng trong ngân hàng thì như chợ vỡ".
Chị Thùy kể thêm một vài phòng giao dịch xung quanh nơi làm việc mọi năm phải khép cửa ngưng nhận khách từ 2h chiều trong ngày này vì quá đông.
Tuy nhiên, theo chị Thùy, một số đồng nghiệp làm việc ở bộ phận vận hành tại ngân hàng của mình còn vất vả hơn nhiều. "Ai cũng cố gắng hoàn thành hồ sơ, chứng từ cho khách hàng trước khi nghỉ Tết. Có những người ở phòng chuyển tiền 11h đêm mới về tới nhà."
Công việc quá bận rộn, nhiều nhân viên ngân hàng than thở không có thời gian chuẩn bị Tết cho gia đình. "Mấy ngày nay tối nào cũng hơn 21 giờ tôi mới về tới nhà. Việc gia đình bừa bộn nhưng cũng không còn sức đâu mà lo", chị Trang, giao dịch viên một ngân hàng trên đường Phan Xích Long, TP.HCM, chia sẻ. Đặc thù công việc không thể nghỉ sớm nên tối 27 Tết chị Trang mới có thể cùng chồng đi chuyến bay khuya về quê.
Riêng với bộ phận tín dụng, khách hàng ít khi làm hồ sơ khoản vay mới trước Tết nên đây lại là thời gian tương đối thoải mái.
"Không mấy ai đi vay mà cũng đang siết tín dụng nên tôi cũng tương đối rảnh mấy hôm nay. Ngay cả ra Tết, mọi người cũng thường chưa làm hồ sơ vay.", anh Linh, nhân viên tín dụng của ngân hàng Vietinbank tại TP.HCM cho hay.