Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với việc lần đầu tiên trong hơn một thập niên hoạt động, nhà băng này ghi nhận lỗ ròng trong một quý tài chính.
Thu nhập lãi thuần giảm hơn 12 lần so với cùng kỳ
Cụ thể, trong khi các mảng kinh doanh như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán đầu tư… vẫn tăng trưởng ổn định, khoản thu nhập lãi thuần (chênh lệch từ lãi đi vay và cho vay) của Vietinbank bất ngờ giảm hơn 12 lần, chỉ đạt 572 tỷ đồng so với mức 7.156 tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước.
Điều này đã khiến Vietinbank lần đầu phải báo lỗ thuần trong hoạt động kinh doanh một quý dù đã tiết giảm chi phí hoạt động gần 30%.
Bên cạnh đó, dù được hoàn nhập gần 583 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng này vẫn phải báo lỗ 853 tỷ đồng trước thuế, trong khi cùng kỳ năm 2017 số tiền lãi thu về đạt 1.974 tỷ đồng.
Cũng vì khoản lỗ nặng trong quý IV, nên cả năm 2018, ngân hàng này chỉ thu về khoản lợi nhuận trước thuế 6.742 tỷ đồng, giảm 27%. Đây cũng là con số lợi nhuận thấp nhất Vietinbank kể từ năm 2011 đến nay và chấm dứt đà tăng trưởng lợi nhuận trong 4 năm liên tiếp trước đó.
Dù vậy, nhờ việc đã điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch kinh doanh năm 2018 tại Đại hội cổ đông bất thường trước đó, Vietinbank vẫn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm đã điều chỉnh.
Nguyên nhân khiến thu nhập lãi thuần của Vietinbank giảm mạnh trong quý IV chủ yếu do chi phí lãi tăng đột biến.
Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2018, ngân hàng này vẫn đạt về 18.819 tỷ đồng thu nhập từ tiền lãi cho vay, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí lãi và các chi phí tương tự lại tăng gần 80%, lên hơn 18.274 tỷ đồng khiến khoản thu nhập lãi thuần giảm đến 92%, đã ảnh hưởng trực tiếp tới tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Chính khoản chi phí lãi trong quý IV này cũng đã khiến thu nhập lãi thuần cả năm 2018 của Vietinbank chỉ đạt 22.520 tỷ, giảm 17% so với năm 2017.
Nguyên nhân sâu xa gây ra khoản lỗ ròng
Theo ban lãnh đạo Vietinbank, lý do khiến thu nhập lãi thuần giảm mạnh là phương án tăng vốn chưa được phê duyệt đã tác động rất nhiều đến dư địa tăng trưởng tín dụng của ngân hàng quý cuối cùng trong năm qua.
Đặc biệt, quý IV/2018, Vietinbank đã phải điều hành giảm quy mô tín dụng 34.300 tỷ đồng (4,3% tổng dư nợ đầu năm), ảnh hưởng lớn đến thu lãi ngân hàng.
Thực tế, Vietinbank là ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam với 37.234 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Nhà nước là 64,46%; cổ đông BTMU là 19,73%; cổ đông IFC là 8,03% và các cổ đông khác là 7,78%.
Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông từng là “niềm tự hào” này đang trở thành gánh nặng cho Vietinbank khi đã cạn room sở hữu cho nhà đầu tư ngoại, khiến ngân hàng không thể tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông ngoại như cách Vietcombank đã làm gần đây. Trong khi đó, phương án tăng vốn khác của Vietinbank vẫn chưa được thông qua khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn để áp chuẩn Basel II sẽ đến hạn trong vòng 1 năm nữa.
Ban lãnh đạo tại đây cũng cho biết ngân hàng đang phải dành nguồn lực tài chính để xử lý và tái cơ cấu theo phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 được NHNN phê duyệt.
Vietinbank sẽ phải áp dụng các chuẩn mực Basel II với các tiêu chuẩn phân loại nợ được nâng cao hơn, làm cho một bộ phận nợ phải chuyển nhóm, tác động lãi dự thu, ảnh hưởng đến lợi nhuận quý IV và cả năm 2018.
Đây cũng là lý do chính khiến chất lượng nợ tại ngân hàng này có chiều hướng đi xuống quý vừa qua. Cụ thể, tổng nợ xấu tại đây đã tăng hơn 50%, lên tới 13.518 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng lên mức 1,56% so với 1,13% vào đầu năm.
Đặc biệt, nợ xấu tại đây càng có chiều hướng xấu hơn khi nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng tới 82% với giá trị tương đương 9.470 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn tăng 72%, lên 2.135 tỷ đồng, còn nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ chỉ giảm 25%.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Vietinbank là hơn 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn khách hàng tăng 13,8% đạt hơn 825.816 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng trưởng 9,4% đạt 864.925 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn rất nhiều so với Vietcombank là 16% và BIDV là 13,3% (báo cáo sơ bộ).
Cũng do việc phải tái cơ cấu nên nhà băng này đã phải tiết giảm rất nhiều chi phí trong năm để đạt mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng đề ra. Ban lãnh đạo nhà băng khẳng định việc triển khai phương án tái cơ cấu sẽ có tác động làm ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn nhưng là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng tài sản, danh mục tín dụng.
Cùng với các khoản cắt giảm, các khoản chi lương và phụ cấp, trợ cấp cho nhân viên trong năm vừa qua của Vietinbank cũng đã giảm 11% so với năm 2017. Trong khi số lượng nhân viên ngân hàng đến cuối năm đã lên con số 24.197 người, tăng 2% so với năm trước đó.
Tuy vậy, theo nguồn tin của Zing.vn, ngân hàng này đã công bố thông tin thưởng Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019 chính thức vào chiều ngày 30/1 vừa qua. Theo đó, mức thưởng Tết bình quân tại ngân hàng này năm nay là 4 tháng lương cho nhân viên (bao gồm cả lương tháng 13) kèm với đó là 6,3 triệu đồng tiền quà Tết, đi lại cho nhân viên.