Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khắc phục hậu quả chiến tranh là cơ sở nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ

Nhiều chuyên gia nhận định sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh là cơ sở để hai nước nâng tầm mối quan hệ trong thời gian tới.

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ ở lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh là tín hiệu cho thấy tiến bộ trong quan hệ đối tác giữa hai nước, ông George Moose, Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ (USIP), nhận định trong một hội thảo quốc tế diễn ra tối 2/12 (giờ Việt Nam).

Những năm qua, Việt Nam và Mỹ cùng thực hiện nhiều chương trình hợp tác nhằm giải quyết hậu quả do chiến tranh gây ra. Trong đó, việc tìm kiếm hài cốt người mất tích là yếu tố quan trọng của quá trình hòa giải, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Ông Kelly K. McKeague, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích (DPAA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ hai nước sau chiến tranh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dưới sự hợp tác của hai quốc gia, hơn 1.000 hài cốt binh sĩ Mỹ đã được tìm thấy trong vòng 30 năm qua, ông cho biết.

Về phía Việt Nam, đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó cục trưởng Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515, nói dưới sự hỗ trợ từ phía Mỹ, việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Nhiều gia đình Việt tìm được thân nhân mất tích trong chiến tranh.

Giai đoạn 2013-2020, các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phân tích hơn 23.000 mẫu ADN, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN, theo Cổng thông tin điện tử Chính sách Quân đội.

khac phuc hau qua chien tranh Viet - My anh 1

Đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 515. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính sách Quân đội.

Cơ sở nâng tầm quan hệ

Theo ông George Moose, sáng kiến hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam nhận được sự ủng hộ của chính phủ hai nước trong thời gian qua.

Tim Rieser, cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Mỹ, nhìn nhận: “Chúng ta không thể đạt được kết quả này nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam”.

Ông nói các cơ quan của Mỹ cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp lại sự giúp đỡ mà Việt Nam dành cho Mỹ trong việc tìm kiếm các binh sĩ hy sinh trong chiến tranh.

Đây cũng là mong muốn của Thượng Nghị sĩ Pattrick Leahy, theo ông Rieser. Nghị sĩ Leahy đã nói sẽ làm “tất cả những gì có thể để giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại ở Việt Nam”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Tim Rieser cho biết: “Chương trình không chỉ chấm dứt nỗi đau cho nhiều gia đình Việt Nam, mà còn xây dựng lòng tin và mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, hướng tới việc hợp tác ứng phó với các thách thức trong tình hình mới".

khac phuc hau qua chien tranh Viet - My anh 2

Tim Rieser, cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, phát biểu tại sự kiện. Ảnh chụp từ video sự kiện.

“Mỗi một bước mà hai bên thực hiện góp phần tạo ra niềm tin, nâng cao hiểu biết lẫn nhau và mở ra mối quan hệ mới trong nhiều lĩnh vực. Hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh giúp cho hai quốc gia xích lại gần nhau hơn”, ông Rieser trả lời Zing.

Cũng trong cuộc thảo luận, bà Thảo Griffiths, chuyên gia có 20 năm làm việc trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, nói hai quốc gia đã hình thành niềm tin chiến lược và có mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Theo bà, mối quan hệ giữa hai nước đang ở “giai đoạn chuyển tiếp với nhiều tiềm năng tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược”. Do đó, việc hỗ trợ lẫn nhau trong các công tác giải quyết hậu quả chiến tranh sẽ mở ra cánh cửa để nâng tầm mối quan hệ Việt - Mỹ, bà cho biết.

Chia sẻ với nhận định này, ông George Moose cho biết mặc dù nhiều thành tựu đã đạt được trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ, "chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong một số khía cạnh của mối quan hệ song phương này". “Chúng tôi coi các di sản vô hình và hữu hình của chiến tranh vừa là cơ sở để hợp tác, vừa là thách thức để cùng giải quyết”, ông cho biết.

Kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai

Nhiều diễn giả nhận định cần rất nhiều thời gian để hòa giải sau một cuộc xung đột và khắc phục những hậu quả đau thương mà nó để lại.

Tuy nhiên, họ cho rằng những chương trình hợp tác này sẽ là cầu nối giúp các thế hệ người dân hai nước có cơ hội hiểu rõ hơn về những biến động trong chiều dài lịch sử.

Chia sẻ tại buổi thảo luận, đại tá Đoàn Quang Hòa nhận định rằng hiện nay, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là việc thông tin về liệt sĩ ngày càng ít, độ chính xác không cao, trong khi Việt Nam còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm. Tuy nhiên, ông đánh giá cao những nỗ lực của cả hai nước và đề nghị tiếp tục hợp tác tích cực hơn trong thời gian tới.

Theo quan điểm của ông Tim, thế hệ tương lai cần hiểu rằng bất kể điều gì chúng ta đã thấy trong chiến tranh đều là thảm họa với cả hai nước. "Sau nhiều năm, chúng ta đã có thể tìm được cách biến những đau thương thành nền tảng cho những điều tốt đẹp hơn".

khac phuc hau qua chien tranh Viet - My anh 3

Bà Thảo Griffiths cho biết sự hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh là cơ sở để nâng cấp mối quan hệ trong thời gian tới. Ảnh chụp từ video sự kiện.

Bà Thảo Griffiths nhấn mạnh tầm quan trọng về dữ liệu chiến tranh Việt Nam và câu chuyện của những người lính đã hy sinh.

Bà cho biết vào tháng 7, trong chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích, nhằm giải quyết khó khăn lớn nhất: Thiếu thông tin.

Theo đó, các cơ quan tìm kiếm của Việt Nam được phép tiếp cận các tài liệu mật của Mỹ liên quan đến chiến tranh, đặc biệt là 200.000 bộ tài liệu người Mỹ thu thập được từ quân đội Việt Nam trong khoảng thời gian xung đột.

"Nếu có thể sử dụng những tài liệu này để tạo thành cơ sở dữ liệu cho công chúng tiếp cận, đó sẽ là kho báu rất quý giá đối với thế hệ trẻ Việt Nam", bà chia sẻ.

Hiện nay, Thượng nghị sĩ Pattrick Leahy, người đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, tuyên bố không tái ứng cử.

Sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo có thể tạo ra những thách thức nhất định. “Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ giới lãnh đạo Mỹ, trong khi quá trình khắc phục có thể kéo dài thêm vài thập kỷ nữa”, bà Thảo nêu vấn đề.

Thêm 2 triệu liều vaccine Pfizer từ Mỹ về đến TP.HCM

2.075.580 liều vaccine Pfizer đã được chuyển giao thành công đến TP.HCM vào ngày 27/11, nâng tổng số vaccine Mỹ trao tặng Việt Nam lên hơn 20,5 triệu liều.

Việt Nam nhận thêm hơn 2 triệu liều vaccine Pfizer từ Mỹ

Hơn 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer được vận chuyển đến Hà Nội vào sáng ngày 26/11, nâng tổng số vaccine Mỹ viện trợ cho Việt Nam lên hơn 18 triệu liều.

Vân Đinh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm