Những căn phòng được niêm phong kín. Những chiếc túi có khóa. Và đôi khi là những chiếc còng để cố định túi tài liệu vào tay người vận chuyển giấy tờ bí mật quốc gia. Đó là một vài cách được người làm việc ở Đồi Capitol sử dụng để bảo đảm an ninh đối với tài liệu mật.
Hệ thống và quy trình tinh vi ấy là sự tương phản rõ rệt đối với nhà kho chứa tài liệu mật của cựu Tổng thống Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, nơi ảnh chụp của FBI cho thấy giấy tờ bị vứt ngổn ngang trên sàn.
Một căn phòng chuyên trách lưu trữ thông tin nhạy cảm, còn gọi là SCIF, bên dưới Điện Capitol. Ảnh: AP. |
Văn hóa giữ bí mật ở Điện Capitol
Sự bí mật có lẽ không phải điều sẽ được nghĩ đến khi nhắc tới Điện Capitol, nơi 535 thành viên dân cử của Quốc hội Mỹ cùng hàng nghìn phụ tá và vô số người khác thường xuyên lui tới để trao đổi thông tin trong quá trình làm việc hàng ngày.
Bí mật các loại - từ những chi tiết tẻ nhạt nhất về lịch bỏ phiếu sắp tới cho đến thông tin về các liên minh quyền lực - đều sẽ đi qua Điện Capitol. Nhưng khi câu chuyện có liên quan tới tài liệu mật, cánh cửa thông tin thường sẽ đóng chặt.
Các nghị sĩ làm việc trong ủy ban tình báo của Hạ viện và Thượng viện Mỹ thường là những người kín miệng nhất về công việc đang làm. Phụ tá cho những ủy ban này cũng sẽ phải được cấp phép an ninh mới có thể xử lý tài liệu mật.
Những giới hạn tương tự cũng được áp dụng đối với người làm việc cho các ủy ban có liên quan tới quân vụ và một số quỹ an ninh quốc gia.
Khi các nghị sĩ muốn xem tài liệu mật, họ phải đi sâu xuống tầng hầm của Điện Capitol để tới cơ sở chuyên trách lưu trữ thông tin nhạy cảm, còn gọi là SCIF. Các SCIF được rải rác khắp khu phức hợp Capitol.
Nếu cần thiết mang tài liệu ra vào các địa điểm được bảo vệ an ninh, giấy tờ và hồ sơ thường sẽ được vận chuyển trong một chiếc túi khóa - chiếc túi to cỡ vali có ổ khóa.
Thượng nghị sĩ Bob Casey của đảng Dân chủ, một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết nhân viên thường sẽ dùng túi khóa dù chỉ là để chuyển tài liệu từ văn phòng ủy ban tới một cơ sở SCIF cách đó khoảng 9 m.
“Việc một người có thể mang những tài liệu ấy đi ra khỏi phòng mà không có biện pháp bảo đảm thực sự là không thể tưởng tượng được”, ông Casey nói.
Một nhóm hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa nói chuyện với phóng viên sau khi xông vào một SCIF hồi năm 2019, giữa lúc các hạ nghị sĩ khác đang nghe lời làm chứng trong vụ điều tra luận tội ông Trump. Ảnh: New York Times. |
Trong một số trường hợp hiếm hoi, túi tài liệu có thể được còng vào cổ tay người vận chuyển. Dù vậy, một số thượng nghị sĩ và nhân viên nói chưa bao giờ gặp phải cảnh ấy.
“Cái đó tôi mới thấy trong phim”, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói.
Hậu quả nặng với người để lộ
Có lẽ vì văn hóa bảo đảm bí mật nghiêm ngặt như vậy, cáo buộc ông Trump xử lý tài liệu mật không đúng cách đã gây sốc cho các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng, kể cả những đảng viên Cộng hòa không hài lòng với vụ khám xét của FBI.
Đơn trình tòa của chính phủ liên bang cho biết FBI đã thu được hàng trăm tài liệu mật từ Mar-a-Lago.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump, Thượng nghị sĩ Martin Heinrich của đảng Dân chủ đã cảnh báo về cách vị cựu tổng thống xử lý tài liệu nhạy cảm.
Tháng 2/2017, một bức ảnh chụp buổi họp báo ở Nhà Trắng cho thấy ông Trump và những người khác ở Phòng Oval trong khi trên bàn có một túi khóa tài liệu, chìa khóa vẫn cắm trong ổ.
“Không bao giờ để chìa khóa còn cắm ở túi tài liệu mật trước mặt những người chưa được cấp phép”, ông Heinrich, một thành viên của Ủy ban Tình báo, viết trên Twitter. Ông khẳng định đó là kiến thức căn bản khi xử lý tài liệu mật.
Với những người để lộ bí mật ở Điện Capitol, hậu quả có thể đến rất nhanh và nặng.
Thập niên 1980, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy của đảng Dân chủ tuyên bố sẽ rời khỏi Ủy ban Tình báo sau khi thừa nhận cho phóng viên xem dự thảo báo cáo về phiến quân Contra. Dự thảo báo cáo nói trên không mật nhưng vẫn thuộc diện tài liệu nội bộ.
Một chiếc túi khóa đựng tài liệu nằm ở bên trái trên chiếc bàn của ông Trump, trong lúc ông có buổi gặp với CEO của hãng Intel tại Phòng Oval ngày 8/2/2017. Ảnh: AP. |
Gần đây hơn, một cựu thành viên cấp cao thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện đã bị khởi tố vì khai gian dối với điều tra viên về những lần tiếp xúc với phóng viên.
Ngay sau vụ khám xét Mar-a-Lago, Thượng nghị sĩ Mark Warner của đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và Thượng nghị sĩ Rubio đã cùng đề nghị giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phải đánh giá mức độ thiệt hại nếu số tài liệu FBI thu từ nhà ông Trump bị lộ.
“Vấn đề của tôi không phải là liệu số tài liệu ấy có thuộc về nơi đó hay không, vì tới cuối cùng thì chúng lẽ ra không nên được lưu trữ ở đó và chúng có thể đã bị đem đi mất”, ông Rubio nói.
“Câu hỏi ở đây là liệu chính quyền liên bang đã có hành động thiện chí để lấy lại số tài liệu ấy trước khi phải đột kích nhà riêng của một cựu tổng thống hay không?”, ông hỏi.
Cơ quan tình báo dự kiến có buổi báo cáo lên những quan chức cấp cao nhất tại Quốc hội và lãnh đạo các ủy ban tình báo của hai viện. Nhưng do các đơn kiện của ông Trump, hiện chưa rõ liệu Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia có thể tổ chức buổi báo cáo như vậy hay không.
Các thượng nghị sĩ Mỹ mong chờ buổi báo cáo có thể diễn ra trong tuần này, khi cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều quay lại họp, nhưng sự kiện này cần được tổ chức ở địa điểm an toàn.